Đèn Âm Hồn là bộ phim Việt Nam lấy bối cảnh thời phong kiến miền Bắc, với câu chuyện lấy cảm hứng từ điển tích “Chuyện người con gái Nam Xương”. Bộ phim có tạo hình và quay dựng khá tốt, đặc biệt là những phân đoạn trừ tà của nhân vật cô đồng Liễu do nữ diễn viên Hoàng Kim Ngọc thể hiện khá đẹp. Nửa đầu phim có nhịp điệu cuốn hút, cách kể chuyện cũng gọn gàng nhưng phần sau lại bộc lộ khá nhiều điểm hạn chế.
Thông tin về Đèn Âm Hồn:
Nội dung của Đèn Âm Hồn được lấy cảm hứng từ điển tích Truyền kỳ mạn lục “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Câu chuyện xoay quanh hai mẹ con Thương và Lĩnh. Mọi thứ bắt đầu tại một ngôi làng miền Bắc vào thời phong kiến, khi người chồng phải đi lính xa, còn Thương ở lại làng, một mình nuôi cậu con trai là Lĩnh và chăm sóc mẹ chồng.
Sau khi mẹ chồng qua đời, cậu bé Lĩnh vô tình nhặt được một cây đèn cổ xưa, từ đó cậu gọi chiếc bóng phản chiếu từ chiếc đèn là cha mình. Điều này đã vô tình dẫn đến một tai hoạ, khi cây đèn là sợi dây kết nối kỳ lạ giữa hai thế giới sóng song. Mà theo lời cô đồng Liễu trong làng thì cây đèn này được gọi là “đèn âm hồn”, có khả năng triệu hồi một linh hồn của người chết sống lại.
Rất nhiều khán giả đã biết đến Truyền kỳ mạn lục “Chuyện người con gái Nam Xương”, câu chuyện về bị kịch của một người phụ nữ hết lòng vì gia đình, chồng con. Khi chồng đi lính vì muốn con trai bớt cô đơn mà đã chỉ cái bóng của mình trên tường là người cha để rồi phải chịu tiếng oan là ngoại tình và nhảy xuống dòng sông Hoàng Giang để chứng minh trong sạch. Thay vì chuyển theo cốt truyện vốn có, bộ phim Đèn Âm Hồn đã lồng ghép thể loại tâm linh, kinh dị cùng thông điệp về tình cảm gia đình và dành sự tôn vinh đối với những người phụ nữ.
Đèn Âm Hồn là bộ phim đầu tay của đạo diễn Hoàng Nam, người được biết đến là một nhà sáng tạo nội dung YouTube “Challenge me Hãy thách thức tôi” với hơn 4 triệu người đăng ký và từng đạt giải nhà sáng tạo nội dung số xuất sắc VCA 2023. Anh đã dành hơn 3 năm để hoàn thành kịch bản bằng cách tìm hiểu và trải nghiệm những truyền thuyết dân gian nổi tiếng ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước.
“Sau hơn 10 năm chu du, khám phá và tiếp xúc với những câu chuyện tâm linh, giờ đây, tôi muốn tạo ra một bộ phim không chỉ đơn thuần về vấn đề tâm linh mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Đèn âm hồn là hành trình khám phá về bản thân, về tình mẫu tử và những giá trị truyền thống của dân tộc”, đạo diễn Hoàng Nam chia sẻ về bộ phim Đèn Âm Hồn.
Bối cảnh phim Đèn Âm Hồn cũng được đầu tư tỉ mỉ khi không chỉ tái hiện lại những yếu tố tâm linh nổi tiếng, phim còn được quay ở những địa danh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng như thác Bản Giốc, Mắt Thần Núi, thác Cò Là, rừng dẻ cổ thụ, rừng trúc… Đoàn phim còn sử dụng 5 tỷ để dựng một ngôi làng ngay dưới chân thác để mang đến cảm giác cổ xưa, chân thật.
Phim có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ Diễm Trang, Phú Thịnh, Hạo Khang, Đình Khang, Tuấn Mõ, Hoàng Kim Ngọc, cùng hai tên tuổi gạo cội là NSƯT Quang Tèo và NSƯT Chiều Xuân.
Review Đèn Âm Hồn:
Bộ phim Đèn Âm Hồn có mở đầu khá tốt khi tạo dựng được bầu không khí miền Bắc thời phong kiến cổ xưa cùng một phân cảnh khá kịch tính nhanh chóng thu hút người xem. Ngay sau đó đoạn intro với những hình ảnh minh hoạ 2D đẹp mắt và âm nhạc phù hợp khiến kỳ vọng về bộ phim khá cao.
Những phân đoạn mở đầu và giới thiệu bối cảnh, các nhân vật sau đó được làm khá tốt, chậm rãi nhưng đủ gọn gàng để người xem vừa nắm bắt thông tin và cảm xúc của câu chuyện. Sự xuất hiện của nhân vật cô đồng Liễu cũng nhanh chóng gây được ấn tượng bất ngờ bởi tính cách và tạo hình, đặc biệt là cảnh trừ tà loại bỏ linh hồn đang chiếm thân xác của một người dân trong làng.
Các yếu tố tâm linh và kinh dị của phim cũng được bắt đầu khá tốt. Không theo hướng hù doạ giật mình mà thiên về cảm giác rùng rợn, ám ảnh. Phần kỹ xảo CGI xuất hiện của linh hồn tà ác cũng tạo cảm giác khá chân thực.
Tuy nhiên khi phim bắt đầu chuyển sang phần thứ hai, lúc chồng của Thương (Phú Thịnh) quay trở về thì phim bắt đầu bộc lộ khá nhiều điểm hạn chế. Trong đó có cảm giác đạo diễn khá tham lam khi khai thác quá nhiều tuyến truyện bằng nhịp điệu dài dòng, lê thê không cần thiết.
Cao trào của các nhân vật cũng được triển khai nhưng lúc này dàn diễn viên trẻ có vẻ hơi đuối, biểu cảm cũng khá gượng và kịch. Phần thoại cũng nhiều hơn, nhưng thiên nhiều về giải thích và cách diễn viên xử lý thoại cũng không được tự nhiên. Điểm duy nhất vẫn được làm tốt là các phân đoạn thực hiện những nghi lễ của nhân vật cô đồng Liễu.