Mấy tháng trước, tôi ngồi nghe một doanh nhân chia sẻ những điều chị trăn trở về nông nghiệp, về kinh tế tuần hoàn và khoa học công nghệ.
Cảm tưởng không có gì ngăn được dòng năng lượng tích cực đang sục sôi của chị, nên dù không phải là người công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi cũng cảm thấy có lỗi khi chưa thể đóng góp được nhiều hơn để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, để các doanh nghiệp tư nhân Việt phát huy được tối đa tiềm năng mạnh mẽ của họ trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Sau gần 40 năm đổi mới, không dễ hình dung được sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân Việt Nam – khu vực đang chiếm tỷ trọng khoảng 46% GDP trong năm 2023, hơn 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, sử dụng khoảng 85% tổng số lao động của nền kinh tế, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng số doanh nghiệp được thành lập mới kể từ năm 1991 (thời điểm Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty mới có hiệu lực) là trên 2,1 triệu. Trong 11 tháng của năm 2024, ước tính trên 145 nghìn doanh nghiệp ra đời, gấp hơn 10 lần con số của cả năm 2000, gấp hơn ba lần tổng số doanh nghiệp thành lập giai đoạn 1991-1999.
Bạn đã quen với những thông tin như: một tập đoàn nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng bạn sẽ thấy những tin tức khác cũng đang dần trở nên phổ biến: một tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tư các nhà máy ôtô nhiều tỷ USD tại những quốc gia lớn nhất thế giới; một tập đoàn khác đã sở hữu các khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng được giải thưởng đẹp nhất, sang trọng nhất thế giới; một tập đoàn trong nước mua lại các trang trại chăn nuôi lớn ở Australia và đang đầu tư nhiều tỷ USD vào dự án tại Nga; các công ty công nghệ lớn của Việt Nam đang mở rộng hoạt động tại nhiều thị trường lớn, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về xuất khẩu phần mềm.
Hệ quả tất yếu đầu tiên là sự tăng trưởng số lượng tỷ phú Việt Nam trong danh sách tỷ phú thế giới. Năm 2016, Việt Nam chỉ có duy nhất một đại diện: doanh nhân Phạm Nhật Vượng – chủ tịch Vingroup. Những năm gần đây, Việt Nam được ghi nhận thêm nhiều doanh nhân – tỷ phú USD khác như CEO Vietjet, Chủ tịch Hòa Phát, Chủ tịch Techcombank, Chủ tịch THACO, Chủ tịch Masan… chưa kể những doanh nhân khác sở hữu phần nhiều các doanh nghiệp lớn chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Sản phẩm Việt Nam cũng hiện diện ở trên 200 thị trường (trong đó có 7 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 35 mặt hàng trên một tỷ USD). Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc về doanh thu, dành nhiều ngân sách cho các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chủ động tạo ra các hệ sinh thái đi cùng thương hiệu, thành lập các quỹ, trường đại học, viện nghiên cứu, tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tuy vậy, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Bối cảnh quốc tế nhiều bất ổn địa chính trị cùng đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu buộc doanh nghiệp luôn phải nỗ lực thích ứng và tìm cách quản trị được sự bất định. Quá trình thực thi các quy định pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh vẫn có lúc chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đôi khi vì ngăn chặn những hành vi sai trái của số ít mà đã tạo ra chi phí tuân thủ cao hơn cho phần lớn doanh nghiệp khác. Đối với các hoạt động kinh doanh mới, công tác quản lý nhà nước còn bất cập, chưa bắt kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh, gây tốn kém nhiều thời gian hơn trong việc xây dựng chính sách, phối hợp quản lý đồng bộ, có thể làm doanh nghiệp mất đi thời cơ, cơ hội kinh doanh.
Sự hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, xét theo cả hai khía cạnh hỗ trợ số đông và hỗ trợ trọng tâm, chưa đạt được hiệu quả mong muốn và cũng chưa thực sự thiết thực. Các khó khăn điển hình của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, như tiếp cận tài chính, tiếp cận các dịch vụ phát triển kinh doanh chưa được chú trọng giải quyết triệt để. Chỉ dưới 30% trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, thị trường các dịch vụ phát triển kinh doanh còn hạn chế cả về cung lẫn cầu, năng lực khoa học công nghệ, thông tin, nguồn nhân lực, thị trường… vẫn là những điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp tư nhân phát huy năng lực.
Vì vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng, so với khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trên 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ các doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị vẫn ở mức ít (khoảng 20%, so với 30-70% của các nước trong khu vực).
Mức đầu tư cho khoa học công nghệ của các doanh nghiệp ở mức rất thấp (0,3-1% doanh thu, theo các khảo sát khác nhau), so với tỷ lệ này ở các nước có thể lên đến 50%.
Những khó khăn này phần nào dẫn đến kết quả: khu vực doanh nghiệp Việt Nam trong đó đại đa số là doanh nghiệp tư nhân không đạt được mục tiêu số lượng (một triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020) và mục tiêu chất lượng (đóng góp trong GDP) đã đề ra. Chưa kể đến tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động so với số thành lập mới hàng năm vẫn còn ở mức cao.
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Những cánh chim đầu đàn này phải đóng vai trò dẫn dắt trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phải là nguồn đóng góp việc làm lớn nhất về số lượng và chất lượng, phải sở hữu năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế, tuân thủ tốt các quy định của pháp luật đồng thời phù hợp với quy luật thị trường.
Cụ thể hơn, Việt Nam tham vọng sở hữu ít nhất 70 doanh nghiệp có mức vốn hóa một tỷ USD, ít nhất 10 doanh nhân vào danh sách tỷ phú USD thế giới từ nay đến 2030. Quan trọng hơn, đến năm 2045 cần hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế; làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước.
Các định hướng chiến lược quan trọng khác cần lưu ý bao gồm việc ứng dụng sâu rộng các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, kinh tế chăm sóc, kinh tế dữ liệu, kinh tế vũ trụ…
Để thực hiện những mục tiêu này, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay cần phát huy mạnh mẽ trong việc đóng góp vai trò tập đoàn lớn trong việc hiện thực hóa, tạo lập hệ sinh thái trong nhiều ngành, dẫn dắt trong nhiều chuỗi giá trị; đóng góp vai trò doanh nghiệp dân tộc nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu Việt, phát triển kinh tế địa phương đặc biệt là các địa phương nhỏ và vừa; đồng thời đóng góp vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đi đầu trong việc ươm tạo, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra quan điểm chỉ đạo về sự cần thiết có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, theo đó phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh.
Khoảng thời gian 8-10 năm vừa qua đánh dấu giai đoạn đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển khởi sắc, khẳng định vai trò dẫn dắt trong nhiều ngành, lĩnh vực trong nước, bước đầu đặt những bước chân vững chắc trên một số thị trường quốc tế.
Giai đoạn 10 năm tiếp theo chắc chắn sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong quá trình hiện diện tại các khu vực khác nhau trên thế giới.
Nguyễn Hoa Cương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dong-luc-kinh-te-tu-nhan-4834255.html