Các buổi nói chuyện của nhà thơ Việt Phương về lý tưởng sống, rèn luyện bản lĩnh và phẩm chất từng khiến thế hệ học sinh, sinh viên Hà Nội say mê.
Tọa đàm Thơ Việt Phương và Suy nghĩ về ngày mai diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 11, thu hút các nhà văn, độc giả và nhà nghiên cứu chính sách. Ở buổi này, nhiều diễn giả cung cấp thông tin, góc nhìn sâu hơn về sự nghiệp của nhà thơ Việt Phương.
Trong ký ức của nhà thơ Vũ Quần Phương, những năm 1960, các buổi nói chuyện về lý tưởng sống, rèn luyện bản lĩnh và phẩm chất làm người của Việt Phương luôn khiến học sinh, sinh viên Hà Nội say mê.
“Anh là thần tượng của lứa thanh niên chúng tôi hồi ấy. Một vốn học thức căn bản, vững vàng, một vị trí làm việc thuận lợi cho một tầm nhìn xa rộng về thời cuộc, một tác phong sống gần với đời thường và hơn hết, Việt Phương có một cách suy nghĩ bằng trái tim”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói. Khi ấy, ông đang là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trước đó, Việt Phương trải qua quá trình hoạt động cách mạng từ sớm, 19 tuổi trở thành trợ lý, sau đó là thư ký cho Thủ tướng.
Năm 1970, tập thơ Cửa mở của Việt Phương ra đời, gồm 29 bài, không chỉ chinh phục bạn đọc mà còn gây tiếng vang trong xã hội. Tác phẩm thể hiện tư tưởng đổi mới hiện đại, nhìn thẳng vào những điều tốt đẹp và cả điểm nổi cộm, hạn chế của thời cuộc. Việt Phương với năng lực cảm nhận “nhạy và thường chính xác” như nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương.
“Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” hay “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”, “Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” là những câu thơ của Việt Phương được nhiều người biết đến. Tập thơ cũng bao gồm những bài thơ tình như Yêu tình yêu, Những khung cửa mở, Anh bắt đầu từ em. Việt Phương còn thể hiện tình yêu với Hà Nội qua các bài Một mùa thu – Không biết sớm hay chiều, Thành phố của ta như người đồng đội.
Cửa mở ở lần phát hành đầu tiên đã in hơn 50.000 bản, gây xôn xao dư luận, nhận ý kiến trái chiều. Thậm chí, có cả cuộc họp để nhận định lại Cửa mở. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam – nhớ lại những năm 1970-1973, khi ông là học sinh chuyên văn tại Nghệ An, tập thơ như một luồng gió mới lạ với lớp trẻ, thể hiện góc nhìn đổi mới về thời cuộc.
Phải đến 2008, Việt Phương mới ra mắt tập thơ tiếp theo: Cửa đã mở (2008). Sau đó, ông in nhiều tập như Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2010), Cát dưới chân người (2011), Sống (2012), Lan (2013), Nắng (2013). Năm 2017, tuyển tập Thơ Việt Phương (NXB Văn học) ra đời, bao gồm trọn vẹn 29 bài trong tập Cửa mở và tuyển chọn tác phẩm tiêu biểu trong các tập khác của ông.
Nhìn tổng thể sự nghiệp thơ ca Việt Phương, ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá Việt Phương là người có quan điểm riêng, hệ thẩm mỹ riêng, có giọng điệu, phong cách của chính ông. “Tác phẩm của Việt Phương xuất hiện ở điểm giao cắt giữa sự chừng mực, giữ ý của một cán bộ với sự phóng khoáng của một thi sĩ, nói cách khác là điểm giao cắt thực tế của một nhà hoạch định kinh tế và sự tiên cảm của một nhà thơ. Chính điểm ấy tạo cho tác phẩm của Việt Phương sự cuốn hút với nhiều người, cả người duy cảm lẫn người duy lý”, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lý giải.
Thơ Việt Phương thế nào thì tư tưởng của ông như vậy. Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng luôn có sự gắn kết giữa quan điểm trong thơ và cách nhìn trong nghị luận của Việt Phương.
Làm việc cùng Việt Phương tại tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định ông là một nhà thơ và con người lý luận. Bà ấn tượng về kiến thức, trí nhớ tốt và sắp xếp các ý khoa học của ông. Mỗi buổi thảo luận về chính sách, những điều ông tổng kết lại đều là những ý quan trọng, cơ bản nhất; các thư ký chỉ cần ghi lại những tổng kết của ông là đủ dữ liệu để trình bày lên lãnh đạo.
Những suy nghĩ, quan điểm của Việt Phương phần nào được thể hiện trong cuốn Suy nghĩ về ngày mai (do NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành hồi tháng 9). Tập hợp 18 bài viết, bài phát biểu, là một phần nhỏ bài nghị luận của Việt Phương, sách giúp bạn đọc hiểu thêm về con người lý luận chính trị và kinh tế của nhà thơ, những suy nghĩ quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh đổi mới.
Với những đóng góp của mình, Việt Phương từng được Thủ tướng Phan Văn Khải ghi nhận là một “chuyên gia tư vấn tầm cao về trí tuệ và nhân cách, một lòng vì nước, vì dân, đã có đóng góp lớn vào những cống hiến của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là về đổi mới đường lối, chính sách kinh tế, từ bỏ tư duy giáo điều về kinh tế xã hội chủ nghĩa chuyển sang kinh tế thị trường, đưa đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy (1928 – 2017), 73 năm cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước. Ông là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng một khoảng thời gian giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn, tham gia Tổ tư vấn của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải.
Minh Trung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tho-viet-phuong-nhung-suy-nghi-ve-ngay-mai-4682126.html