Nhiều người nghĩ tự do là sống theo cách họ muốn, số khác cho rằng đó là hành động vượt khuôn khổ xã hội, còn Osho hiểu khác.
Với tác giả Osho, mong muốn thoát khỏi áp lực, làm bất cứ điều gì một người muốn là các dạng thức khác của nô lệ, bởi cá nhân đó vẫn còn bị những khao khát kìm hãm. Trong sách Tự do – Như chim tung cánh, Osho bàn luận về ba trạng thái và những bước cần thiết để tìm “sự tự do đích thực”.
Theo ông, khía cạnh đầu tiên là về thể chất, tức là giải phóng con người khỏi những áp bức cụ thể như chế độ nô lệ, phân biệt giới tính, bất công xã hội. Ông cho rằng tự do thể chất nghĩa là “không có sự phân biệt giữa da trắng và da đen, đàn ông và đàn bà”. Tuy nhiên, để bước lên những tầm cao hơn, con người cần có sự tự do tinh thần và tự do tâm linh.
Tự do tinh thần là sự giải phóng khỏi các khuôn mẫu tư duy, các định kiến và niềm tin bị áp đặt từ nhỏ. Ông cho rằng xã hội là “một sản phẩm nhân tạo” – nơi mỗi người từ khi sinh ra bị nhào nặn để tuân theo và phục tùng. Con người được gắn liền với những từ ngữ như “xã hội”, “quốc gia”, “tôn giáo”, quen với những guồng máy tổ chức. Để được tự do tinh thần, con người phải bỏ đi những niềm tin được gieo vào đầu, từ chối chân lý từng được dạy để tự khám phá sự thật.
Nhưng khi đạt được tự do tinh thần thì hành trình vẫn chưa kết thúc, bởi điều đó chỉ mở ra cánh cửa để bước vào cấp độ cao nhất: Tự do tâm linh. Đây là trạng thái con người nhận thức được bản chất của mình, không bị ràng buộc bởi bất kỳ thứ gì. Từ đây, Osho trình bày viễn cảnh nơi con người được là chính mình, sống trong sự tự tại và bình yên tuyệt đối.
Sách có đoạn: “Tự do thực sự xuất phát từ nhận thức không lựa chọn, khi có nhận thức không lựa chọn thì tự do sẽ không phụ thuộc vào sự vật hay hành động nào. Tự do theo sau nhận thức không lựa chọn là tự do được là chính mình. Và bạn đã là chính mình rồi, bạn được sinh ra cùng với điều đó, cho nên nó không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác. Không một ai có thể trao cho bạn tự do và không một ai có thể tước đoạt tự do khỏi tay bạn. Một thanh gươm có thể chặt đầu bạn nhưng không thể cắt đứt tự do của bạn, bản thể của bạn”.
Trong tác phẩm, Osho nhận định dù phát triển hàng nghìn năm, con người vẫn đang sống trong quá nhiều ràng buộc. Mỗi người tự ràng buộc bản thân vào những thứ hữu hình như: Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, tình yêu, xã hội. Nhiều người tin rằng những xiềng xích ấy là “trang sức”, thậm chí vui mừng vì có những thứ vật chất đó. Tuy nhiên, theo tác giả, sự lệ thuộc ấy khiến con người mất đi tự do.
Không chỉ đi tìm định nghĩa của “tự do”, Osho còn gợi ý phương pháp để đạt được nó, nhất là thông qua thiền định và nhận thức.
Theo Osho, thiền không phải như một nghi thức tôn giáo hay bài tập về tâm lý, mà là một cách để trở về với bản chất thuần khiết. Trong thiền, con người dần thoát khỏi sự bám víu vào tâm trí và các vai diễn xã hội để nhận ra bản thân vốn tự do từ lúc sinh ra. Điều ấy được ông lồng ghép qua những hình tượng như lạc đà, sư tử, hoặc những mẩu chuyện, cuộc đối thoại ngắn.
Tác giả gợi ý người đọc về cách thay đổi từ bên trong, chịu trách nhiệm với mỗi hành động. “Tự do là chuyện cá nhân của bạn. Nó hoàn toàn chủ quan. Nếu bạn vứt bỏ mọi rác rưởi của quá khứ và mọi ham muốn, tham vọng về tương lai, thì trong chính khoảnh khắc này, bạn tự do – như chim tung cánh, cả bầu trời thuộc về bạn. Mà có lẽ ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn”, Osho nêu trong sách.
Trên Goodreads, sách nhận 4/5 sao từ gần 4.000 lượt đánh giá. Tài khoản tên Alexander viết: “Cuốn sách giới thiệu cho tôi một vài khái niệm thú vị: “Tự do” và “ba chiều kích của tự do”. Đây thực sự là tác phẩm đáng đọc”. Tuy nhiên, một số độc giả cho rằng nhiều nội dung trong sách bị lặp lại nhiều lần, mục đích chỉ để củng cố thông điệp tác giả cố đưa ra.
Osho (1931-1990) tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh tại Ấn Độ. Ông được xem là nhà thần bí và một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở thế kỷ 20. Suốt 58 năm, ông ra mắt hàng nghìn băng ghi âm và video triết lý và tín ngưỡng – sau này được ghi lại thành sách, dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới. Ông được biết đến rộng rãi với phương pháp thiền động của Osho (active meditation) giúp giải tỏa căng thẳng, trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.
Tuy có sức ảnh hưởng đến nhiều người, Osho có nhiều phát ngôn tranh cãi và được xem là một trong số những tác giả có “tư tưởng nguy hiểm”. Ông từng chỉ trích các tôn giáo chính thống của Ấn Độ “đã chết”, chỉ còn lại những nghi thức sáo rỗng và lợi dụng nỗi sợ hãi để kiểm soát tín đồ. Trong loạt bài giảng năm 1968, ông kêu gọi sự cởi mở với tình dục. Ông còn lên án các khái niệm truyền thống về chủ nghĩa dân tộc.
Bộ phim tài liệu Wild Wild Country phát hành năm 2018 đã dựng lại câu chuyện Osho và các môn đồ từng đến Mỹ với kỳ vọng xây dựng một xây dựng “một quốc gia không tưởng” giữa lòng nước Mỹ. Tuy vậy, dự án sụp đổ vì vấp phản ứng dữ dội của chính quyền và cư dân bản địa.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tu-do-qua-goc-nhin-cua-osho-4833019.html