Quentin Tarantino, vị đạo diễn “quái kiệt” làm nên tên tuổi với những tác phẩm kinh điển như Pulp Fiction, Kill Bill lừng lẫy từng chia sẻ: “Vương Gia Vệ là một trong những đạo diễn lôi cuốn nhất mà tôi từng biết kể từ khi dấn thân vào nghiệp làm phim. Phim của ông, cũng như nhiều tác phẩm Hồng Kông khác, mang đến một sức hút khó cưỡng mà điện ảnh Mỹ không thể có được. Nhưng điều khiến anh ấy trở nên độc đáo chính là giá trị thẩm mỹ nghệ thuật vượt trội, hoàn toàn khác biệt với những trường phái của Ngô Vũ Sâm hay Thành Long.’”
Có lẽ, kỷ nguyên hoàng kim của Hồng Kông trên bản đồ điện ảnh thế giới những năm 80, 90 đã lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng, di sản đồ sộ mà xứ Hương Cảng để lại vẫn in đậm dấu ấn, kiên cường định hình và góp phần mở lối cho nghệ thuật thứ bảy châu Á vươn tầm toàn cầu. Trong bức tranh đó, Vương Gia Vệ không chỉ là chịu sự ảnh của làn sóng mới, mà chính ông tạo nên “vũ trụ” điện ảnh riêng của chính mình.
Vào ngày “Vương Ca” bước sang 67, hãy cùng Koicine khám phá những câu chuyện độc đáo xoay quanh vị đạo diễn lừng danh này.
Kịch bản không nằm trong từ điển
Trong thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ, kịch bản chi tiết dường như là một khái niệm xa xỉ, thậm chí là điều ông muốn xa lánh.
Khác với nhiều đạo diễn khác, ông nổi tiếng vì không bao giờ có một kịch bản hoàn chỉnh, nếu có cũng chỉ là những phác thảo sơ lược, không định hình rõ từng cảnh quay.
Từng chia sẻ về “nỗi khổ” khi cầm bút, ông tiết lộ một sự thật thú vị mà không ít người phải ngạc nhiên:
“Với tôi, địa điểm đi trước cốt truyện. Tôi tự viết kịch bản. Không phải để thỏa mãn cái tôi hay muốn được công nhận là tác giả hoàn toàn của phim. Đúng ra, tôi rất thích cộng tác với một người biên kịch, nhưng các lần hiếm hoi tôi thử làm điều đó thì đều đi đến xung đột. Cuối cùng, tôi tự nhủ là tôi đã có thể viết kịch bản một mình thì tại sao lại đi tìm điều phức tạp.”
Vương Gia Vệ không hề che giấu sự “ác cảm” của mình với công việc viết lách khô khan này. Ông xem đây là công việc thuộc loại cực nhọc nhất: vừa dài, khó, vừa gây nỗi lo sợ.
Thậm chí, ông từng chia sẻ rằng ước mơ lớn nhất của ông đơn giản chỉ là buổi sáng thức dậy, thấy ở đầu giường một kịch bản đầy đủ, sẵn sàng
Ông không làm việc theo một cách thuần túy mà để mọi ý tưởng đến một cách trừu tượng, từ nhiều nơi, ông nói: “Tôi chưa biết thật sự tôi muốn gì, song tôi có thể biết những gì tôi không muốn, và tiến tới như thế bằng phương pháp loại trừ.”
Đặc biệt, Vương Gia Vệ không nhất thiết đi tìm lời đáp cho các câu hỏi của nhà biên kịch, bởi ông cho rằng: “Chính bộ phim được làm ra là để đi tìm lời đáp.”
Nỗi khiếp sợ của các ngôi sao
Có lẽ, không chỉ nổi tiếng với việc không bao giờ có một kịch bản chi tiết, Vương Gia Vệ còn được xem là “người thử thách giới hạn” của những diễn viên đình đám nhất. Với ông, việc thiếu đi kịch bản rõ ràng, hay thậm chí là không hề miêu tả cụ thể cảm xúc nhân vật là một lẽ thường tình trên phim trường.
Điều này đã đẩy không ít ngôi sao vào thế bế tắc, khiến họ phải quay đi quay lại hàng chục lần, thậm chí “khóc thét” trong sự hoang mang, chỉ để chờ đợi một cái gật đầu hiếm hoi từ vị đạo diễn bí ẩn này.
Kim Thành Vũ, nam diễn viên tài tử góp mặt trong nhiều tác phẩm kinh điển của ông chia sẻ rằng: “Ngày đầu tiên làm việc với Vương Gia Vệ, anh ấy chỉ kêu tôi tự diễn mà không hề hướng dẫn cụ thể. Lúc đó tôi hoàn toàn bối rối, nhưng anh ấy nói với tôi rằng diễn viên lúc nào cũng phải bối rối, nếu họ tỉnh táo thì dù họ có cố gắng diễn xuất đến đâu, họ vẫn chỉ là họ.”
