Trong “Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam”, xe 555 được ví như mãnh hổ, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.
Tác phẩm của tác giả – Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt ra mắt tháng 12, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Sách gồm tám chương, giới thiệu sự xuất hiện của xe tăng, thiết giáp ở Việt Nam, sự ra đời và trưởng thành của Binh chủng Tăng thiết giáp, hay kỳ tích xe tăng vượt Trường Sơn vào miền Nam.
Dịp này, VnExpress đăng một số trích đoạn trong chương bốn – Xe tăng trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Chiến dịch là sự phản công của Quân Giải phóng nhằm đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 do Mỹ và quân lực Việt Nam cộng hòa tiến hành. Đây cũng là chiến dịch có xe tăng tham gia với lực lượng vượt trội so với Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh.
Trận tiến công điểm cao 543 ̵ Xe tăng 555 một lần nữa được vinh danh
Xe tăng 555 đã nổi tiếng từ trận Tà Mây với quyết tâm “Một người, một xe cũng tiến công”. Và đến trận tiến công điểm cao 543, lại một lần nữa 555 tả xung hữu đột, tạo điều kiện cho bộ binh bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ. Sau trận này, 555 được mệnh danh “Mãnh hổ Đường số 9”.
Trong các căn cứ yểm trợ mặt Bắc cho cuộc Hành quân Lam Sơn 719 thì căn cứ hỏa lực 31 đặt tại điểm cao 543 có một vị trí hết sức quan trọng, bởi nó án ngữ con đường 16A – con đường vận tải huyết mạch của ta từ Bắc xuống Nam. Cũng vì tầm quan trọng như vậy, quân địch đặt tại đây một tiểu đoàn dù cùng Bộ Tư lệnh Lữ đoàn dù 3 do đại tá Nguyễn Văn Thọ – Lữ đoàn trưởng chỉ huy.
Sau hai ngày đầu hành quân thuận lợi, Chiến đoàn đặc nhiệm của Việt Nam Cộng hòa đã đến được Bản Đông. Song do bị quân ta chặn đánh quyết liệt, lực lượng này không thể tiếp tục tiến về Sê Pôn như kế hoạch mà tập trung lại đây. Bộ Tư lệnh quyết định sẽ “đại phá Bản Đông” tiêu diệt gọn Chiến đoàn này.
Tuy nhiên, để thực hiện được ý đồ đó cần phải đưa được lực lượng và trang bị về xung quanh Bản Đông theo con đường duy nhất là đường 16A. Trong khi đó, điểm cao 543 lại án ngữ con đường này nên buộc phải “nhổ” nó đi trước. Nhiệm vụ này được giao cho Trung đoàn bộ binh 64 của Sư đoàn 320 do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến chỉ huy, được tăng cường Đại đội xe tăng 9 của Tiểu đoàn 198.
Theo kế hoạch ban đầu, hướng tiến công chủ yếu từ hướng Tây Bắc. Do hướng này độ dốc quá cao nên xe tăng không tham gia được. Sau ba ngày vây lấn quanh điểm cao 543, Tiểu đoàn 8 chủ công của trung đoàn vẫn chưa tiến được, mà còn bị tổn thất lực lượng khá nhiều. Trước tình hình đó, trung đoàn quyết định tổ chức trinh sát thêm và phát hiện ra hướng Đông Nam có độ dốc thoải, xe tăng có thể cơ động được nên quyết định thay đổi hướng tiến công chủ yếu sang hướng đông nam.
Các cây to trên đường cơ động sẽ được công binh cưa khoảng 2/3 đường kính, khi xung phong xe tăng sẽ húc đổ để vượt qua. Mọi công tác chuẩn bị được khẩn trương tiến hành theo kế hoạch. Giờ nổ súng tiến công được xác định là 2h ngày 24/2/1971. Đại đội xe tăng 9 là một trong hai đại đội của Tiểu đoàn 198 đã có mặt tại khu vực Đường 9 từ cuối năm 1967. Sau khi tham gia trận tiến công Làng Vây mở ra truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng Tăng Thiết giáp, Đại đội xe tăng 9 nhận nhiệm vụ cơ động vào A Lưới (Thừa Thiên), sẵn sàng tiến công thành Huế.
