“Chúng ta cần nhiều Xuân Son hơn nữa”, bạn tôi reo lên qua điện thoại sau khi cầu thủ nhập tịch ghi bàn thắng thứ hai trong trận chung kết lượt đi gặp Thái Lan.
Anh ở Việt Nam, tôi ở Pháp, xem chung một trận bóng qua truyền hình. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn kiên nhẫn theo dõi bước chân của đội tuyển quốc gia, trong khi ngay tại quê nhà, anh đã bõ bẵng bóng đá được một thời gian. Anh nói, anh xem ASEAN Cup kỳ này vì có Xuân Son.
Tôi thừa nhận với anh, cầu thủ gốc Brazil đã tạo ra đẳng cấp khác biệt không chỉ so với các cầu thủ trong nước, mà với cả khu vực Đông Nam Á. Xuân Son – với thể lực tốt, kỹ thuật cá nhân vượt trội và khả năng phán đoán tình huống nhanh nhạy – luôn có thể tạo đột biến, xoay chuyển thế trận các cuộc đối đầu. Nên cũng như bạn tôi, nhiều người hâm mộ trong nước bắt đầu đề nghị Việt Nam tăng cường các cầu thủ nhập tịch, để nâng cao sức mạnh của đội tuyển quốc gia.
Nhưng bao nhiêu Xuân Son là đủ?
Bóng đá là môn thể thao, cũng là trò chơi giải trí đem lại cho người xem những cảm xúc lo lắng, hồi hộp hay bùng nổ đến tận cùng. Vì thế, bóng đá không thể tồn tại mà thiếu đi sự ủng hộ của khán giả. Bóng đá gồm hai cấp độ: câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.
Ở cấp độ câu lạc bộ, đội bóng chuyên nghiệp có thể thực hiện việc mua bán cầu thủ nhằm thu hút các tài năng. Tuy nhiên, đội tuyển quốc gia lại bị ràng buộc về quốc tịch. Theo quy định chặt chẽ của FIFA, về cơ bản, mỗi cầu thủ chỉ được phục vụ duy nhất một đội tuyển quốc gia mà họ mang quốc tịch. Do đó, ở cấp độ các liên đoàn bóng đá, hiếm khi diễn ra chuyện lôi kéo cầu thủ – ngoài một số trường hợp đặc biệt.
FIFA quy định chặt chẽ về nhập tịch ở cấp đội tuyển quốc gia nhằm hạn chế tình trạng các nước “thuê” cầu thủ, tăng cường sức mạnh trong thời gian ngắn, dù nhân tố nhập tịch không phải lúc nào cũng mang lại thành công. Qatar từng lên đỉnh châu Á và Singapore từng một thời thống trị bóng đá Đông Nam Á với dàn cầu thủ gốc châu Âu, nhưng Trung Quốc và Malaysia lại thất bại với chính sách này.
Đội tuyển quốc gia mang trên mình màu cờ của đất nước mà họ đại diện, nói cách khác là bản sắc quốc gia. Qatar nhập tịch cầu thủ khi còn trẻ và được đưa vào môi trường huấn luyện chung từ sớm nên các cầu thủ ngoại lai đã trở thành “bản địa” khá sớm. Đất nước nhỏ bé Qatar cũng có rất đông người nước ngoài đến lao động và sinh sống ở đấy nên có thể được xem là một đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa. Tương tự là đất nước Singapore – một quốc gia rất “Tây” giữa lòng Á Đông nên các “ông Tây” dễ dàng được chấp nhận và hòa nhập tốt với đội tuyển Singapore. Ngay cả cấp câu lạc bộ, các ông lớn về chuyển nhượng như Barcelona hay Real Madrid cũng phải giữ bản sắc của mình với một lực lượng tối thiểu do chính mình đào tạo từ bé.
Còn Việt Nam thì sao?
Việt Nam có nhiều dân tộc cùng sống trên dải đất hình chữ S và tất cả các dân tộc đều là anh em lâu đời với những tương đồng về hình dáng lẫn văn hóa. Người phương Tây hoặc người da màu sinh sống trên lãnh thổ nước ta chủ yếu do tính chất công việc trong thời gian không quá lâu theo dòng lịch sử nên ở mức độ nào đấy, sự tương đồng còn hạn chế. Bỏ qua yếu tố chuyên môn, cả thủ môn Đặng Văn Lâm lẫn Nguyễn Filip đều mang trong mình dòng máu Việt Nam nhưng đến nay, Lâm thành công hơn ở đội tuyển quốc gia một phần cũng vì “Việt Nam” hơn Filip ở khía cạnh văn hóa.
Nếu khán giả không cảm nhận được tính Việt Nam trong đội tuyển thì cho dù đội tuyển có chiến thắng, họ cũng khó lòng chấp nhận. Cầu thủ Xuân Son đang được đón nhận không chỉ vì tài năng, mà còn bởi các biểu hiện hòa nhập tích cực của anh với đất nước và con người Việt Nam.
Nhưng nhiều Xuân Son cũng không chắc chắn sẽ đảm bảo cho sự lớn mạnh của đội tuyển, xa hơn là sự phát triển của nền bóng đá. Ngay cả khi đội tuyển mạnh hơn, liệu người hâm mộ Việt Nam có còn reo vui kiểu “nghe Xuân Son thấy trong lòng mình chứa chan” – nếu sử dụng phần lớn thủ nhập tịch? Bên cạnh thành tích, bóng đá còn là cảm xúc, ở cấp đội tuyển quốc gia, còn là lòng tự hào dân tộc – tất cả yếu tố này đều quan trọng và cần tìm được điểm cân bằng.
Một quốc gia hùng mạnh là quốc gia biết tận dụng mọi nguồn lực – từ sẵn có cho đến nhập khẩu – nhưng vẫn phải giữ được bản sắc phát triển của mình. Trường hợp của Xuân Son cho thấy, cầu thủ nhập tịch là một tài nguyên không thể bị lãng phí, đó là điều chắc chắn. Cởi mở với cầu thủ nhập tịch, theo tôi, là dấu hiệu tốt lành đầu tiên để kỳ vọng vào một đội tuyển quốc gia thay da đổi thịt trong thời gian tới. Tuy nhiên, ba hay năm hay mười một Xuân Son là hợp lý cho đội tuyển quốc gia Việt Nam để vừa có đội tuyển mạnh, vừa có sự ủng hộ của khán giả?
Để tận dụng tối đa lợi thế từ chính sách nhập tịch, Việt Nam nên xây dựng chiến lược dài hạn nhằm phát triển bóng đá nội địa bên cạnh lựa chọn cẩn thận các cầu thủ nhập tịch. Chúng ta đã có một Xuân Son, tức là đã đến lúc đặt ra và tìm lời giải cho câu hỏi về số lượng tối ưu cầu thủ nhập tịch, để vừa không quá phụ thuộc vào những cá nhân này, lại vừa tạo được động lực phát triển cho các cầu thủ nội.
Võ Nhật Vinh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/can-mot-hay-nhieu-xuan-son-4835057.html