Ngay khi thông tin Cấm thi tuyển vào lớp 6, kể cả trường chất lượng cao (theo quy chế mới về tuyển sinh THCS và THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sáng 8/1), mạng xã hội “dậy sóng” bởi phụ huynh chia phe.
Người thì ấm ức vì con nhỏ đã luyện thi hàng năm trời, giờ không còn cơ hội “vượt vũ môn hóa rồng”, người thì vui mừng trút được gánh nặng day dứt vì ép con chạy đua “luyện thi từ thuở còn thơ”.
Tiếp đó là những ngại lo về việc bỏ thi, chỉ còn xét tuyển sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát điểm 10, “chạy” học bạ, đua giải thưởng, chứng chỉ. Nỗi lo này là có cơ sở, từng xảy ra phổ biến trước đây. Độc tôn xét tuyển sẽ chỉ làm nó trầm trọng hơn.
Nhưng cũng bất ngờ không kém thông tin “cấm thi”, sáng 10/1, Vụ trưởng Giáo dục Trung học giải thích rằng đối với các trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng ký, việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được, Bộ vẫn cho phép kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Ngoài hồ sơ xét tuyển, trường còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức như: hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh, hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực.
Cách giải thích này lập tức gây thắc mắc: vậy “kiểm tra, đánh giá” khác gì “thi”? Thay vì tập trung 100% học sinh, ghi số báo danh, giải đề, phân điểm cao thấp, quy định mới sẽ thành kỳ sát hạch, với phần nhiều ứng viên (đã qua sơ tuyển bằng hồ sơ) được kiểm tra theo đa dạng phương thức hơn; nhưng chung quy lại vẫn là chấm điểm để quyết định “kẻ vào người ra”.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa “thi” (theo cách ta vẫn hiểu) và xét tuyển có kết hợp kiểm tra đánh giá?
Về lý thuyết, các nhà quản lý giáo dục hiện đại muốn chấm dứt tình trạng độc tôn của “bài thi tiêu chuẩn” – dạng thi tập trung 100% thí sinh, được tổ chức số lần hạn chế, chủ yếu kiểm tra kiến thức rồi phân hạng cao thấp. Dạng thi cử này bộc lộ nhiều điểm yếu chí mạng: co rút toàn bộ quá trình học tập nhiều năm của học sinh vào một vài giờ sinh tử; chỉ có khả năng kiểm tra kiến thức mà khó đánh giá được kỹ năng – thái độ của ứng viên; dễ biến hoạt động dạy – học thành giải bài tập mẫu trong đề thi, đặt quá nhiều trách nhiệm và quyền lực vào tay người tổ chức thi và chấm thi…
Do đó, xét tuyển có kèm kiểm tra đánh giá là phương án được đề cao nhờ khắc phục phần nhiều vấn đề trên. Tuy vậy, lợi ích nào cũng đi kèm chi phí.
Hệ thống tuyển sinh dựa trên xét tuyển sẽ yêu cầu nhân lực và thời gian làm việc nhiều hơn. Hồ sơ xét tuyển sẽ bao gồm bảng điểm nhiều năm học, các thành tích thi đua có kèm miêu tả (chứ không chỉ một giấy chứng nhận đoạt giải), thư giới thiệu của nhân vật có uy tín (đi kèm công tác chứng thực lại thư), hội đồng phỏng vấn chi tiết từng học viên, bài kiểm tra đánh giá năng lực không chỉ quy thành điểm mà còn cần các đánh giá chi tiết về từng năng lực…
Các trường công cấp hai tại Việt Nam trước nay chỉ quen cách xét tuyển học bạ truyền thống và cũng đơn giản nhất. Nên theo tôi, trong ngắn hạn, họ chưa có đủ kinh nghiệm và nhân lực để xử lý những hình thức xét tuyển phức tạp hơn với lượng hồ sơ có thể lên tới hàng nghìn. Nếu hạng mục đầu tiên này không được thực hiện tốt, việc xét tuyển có kèm bài kiểm tra đánh giá năng lực hay bộ sưu tập giải thưởng sẽ lại là “bình mới rượu cũ”, chẳng khác gì xét học bạ rồi thi tập trung trước đây.
Hơn nữa, không phải cách xét tuyển nào cũng thực sự đánh giá đúng quá trình học tập trong nhiều năm của học sinh. Để làm tốt việc này, cần sự kết nối chặt chẽ với các trường cấp 1. Giáo viên cấp 1 phải được hướng dẫn xây dựng các hồ sơ đặc thù về năng lực học viên với hệ thống tiêu chí được tiêu chuẩn hóa. Hồ sơ này có thể bao gồm các phiếu khảo sát về xu hướng học tập; các file thuyết trình và nhận xét của tổ chức xã hội (có cộng tác với nhà trường) về một vài dự án trải nghiệm mà học sinh tham gia tích cực; các bài kiểm tra dạng không chấm điểm nhưng để phát hiện năng lực đặc thù (như khả năng lãnh đạo hay động lực học tập). Hồ sơ phải được sưu tập, lưu trữ trong nhiều năm và được hệ thống hóa theo tiêu chuẩn định sẵn.
Với yêu cầu trên, cách lưu trữ tiến trình học tập của học sinh tiểu học hiện nay (dưới dạng học bạ) chưa đáp ứng được. Việc cải cách lưu trữ này phải được Bộ/Sở trực tiếp hướng dẫn chi tiết hơn để đáp ứng kỳ vọng về chất lượng xét tuyển có kèm kiểm tra đánh giá năng lực.
Như vậy, chủ trương mới của Bộ về việc loại bỏ hình thức thi tập trung trước đây, chuyển hóa thành xét tuyển có kèm kiểm tra đánh giá năng lực là đúng đắn về mặt phương hướng. Nhưng một cuộc “cách mạng” về phương thức tuyển sinh, hay một chủ trương tiến bộ càng cần được chuẩn bị đầy đủ và công phu để đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất.
Cách áp dụng quá vội vàng hiện nay khiến các trường bị động về cả mặt nhân lực, vật lực; còn học sinh và phụ huynh có thể bị cuốn vào một cuộc chạy đua còn rối loạn và mất phương hướng hơn.
Lang Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cam-thi-nhung-duoc-kiem-tra-4837942.html