Bức tranh phòng vé Việt Nam những ngày đầu tháng 7 tiếp tục phản ánh một thực tế quen thuộc: phim Việt vẫn chiếm ưu thế rõ rệt về số lượng suất chiếu, trong khi các bom tấn Hollywood dù đạt được những thành tích khả quan trên thị trường quốc tế vẫn loay hoay tìm chỗ đứng tại Việt Nam. Dù đều là những dự án quy tụ dàn sao đình đám hoặc bước ra từ những thương hiệu nổi tiếng, nhưng rõ ràng, hiệu ứng từ F1 hay 28 Years Later vẫn chưa đủ sức tạo cú hích tại thị trường nội địa.
Ở chiều ngược lại, các tác phẩm Việt như “Út Lan: Oán Linh Giữ Của” vẫn cho thấy sự bền bỉ đáng kể, tiếp tục duy trì sức hút với khán giả trong nước sau hai tuần công chiếu.
Phim Việt “giữ của” thành công.
Không ngoài dự đoán, Út Lan: Oán Linh Giữ Cửa tiếp tục là cái tên dẫn đầu phòng vé Việt tuần qua. Bộ phim khai thác đề tài tâm linh kết hợp màu sắc dân gian, vốn là thế mạnh dễ chạm tới thị hiếu khán giả nội địa.
Lấy bối cảnh vùng quê Việt Nam, phim xoay quanh những hiện tượng bí ẩn tại ngôi nhà của gia đình Út Lan và lời đồn về “oan linh giữ cửa”. Bằng việc lồng ghép yếu tố văn hóa quen thuộc như bùa chú, hồn ma và những mối quan hệ gia đình phức tạp, bộ phim nhanh chóng thu hút khán giả, đặc biệt là nhóm yêu thích phim kinh dị thuần Việt.
Bên cạnh đó, hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội cũng góp phần giúp phim giữ sức nóng suốt nhiều tuần. Dù xung quanh “Út Lan” vẫn tồn tại không ít ý kiến trái chiều từ khen ngợi bối cảnh đậm chất Việt Nam cho tới phê bình về kịch bản và cách xử lý cao trào. Nhưng không thể phủ nhận rằng chính những tranh luận đó lại càng khiến bộ phim được chú ý nhiều hơn. Tất cả đưa Út Lan trở thành điểm sáng hiếm hoi của phim Việt tại phòng vé thời điểm hiện tại.
Thành công của Út Lan phần nào phản ánh rõ thị hiếu của khán giả Việt, khi họ vẫn ưu tiên lựa chọn các tác phẩm trong nước hoặc phim đến từ khu vực châu Á nhờ sự gần gũi về văn hóa, câu chuyện và cách thể hiện. Tuy nhiên, để đi được đường dài và giữ chân khán giả cho những dự án tiếp theo, kịch bản và yếu tố logic vẫn là điểm ê-kíp cần đầu tư nghiêm túc hơn. Đây vốn là những “nút thắt” cố hữu của dòng phim kinh dị Việt, và đến hiện tại vẫn chưa thực sự được khắc phục.
Hollywood có phần hụt hơi đôi chút.
Dù được kỳ vọng không nhỏ, cả “F1” lẫn “28 Năm Sau: Hậu Tận Thế” đều chưa thể tạo ra cú hích doanh thu như mong đợi tại Việt Nam. Với “28 Năm Sau”, đây là phần tiếp nối của loạt phim xác sống nổi tiếng 28 Days Later và 28 Weeks Later, từng được xem là biểu tượng của dòng phim hậu tận thế hiện đại.
Lần trở lại này có sự góp mặt của các ngôi sao như Jodie Comer, Aaron Taylor-Johnson hay Jack O’Connell, cùng kỳ vọng hồi sinh thương hiệu sau gần ba thập kỷ. Tuy nhiên, dòng phim zombie pha màu sắc xã hội này vốn khá kén khán giả Việt, cộng thêm hiệu ứng thương hiệu tại Việt Nam chưa đủ mạnh, khiến bộ phim chật vật cạnh tranh.