Ngay khi có mặt tại A Lưới, Đại đội xe tăng 9 đã phải hứng chịu cuộc đổ bộ đường không quy mô lớn của Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ xuống thung lũng A Sầu – A Lưới năm 1969. Đơn vị đã có đối sách phù hợp bảo toàn được lực lượng của mình trước hỏa lực dữ dội của cuộc tiến công. Cuối năm 1970, khi dự đoán địch sắp mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, Đại đội xe tăng 9 nhận lệnh quay ra khu vực Đường 9 sẵn sàng đánh địch. Quá trình cơ động liên tục trên những chặng đường dài, chất lượng xấu, lại không có khí tài dự bị… nên khi quay ra Đường 9, đại đội chỉ còn 5 xe có thể chiến đấu được.
Sau khi nhận nhiệm vụ phối thuộc cho Trung đoàn bộ binh 64 tiến công điểm cao 543, Ban Chỉ huy quyết định tổ chức đại đội thành đội hình một thê đội (Trung đội 1 gồm ba xe: 546, 563 và 555) và đội dự bị (Trung đội 2 gồm hai xe: 549 và 554). Do một số trục trặc, thời gian nổ súng phải lùi lại đến 11 giờ 30 ngày 25/2. Khi pháo binh bắt đầu bắn thì Thê đội 1 xuất kích. Xe tăng húc đổ các cây đã được công binh cưa “đứt ngậm” tiến về điểm cao 543. Khi lên đến mỏm 3, xe tăng bắt liên lạc với bộ binh, đồng thời phát hỏa tiêu diệt mục tiêu ở mỏm 4 và điểm cao 543.
Thấy xe tăng xuất hiện, địch tập trung hỏa lực pháo binh và không quân ngăn chặn. Các chiến sĩ xe tăng vừa dùng pháo, súng máy diệt mục tiêu trong cứ điểm vừa sử dụng 12 ly 7 bắn máy bay và đã bắn rơi 1 máy bay F-4H. Mặc dù vậy, máy bay địch vẫn tập trung đánh phá quyết liệt. Lần lượt, xe 546 bị trúng bom hỏng nặng, xe 563 cũng bị đánh hỏng, xe 555 bị mảnh rốc két làm thủng ống nước hệ làm mát. Cấp trên quyết định tung đội dự bị vào chiến đấu. Tuy nhiên, các xe này cũng chỉ tiến đến mỏm 4 rồi dùng pháo bắn vào cứ điểm.
Trong khi đó, lái xe Đặng Văn Đoàn đã nhanh trí khắc phục được hư hỏng, xe 555 lại tiếp tục tham gia chiến đấu. Được các xe bạn chi viện, xe 555 vừa bắn vừa tiến thẳng lên điểm cao 543. Tại đây, xe 555 vừa dùng hỏa lực diệt địch, vừa dùng xích sắt chà xát phá hủy công sự và phương tiện của địch, tạo điều kiện cho bộ binh bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ và Bộ Tư lệnh Lữ đoàn dù 3.
16h50 ngày 25/2/1971, quân ta hoàn toàn làm chủ điểm cao 543. Đó cũng là lúc xe 555 sử dụng hết toàn bộ cơ số đạn pháo, đạn đại liên và đạn 12 ly 7. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng đạt hiệu suất chiến đấu rất cao của xe tăng 555, cũng như Đại đội xe tăng 9, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Nam Lào.
Sau trận đánh, xe tăng 555 được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; trưởng xe Nguyễn Văn Duyên được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất; pháo thủ Nguyễn Thoảng và lái xe Đặng Văn Đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì. Với những chiến công đã lập được từ trận đầu đánh thắng Tà Mây – Làng Vây và trận tiến công điểm cao 543, xe tăng PT-76 số hiệu 555 được mệnh danh “Mãnh hổ Đường số 9”.
Sau chiến dịch, xe 555 được đưa ra Hà Nội tham gia Triển lãm Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào. Kết thúc triển lãm, xe tăng 555 được Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) sưu tầm, bảo quản và trưng bày cho đến nay. Đây là hiện vật gốc quý giá, tiêu biểu cho truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng Thiết giáp Việt Nam anh hùng.
Còn tiếp
Tác giả – Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nguyên là chiến sĩ lái tăng số 380, Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Ông từng ra mắt các cuốn: Bút ký lính tăng – Hành trình đến dinh Độc Lập, 1 chọi 10 – Trận đấu tăng bi tráng. Ấn phẩm hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), cùng với cuốn Bầu trời – Trường đại học của tôi của Trung tướng – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát.
(Trích sách Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam, NXB Trẻ)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/xe-tang-trong-chien-tranh-o-viet-nam-phan-mot-manh-ho-duong-so-9-4830180.html