Anh còn bộc bạch về khoảnh khắc “ngộ” ra điều cốt lõi: “Sau này khi xem lại các tác phẩm, tôi mới phát hiện ra rằng nhân vật trong bộ phim ấy thực chất chính là tôi lúc đó. Khi quay phim, tôi hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật và nó đã trở thành một phương pháp được sử dụng rất nhiều lần. Anh đã khai sáng tôi và cho tôi một góc nhìn mới về diễn xuất. Mọi người nói rằng anh ấy không có kịch bản khi quay phim, nhưng tôi nghĩ đó là do đầu óc anh ấy chuyển động quá nhanh, dù có kịch bản thì tôi tin rằng anh ấy cũng không quay theo những gì kịch bản viết”.
Hồng Kông dưới lăng kính Vương Gia Vệ
Không chỉ là một thành phố nhộn nhịp mà còn được mệnh danh là “Hollywood” của phương Đông vào những năm 80 và 90. Nhưng dưới lăng kính của Vương Gia Vệ, ông lại lảng tránh những địa danh biểu tượng, thay vào đó tập trung vào việc nắm bắt nhịp đập chân thật của đời sống đô thị.
Xuyên suốt các bộ phim của ông, có thể thấy những địa điểm quen thuộc như: chung cư cũ, quán bar hay nhà hàng. Căn hộ đóng vai trò như một điểm tựa mang tính biểu tượng, liên tục xuất hiện trong các tác phẩm như “As Tears Go By”, “Chungking Express”, “Fallen Angels”, “In The Mood For Love” và “2046”. Trong khi đó, quán bar hoặc nhà hàng lại biến thành một trung tâm của sự căng thẳng và những kết nối bất ngờ, hiện diện trong nhiều cảnh then chốt ở các bộ phim như “Happy Together”, “Chungking Express” và “My Blueberry Nights”.
Có thể thấy sự “chệch hướng” đầy thú vị khỏi Hồng Kông lại xuất hiện trong “Happy Together”, bối cảnh câu chuyện chủ yếu ở Argentina, đặc biệt là Buenos Aires. Tại đây, các nhân vật phải vật lộn với cảm giác ngột ngạt, điều này được phản ánh qua không gian chật chội, tù túng trong căn hộ của họ.
Kể chuyện thông qua ẩm thực
Những tác phẩm của ông không chỉ miêu tả sâu sắc từ câu chuyện như nhân vật, bối cảnh và văn hóa của họ. Yếu tố ẩm thực cũng được xem là yếu tố riêng biệt giúp truyền tải cảm xúc và giúp người hiểu hơn về nhân vật.
Như trong bộ phim Chungking Express, cảnh sát (Lương Triều Vỹ thủ vai) mua cả bánh mì kẹp và salad cho bạn gái mình. Anh lập luận rằng có lẽ cô ấy muốn có sự lựa chọn khác biệt. Sau đó, anh trở lại nhà hàng sau khi bị bạn gái bỏ rơi và nhận ra có lẽ cô ấy thực sự thích sự lựa chọn khác biệt
Hay chàng thám tử thất tình (Kim Thành Vũ thủ vai) khi ngày nào cũng mua một lon dứa hết hạn vào ngày 1 tháng 5, xem như một phép thử với định mệnh. Nếu đến ngày 1 tháng 5 mà bạn gái cũ vẫn chưa quay lại, tự anh hiểu rằng mối quan hệ giữa cả hai thực sự đã kết thúc.
Xuyên suốt các bộ phim, ẩm thực được cài cắm như là sự phản ánh của văn hóa, phản ánh con người chúng ta như những tòa nhà xung quanh hay quần áo chúng ta mặc.
Và dù là những cảnh ăn uống đầy gợi cảm hay chất chứa nỗi buồn man mác, chúng đều khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ trong lòng khán giả và tạo sự đồng điệu với thế giới nội tâm của các nhân vật. Chỉ là từ việc chuẩn bị hay ăn đều thể trở truyền tải những cảm xúc như tình yêu, nỗi khát khao hay sự cô đơn.
Âm nhạc là màu sắc
Vương Gia Vệ từng thổ lộ rằng: “Âm nhạc có một vị trí quan trọng trong các phim của tôi.” Điều thú vị là ông hiếm khi đặt làm nhạc riêng cho phim.
Lý do đơn giản nhưng sâu sắc: “Tôi thấy giao lưu với các nhạc sĩ quá khó khăn. Ngôn ngữ của họ có tính thính giác, ngôn ngữ của tôi có tính thị giác, và không thể nào tôi làm cho họ hiểu được điều tôi muốn.”
Trong nhiều năm, khi ông bắt gặp một giai điệu bất kì hiện diện trong cuộc sống của mình dù là cổ điển hay đương đại, khi gợi lên trong ông những hình ảnh thị giác, ông sẽ ghi âm và cất giữ cẩn thận. Bằng cách này, ông tạo nên thế giới thị giác riêng mình, sẵn sàng để lục lọi khi cần thiết.
Không chỉ dừng lại ở khâu hậu kỳ, âm nhạc còn hiện diện ngay từ công đoạn quay. Không chỉ tạo nên không khí, mà còn đóng vai trò như một “nhịp điệu” dẫn dắt. Khi cần giải thích cho người quay phim về tốc độ của một động tác máy, Vương Gia Vệ tin rằng: “một khúc nhạc thường có tác dụng hơn một diễn văn dài.”
Chính cách tiếp cận khác biệt và đầy cảm tính này đã biến âm nhạc trở thành một phần không thể tách rời, một linh hồn thầm lặng định hình phong cách điện ảnh độc đáo của Vương Gia Vệ.