Tương tự, “F1” dù có sự tham gia của Brad Pitt và khai thác đề tài đua xe tốc độ hấp dẫn, nhưng sức nóng tại phòng vé vẫn chưa đáng kể. Thực tế cho thấy, không phải thương hiệu Hollywood nào mang đến Việt Nam cũng dễ dàng tạo được đột phá, nếu không có nội dung phù hợp và chiến dịch truyền thông đủ sức lan tỏa.
Tương tự, những cái tên như MEGAN 2.0, Elio: Cậu Bé Đến Từ Trái Đất cũng chưa để lại dấu ấn rõ rệt. Mặc dù được bảo chứng về đơn vị sản xuất.
Thực tế cho thấy, thành công tại thị trường Việt không chỉ phụ thuộc vào tên tuổi diễn viên hay thương hiệu quốc tế. Nếu nội dung không thực sự chạm tới thị hiếu khán giả bản địa, cùng với một chiến lược truyền thông được bản địa hóa đủ tốt, thì dù được kỳ vọng đến đâu, các dự án Hollywood cũng dễ rơi vào cảnh “nội dung hay, hình ảnh đẹp nhưng vắng khán giả”. Để tạo đột phá doanh thu, điện ảnh quốc tế buộc phải đi xa hơn — không chỉ đơn thuần mang phim về rạp, mà cần biết cách đưa tinh thần và văn hóa của bộ phim đến gần hơn với người xem Việt Nam.
Live-action hoạt hình, “mỏ vàng” mới.
Không còn là trào lưu nhất thời, các dự án chuyển thể từ hoạt hình sang live-action đang dần chứng minh đây là “mỏ vàng” mới của phòng vé toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Điển hình là Bí Kíp Luyện Rồng phiên bản live-action, dù đã ra mắt được nhiều tuần nhưng vẫn đều đặn mang về doanh thu, nâng tổng số lên khoảng 55 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Thành tích này một lần nữa khẳng định sức hút bền bỉ của thương hiệu đình đám, đồng thời cho thấy rõ hiệu ứng từ nhóm khán giả gia đình và thế hệ từng gắn bó với bộ phim hoạt hình gốc. Không ít người đã quay lại rạp để sống lại ký ức tuổi thơ, đồng thời giới thiệu cho con em mình bộ phim đã gắn liền với tên tuổi của dòng hoạt hình thế giới.
Từ thành công của Bí Kíp Luyện Rồng đến các dự án như Lilo & Stitch, có thể thấy Hollywood đang tận dụng tối đa giá trị từ kho tàng hoạt hình kinh điển của mình. Và với đà này, xu hướng chuyển thể chắc chắn chưa dừng lại, bởi rõ ràng, đây đang là “mỏ vàng” mà các hãng phim khó lòng bỏ qua.
Sức sống bền bỉ của phim “tuổi thơ”
Bên cạnh loạt phim hoạt hình live-action, thì những cái tên hoạt hình gắn liền với ký ức tuổi thơ như Doraemon, Conan vẫn đều đặn duy trì sức hút ổn định suốt nhiều thế hệ.
Điển hình là Doraemon Movie 44: Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh, tác phẩm kỷ niệm 45 năm ra mắt loạt phim Doraemon the Movie, chính thức khởi chiếu từ ngày 23/5/2025. Sau hơn một tháng trình chiếu, phim vẫn giữ vững vị trí trong Top 10 phòng vé Việt Nam với doanh thu hơn 2,2 tỷ đồng, gần 22.000 vé được bán ra. Đây là con số cho thấy sức hút quá ổn định của thương hiệu hoạt hình đình đám này tại thị trường nội địa.
Điều đáng nói, Doraemon Movie 44 thậm chí vẫn bám sát doanh thu của các bom tấn Hollywood như 28 Năm Sau: Hậu Tận Thế hay F1, bất chấp sự chênh lệch rất lớn về quy mô truyền thông và kinh phí sản xuất. Một lần nữa, loạt phim hoạt hình “tuổi thơ” này cho thấy, dù xu hướng điện ảnh có thay đổi đến đâu, thì những thương hiệu gắn bó với ký ức nhiều thế hệ vẫn luôn là lựa chọn an toàn, bền bỉ tại phòng vé Việt.
