Thạp gốm hoa nâu Hiệp An có niên đại thế kỷ 13-14, được xác định dùng trong hoàng cung, cho tầng lớp quý tộc hoặc tế lễ.
Thạp (chum) được trưng bày tại chuyên đề Tinh hoa cổ vật xứ Đông – Hải Dương lần thứ nhất hôm 19/10, dịp tỉnh công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia do Thủ tướng ký hồi đầu năm.
Theo hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa, thạp được phát hiện khi người dân đào huyệt tại nghĩa trang xã Hiệp An, huyện Kim Môn (nay là thị xã Kinh Môn) ngày 6/12/1981.
Quá trình khai quật, thạp bị vỡ mất ba quai, sứt nhỏ ở miệng và đầu cánh sen, tróc một số mảng men. Tuy nhiên, cấu trúc, hình dáng, hoa văn của hiện vật còn khá nguyên vẹn. Sau đó, thạp được chuyển về Bảo tàng tỉnh để lưu giữ, bảo quản và trưng bày.
Hiện vật nặng 20 kg, cao 45 cm, dày khoảng một cm, được làm từ đất sét trắng, tráng men vàng ngà, vẽ men nâu, xương gốm màu xám nhạt, hoa văn sắc gọn. Gờ miệng hơi loe, cổ thấp, vai phình, thân cong, thuôn dần xuống đáy. Phần vai gồm bốn quai (núm) nhỏ, cong ngang, được gắn đối xứng nhau. Tài liệu từ Cục Di sản Văn hóa đánh giá: ”Đây là hình dáng riêng biệt của loại hình thạp gốm hoa nâu thời Trần đã phát hiện ở miền Bắc Việt Nam”.
Thạp gốm hoa nâu Hiệp An đảm bảo yếu tố độc bản, có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, theo Cục Di sản Văn hóa. Căn cứ cấu trúc, dáng thạp, kích thước, màu men, hoa văn được trang trí tỉ mỉ, những nhà nghiên cứu bước đầu nhận định bảo vật có thể là đồ dùng của tầng lớp quý tộc, sử dụng trong cung đình hoặc các hoạt động như thờ cúng, tế lễ.
Khi được tìm thấy, trong lòng thạp chứa 29 đĩa men ngọc có hoa văn, độ lớn khác nhau, đều gần nguyên vẹn. Vì vậy, hiện vật còn được cho là dùng để cất giữ tài sản, của cải. Tuy nhiên thời điểm phát hiện, chính quyền địa phương không kịp thời quản lý và báo cáo cho cơ quan văn hóa nên phần lớn đĩa bị phân tán qua những người buôn bán cổ vật trái phép.
Bảo vật gồm những đặc trưng kỹ thuật hiếm, với kích thước tương đối lớn, được đắp nổi, tạo khắc hoa văn, tráng men, tô men và nung đốt không tỳ vết.
Thạp là sự kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Sau khi tạo chuốt dáng trên bàn xoay, người thợ dùng kỹ thuật nặn tay để tạo băng cánh sen với 62 cánh to, nhỏ xen kẽ nhau, tiếp đến làm quai rồi gắn vào thân.
Từ trên xuống dưới thân thạp được chia thành bốn băng hoa văn trang trí khác nhau, ngăn cách bởi sáu đường chỉ, khắc chìm và tô màu nâu. Tại mỗi băng, người thợ đều tính toán không gian để bố trí loạt hoa văn như mây hình khánh, lá sen, sóng nước. Sau khi phân chia, phác họa cho các băng, họ mới khắc tay từng hoa văn. Do được làm thủ công trong thời gian khá dài, mỗi họa tiết đều mang hình thù, sắc thái riêng biệt, được mô tả sinh động, tự nhiên. Các nét chạm chắc chắn, rõ ràng, thể hiện phong cách thời Trần.
Đề tài trang trí trên thạp gốm Hiệp An cũng mang tính thời đại, có yếu tố Phật giáo truyền thống Đại Việt thế kỷ 13-14, thể hiện qua các hình tượng hoa, lá, đài sen.
Hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa kết luận thạp gốm hoa nâu Hiệp An là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, quý hiếm, có nhiều hoa văn đẹp còn tồn tại đến ngày nay. Hiện vật mang vẻ đẹp của những hình khối khỏe khoắn, kết hợp các đường nét, mảng màu đơn giản, đồ án trang trí mang nội dung gần gũi.
”Thạp là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời
Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ
của thời đại, đồng thời còn cho thấy được những nét văn hóa ở đời sống sinh
hoạt cũng như tính hữu dụng trong quá trình tồn tại của di vật”, tài liệu nhận định.
Bà Nguyễn Thị Huê – giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương – cho rằng trải qua thời gian, biến động xã hội, qua các cuộc chiến tranh, dòng gốm hoa nâu nói chung và loại hình thạp gốm Hiệp An thời Trần còn tồn tại nguyên bản đến hôm nay là một điều may mắn.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thap-gom-hoa-nau-hiep-an-bao-vat-thoi-tran-4806950.html