Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận định văn học Việt Nam đang thiếu tham vọng lớn, trong sách ”Trò chuyện với hoa thủy tiên”.
Ấn phẩm ra mắt sau hơn ba năm nhà văn qua đời, tập hợp những bài tiểu luận được Nguyễn Huy Thiệp viết trong khoảng thời gian văn đàn diễn ra nhiều cuộc tranh luận về ông (1988-1992). Ngoài ra sách có loạt bài tạp văn ký tên Dương Thị Nhã, đăng trên các báo từ năm 2000 trở đi, những bài giới thiệu bạn bè văn nghệ như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến và quan điểm của Nguyễn Huy Thiệp về các cây bút trẻ đương thời.
Trong sách, tác giả bàn nhiều vấn đề trong lý luận, phê bình, sáng tác văn học, như sứ mệnh của tác giả, cái đẹp trong văn chương. Nhà văn không coi những ý kiến của mình là chân lý mà chỉ ”nêu ra những suy nghĩ ‘nhầm lẫn’ để mọi người trong giới văn học xem xét”.
Cuốn tiểu luận – phê bình 344 trang, gồm ba phần: Thiên, Địa, Nhân, do Nhà xuất bản Trẻ tập hợp, phát hành hôm 9/4. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp
Nguyễn Huy Thiệp nhận định ”văn học là khoa học về con người”, hướng họ vươn đến những điều tốt đẹp. Ở hoàn cảnh éo le nhất, văn chương đánh thức tất cả tiềm năng trong mỗi người. Ông tin bằng cách riêng, văn học góp phần tiến bộ xã hội. Trong bài Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn, ông viết: ”Gạt sang bên sự nhếch nhác của hiện thực, nhặt ra những mảnh vụn sang trọng trong tư tưởng nhà văn, cưu mang nó, đấy chính là tiến bộ. Loài người đã nhích từng tí một đến chân lý nhờ những hạt vàng tư tưởng ấy”.
Để thực hiện nhiệm vụ ấy, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng mỗi cây bút cần ”rắc chút muối” trên trang giấy, cảm nhận nỗi đau, sống với số phận nhân vật. Ở bài Nhà văn và bốn trùm Mafia, tác giả khẳng định: ”Văn chương hay bởi có ‘lời đạt’, ‘lời đạt’ là bởi có ‘đạo’, ‘đạo’ xuất phát từ ‘tâm’ tức là trái tim người viết. Đã không viết thì thôi, chứ viết ắt phải có tâm, phải có tấm lòng”.
Theo Nguyễn Huy Thiệp, nếu muốn tạo nên những tác phẩm mang tư tưởng, tình cảm lớn, người viết phải làm việc nghiêm túc, biết tích lũy chất liệu sáng tác từ thực tế. Điều khiến cho các nhà văn, nhà biên kịch ”không nhạt” là họ phải đọc, học hỏi, ”tự làm khó mình”. Công việc của các tác giả phải bắt đầu từ nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là tìm hiểu tâm lý dân tộc trong khoảng thời gian dài. Từ đó, họ có thể mang đến những ”món ăn tinh thần” cho cả thời đại.
Bằng cách viết thẳng thắn, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra nhiều nhận xét về văn học Việt Nam hiện đại như thiếu vắng những tham vọng lớn, mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn và nhiệt huyết sống. Ông cũng bàn luận việc đào tạo các tác giả, cách tổ chức hội nhóm nhà văn, thái độ của xã hội với văn học, sự đánh giá của cơ chế thị trường đương đại dành cho nghệ thuật.
Qua đó, nhà văn đưa một số ý kiến để nền văn học nước nhà phát triển. Tác giả đề xuất nâng cấp trường Viết văn Nguyễn Du nhằm gần gũi thiên nhiên, gắn bó xã hội hơn, không phải nằm tại không gian chật hẹp giữa thủ đô. Hay ông cho rằng đã đến lúc người ta phải nghĩ đến một thế hệ nhà văn viết có bài bản, đủ lý lẽ chứ không mò mẫm, tự phát.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Nhã Nam
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội, tốt nghiệp khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện ở văn đàn Việt Nam từ năm 1986, với một số truyện ngắn đề tài nông thôn, đăng trên báo Văn nghệ. Nhà văn còn viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là “hiện tượng hiếm” của văn đàn trong nước.
Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002). Nhà văn mất ngày 20/3/2021 sau thời gian dài tai biến, thọ 71 tuổi.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tro-chuyen-voi-hoa-thuy-tien-su-menh-cua-van-chuong-4873142.html