Điều đáng nói, sức hút của những bộ phim hoạt hình “tuổi thơ” như Doraemon vốn đã đủ mạnh để tạo nên thành công tại phòng vé, ngay cả khi không cần đến những chiêu trò truyền thông hay sự góp mặt của các tên tuổi nổi tiếng trong phần lồng tiếng. Với dòng phim này, khán giả thường tìm đến cảm giác quen thuộc và sự trọn vẹn về cảm xúc – điều mà các diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp đã và đang làm rất tốt trong suốt nhiều năm qua.
Bản thân thương hiệu đã là một yếu tố bảo chứng vững vàng cho chất lượng và sức hút. Điều khán giả mong đợi không nằm ở những cái tên đình đám xuất hiện trên poster, mà chính là sự chỉn chu, thân thuộc và tinh thần nguyên bản mà bộ phim mang lại.
Chờ đợi gì ở tháng 7?
Tháng 7/2025 tiếp tục cho thấy sự đa dạng rõ nét tại phòng vé Việt với loạt phim trải dài từ hoạt hình, gia đình, trinh thám cho tới kinh dị, đáp ứng gần như đầy đủ thị hiếu của nhiều nhóm khán giả khác nhau.
Ở mảng hoạt hình những cái tên như Phim Xì Trum, Tổ Đội Gấu Nhí: Du Hí 4 Phương hay đặc biệt là Conan Movie 28: Dư Ảnh Của Độc Nhãn hứa hẹn tiếp tục là lựa chọn an toàn cho mùa hè, thu hút không chỉ trẻ em mà cả nhóm khán giả trưởng thành vốn đã gắn bó lâu năm với các thương hiệu này.
Thị trường phim Việt và phim châu Á cũng cho thấy sự bền bỉ với loạt tác phẩm như Quan Tài Vợ Quỷ, Ma Xưởng Mía, Thám Tử Tư: Phía Sau Vết Máu. Đặc biệt, dòng phim kinh dị – trinh thám pha yếu tố văn hóa bản địa vẫn là “át chủ bài” giúp phim Việt duy trì vị thế tại phòng vé, nhất là sau thành công của Út Lan. Nhưng cần khác biệt hơn trong cách kể chuyện
Dòng phim tình cảm, gia đình cũng khá sôi động với sự góp mặt của Đàn Cá Gỗ, Điều Ước Cuối Cùng, Đợi Gì Mơ Đi. Những tác phẩm nhẹ nhàng, gần gũi này luôn có chỗ đứng nhất định tại phòng vé, đặc biệt trong mùa hè – thời điểm mà khán giả có xu hướng tìm đến các bộ phim mang thông điệp tích cực, truyền cảm hứng. Đáng chú ý trong nhóm này là Đàn Cá Gỗ, dù suất chiếu dự kiến khá hạn chế nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ kéo được khán giả ra rạp nhờ hiệu ứng từ ca khúc Phép Màu – bản nhạc phim đang gây sốt trên các nền tảng âm nhạc. Đây cũng là lợi thế không nhỏ giúp bộ phim lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng yêu phim và yêu nhạc.
Bên cạnh đó, những tác phẩm quốc tế như Thế Giới Khủng Long: Tái Sinh, Bộ Tứ Siêu Đẳng: Bước Đi Đầu Tiên, hay Điều Ước Cuối Cùng cũng góp phần làm phong phú thêm bức tranh điện ảnh tháng 7, phục vụ nhóm khán giả yêu thích dòng phim phiêu lưu, giả tưởng và siêu anh hùng kinh điển.
Có thể thấy, dù chưa có “cú nổ” phòng vé thực sự rõ rệt, nhưng sự đa dạng về thể loại, đề tài và nguồn gốc xuất xứ của loạt phim ra rạp trong tháng 7 đang mang lại nhiều lựa chọn hơn cho khán giả, đồng thời thể hiện sự cạnh tranh ngày càng sôi động của thị trường điện ảnh Việt.