Đạo diễn, cựu nhà báo, ca sĩ Bông Mai nghiên cứu các giá trị văn hóa thông qua trang phục của phụ nữ dân tộc thiểu số như Dao, Khơ Mú.
Ấn phẩm là kết quả của chuyến đi mang tên 99 ngày xuyên Việt cùng Mai của tác giả. Trong sách, Bông Mai giới thiệu 55 bộ trang phục phụ nữ cùng phong tục tập quán của 35 dân tộc – những người chị có dịp gặp gỡ, trò chuyện trong quá trình khám phá đời sống miền núi.
Với mỗi đồng bào thiểu số, Bông Mai chỉ rõ nơi cư trú, ngôn ngữ của họ. Sau đó, chị phân tích ý nghĩa từng chiếc áo, váy, phụ kiện mà phụ nữ sử dụng thường ngày. Các trang phục được nhóm tác giả gen Z vẽ lại với gam màu tươi sáng.
Ví dụ người Khơ Mú ở Việt Nam cư trú chủ yếu tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, ngữ hệ Nam Á. Họ mặc áo cóm màu đen, cổ áo ngoài cắt hình chữ V được viền bằng dải thổ cẩm đỏ, có hoa văn. Nẹp ngực thêu nền vải nổi, họa tiết hoa to, trên áo đính những đồng tiền bạc, hạt ngọc nhiều màu, cổ tay có viền thổ cẩm. Áo trong được thiết kế cổ đứng, ôm sát, vải màu tự do, thường là tông sáng, ở giữa có hàng khuy hình con bướm bạc, lá cây trên nền vải đen. Vai áo có độ phồng, tay dài hoặc lửng.
Váy là dáng suông màu đen, ngắn ngang bắp chân. Phần gấu thêu họa tiết bằng chỉ màu nổi bật. Đai lưng đơn giản màu trơn, được quấn quanh eo. Ngoài ra người Khơ Mú dùng chiếc khăn đội đầu để che mưa, nắng hơn là trang trí. Họ quấn khăn quanh búi tóc, một phần tà ghim lại trên đầu, phần sau buông xuống. Khăn được trang trí thêm các họa tiết hoa văn con thoi, tam giác, hình tròn bằng chỉ thêu, màu sắc sặc sỡ, mép khăn tước chỉ tua rua.
Còn người Dao Đỏ mặc áo dài màu chàm, vải bóng họa tiết chìm. Thân áo và cổ tay trang trí cầu kỳ, đính những miếng bạc to. Phía thân trước là hai chùm bông to đỏ tươi, giữa có dây cườm nổi. Phần sau là hai miếng vải to dài tới lưng hình chữ nhật, nối với nhau phía cuối tà. Ở giữa được đính nhiều bông hoa bằng bạc, mỗi hàng là bốn bông.
Mấn đội đầu có một miếng vải hình vuông, họa tiết được sắp xếp trong bố cục con thoi, cuốn bên ngoài là chùm vải đen. Mấn đầu to gồm nhiều lớp giống nón quai thao, hình tròn đội ở chính giữa. Khăn mấn màu đen, không trang trí cầu kỳ, viền được bọc lớp vải màu đỏ, có họa tiết sọc chạy quanh.
Theo tác giả, chiếc mũ đội đầu và chuỗi quả bông len màu đỏ trên ngực áo của người Dao Đỏ mang ý nghĩa gia đình sung túc, giúp bản thân có sức khỏe tốt. Họ cho rằng màu đỏ mang lại may mắn, hạnh phúc, tạo ra năng lượng tích cực.
Ông Nguyễn Thái Bình – phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật – nói hào hứng khi tiếp cận bản thảo song cũng đối diện thử thách. Để có tác phẩm hoàn chỉnh, đơn vị đã có nhiều cuộc họp với chuyên gia thẩm định, tra cứu các đầu sách khác nhau nhằm mang đến những thông tin chính xác.
Nguyễn Bông Mai cho biết khóc nhiều khi làm tác phẩm vì những áp lực về tiến độ cùng khối lượng lớn nội dung. Ngoài mô tả các chi tiết trên trang phục, tác giả khắc họa con người, văn hóa, tập tục của họ. ”Tôi nghĩ đây là góc nhìn khác so với những cuốn sách về nghiên cứu văn hóa”, chị nói.
Theo Bông Mai, ấn phẩm phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, công tác ở nhiều lĩnh vực như thời trang, điện ảnh, kiến trúc, múa. Những chi tiết trong sách sẽ là một trong những căn cứ để mọi người có thêm ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra, chị muốn tác phẩm là ”gia tài” mà bản thân để lại cho các con, rộng hơn là người trẻ: ”Tôi mong muốn các bạn ở thế hệ sau có thêm kiến thức về văn hóa”.
Trong lời giới thiệu, họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá nghiên cứu trang phục phụ nữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là một đề tài hay. Quá trình tác giả trải nghiệm, thu thập tư liệu, sắp xếp khoa học cũng tạo nên độ xác tín cho cuốn sách. ”Đọc sách, tra cứu tài liệu, tìm hiểu kỹ về tộc người mà mình sẽ đến. Đến nơi là gặp gỡ, trò chuyện với người dân địa phương, ghi chép tỉ mỉ, chụp hình, cước chú rõ ràng người dân tộc gì, xã, huyện, tỉnh nào. Và thú vị nhất là cả ngày, tháng, năm như một nhật ký hành trình”, anh viết.
Họa sĩ nhận định cuốn sách không chỉ du khảo về phục trang mà trong đó có truyền thống, lịch sử, nhân học, nghệ thuật, phong tục, tính cách, nếp sinh hoạt của người dân, tạo thành ”một bảng màu rực rỡ”.
Nguyễn Bông Mai 48 tuổi, là con gái cố nhạc sĩ An Thuyên. Chị từng ở trong nhóm nhạc Con gái cùng hai thành viên Xuân Nhị và Nguyệt Anh. Bông Mai có thời gian công tác tại Đài truyền hình Việt Nam. Tháng 6/2022, chị kết thúc chuyến đi xuyên Việt kéo dài 99 ngày nhằm tìm hiểu văn hóa, phong tục, cuộc sống của các dân tộc trên mọi miền đất nước.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trang-phuc-cua-phu-nu-cac-dan-toc-viet-nam-qua-sach-du-khao-4838350.html