Đầu tháng 10, tôi tham gia một sự kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của hiệp hội doanh nhân phía Nam.
Chủ đề của hội thảo là câu chuyện thương mại điện tử xuyên biên giới. Rõ ràng ở thời điểm này, nói về thương mại điện tử không còn là điều gì quá mới mẻ khi thống kê của Bộ Công Thương cho thấy quy mô trên các nền tảng thương mại trực tuyến đã vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2023. Thương mại điện tử đã trở thành một kênh mua sắm quen thuộc với mọi lứa tuổi, từ trẻ em tới người cao tuổi và phổ biến với đủ mặt hàng. Ở một số đô thị, bấm vài nút để mua trực tuyến cũng chẳng còn khác đi vài bước chân ra cửa hàng tạp hóa đầu ngõ là bao.
Điều gây chú ý hơn với tôi không nằm ở chủ đề hội thảo mà ở một số vị khách đặc biệt. Đó là những doanh nhân tuổi đã lăn lộn hàng chục năm trên thương trường, ngoại hình đã qua nhiều sương gió nhưng vẫn hăng say tìm hiểu, trò chuyện về livestream bán hàng và không ngại chia sẻ những kinh nghiệm “từ trong gan ruột” của mình với thế hệ đàn em. Họ chia sẻ bởi nhận ra những điều luôn thay đổi trong kinh doanh nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
Thay đổi đầu tiên đến từ những mô hình mới như thương mại điện tử qua mạng xã hội (social ecommerce). Bên cạnh kênh phân phối truyền thống với các đại lý, các quản lý kinh doanh vùng và nhân viên kinh doanh thì thế giới số đã mở ra kênh bán hàng dành cho tất cả mọi người. Từ người nổi tiếng, thần tượng của giới trẻ tới các lãnh đạo doanh nghiệp đều có thể trở thành người giới thiệu và bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng. Bên cạnh các thông tin có phần thổi phồng quá mức thì việc các phiên bán hàng doanh số vài chục tỷ, trăm tỷ là chuyện có thực. Và nếu không nắm bắt được cơ hôi này, doanh nghiệp sẽ mất một kênh tương tác, bán hàng trực tiếp tới khách hàng và bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh với đối thủ.
Nhưng vấn đề phát sinh của các mô hình mới là quyền lực nằm ở người bán, người mua hay người tạo ra nền tảng. Nhiều năm nay, vấn đề quản lý và tham gia ra sao với thương mại điện tử vẫn là trăn trở với cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp. Xu hướng thương mại xuyên biên giới cùng các tiến bộ công nghệ đã khiến sân chơi thương mại điện tử bị lấn át bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Một vài sàn nội địa ngày càng có dấu hiệu hụt hơi trong cuộc đua thị phần và người dùng. Sự cạnh tranh sẽ còn khó khăn khi ngày càng nhiều các nền tảng mới như Temu, 1688… đang đánh tiếng sẽ tham gia thị trường tiêu dùng trăm triệu dân còn nhiều tiềm năng.
Sự cạnh tranh thông thường giữa các nền tảng không chỉ dừng ở khía cạnh kinh doanh mà còn tạo ra những rủi ro dài hạn cho doanh nghiệp nội địa. Lý do là thông qua mối quan hệ làm ăn sẵn có, các nền tảng này cũng giúp hàng trăm, hàng nghìn nhà bán hàng quốc tế xâm nhập thị trường tiêu dùng Việt Nam. Lợi thế về quy mô kinh tế, kho vận khiến các món hàng ngoại quốc có giá hấp dẫn hơn rất nhiều so với hàng Việt Nam. Một nguy cơ mà nhiều doanh nghiệp hàng đầu đã chỉ ra là nếu không nhanh chóng thay đổi, hàng Việt có nguy cơ mất cơ hội ngay trên chính sân nhà. Vậy là, thương mại điện tử tuy là “xuyên biên giới” nhưng có vẻ mới là xuyên theo chiều vào nội địa, chiều ngược lại từ Việt Nam ra thế giới còn khá leo lắt.
Vậy doanh nghiệp có thể ứng xử và thích nghi ra sao. Nếu không tham gia thì mất cơ hội, nếu tham gia thì sẽ cạnh tranh như thế nào. Bên cạnh việc chờ đợi cơ quan quản lý hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế quan để tạo ra sự công bằng giữa hàng nội địa – hàng nhập xuyên biên giới, doanh nghiệp vẫn phải tự tìm cách cứu lấy mình. Đây là câu hỏi lớn không dễ gì để giải đáp. Và trong quá trình đi tìm câu trả lời, các doanh nghiệp đang cố gắng liên kết để tạo nên sức mạnh cộng hưởng nhằm đối trọng lại các nền tảng.
Lý do là nếu các doanh nghiệp độc lập giao dịch với sàn thương mại điện tử thì chẳng khác nào David đối chọi với người khổng lồ. Khi ấy người điều phối cuộc chơi sẽ là các nền tảng với ưu thế về người dùng, kênh phân phối và giao vận. Còn nếu doanh nghiệp tạo được một mạng lưới liên kết để vừa phát huy lợi thế thương hiệu, chất lượng hàng hóa, lại vừa có thể chia sẻ và tối ưu chi phí tổ chức bán hàng, làm chủ kênh bán hàng thì quyền lực thương thảo có lẽ sẽ ngang bằng hơn. Một vài ý tưởng như vậy đang được thành hình và kỳ vọng mang lại hiệu quả trong tương lai.
Giải quyết thách thức về thương mại điện tử xét cho cùng cũng chỉ là một ví dụ trong rất nhiều thách thức mà các doanh nhân đang hàng ngày đương đầu và tìm câu trả lời. Bởi mọi thứ vẫn luôn thay đổi, với tốc độ ngày càng nhanh hơn.
Vì một lý do tình cờ nào đó, Việt Nam có ngày Doanh nhân và ngày Chuyển đổi số quốc gia cùng trong tháng 10. Bên cạnh ý nghĩa vinh danh, điều này cũng thể hiện một quan điểm có tính tương đồng là doanh nhân luôn cần chủ động và thích ứng với sự chuyển đổi. Ngày hôm nay, đó là có thể là sự chuyển đổi với công nghệ số. Nhưng nó cũng có thể còn là sự chuyển đổi với xu hướng xanh, xu hướng bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng, hay chuyển đổi AI với nhiều câu hỏi mở mang tính thách thức với tương lai của loài người.
Sự chủ động tạo nên sự chuyển đổi, thích ứng với chuyển đổi vừa là trách nhiệm nhưng cũng là một động lực quan trọng khiến các doanh nhân luôn duy trì được niềm đam mê và khao khát với công việc của mình, doanh nghiệp của mình. Bởi trong quá trình đó, họ tạo ra được các giá trị mới, không phải cho riêng mình mà còn cho người lao động, cho xã hội và cho đất nước mình.
Lê Vũ Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/doanh-nhan-chuyen-doi-so-4803516.html