Nhà văn Tàn Tuyết chỉ học hết tiểu học nhưng am hiểu triết học, là tên tuổi đương đại nổi bật trên văn đàn Trung Quốc.
Nữ tác gia được nhiều người dự đoán đoạt Nobel Văn chương, sẽ công bố lúc 13h ở Stockholm ngày 10/10 (18h, giờ Hà Nội).
Tàn Tuyết bắt đầu có mặt trong các danh sách ứng viên tiềm năng từ năm 2019. Trước đó, năm 2012, khi Mạc Ngôn đoạt Nobel Văn học, ông nói hy vọng bà là người tiếp theo.
Theo The Paper, khác sự kỳ vọng và nỗi thất vọng của người Nhật Bản mỗi lần Murakami trượt Nobel, độc giả Trung Quốc không quá để tâm đến bà. Nhà văn chưa từng được giải thưởng cao trong nước. Trên Douban, diễn đàn văn học lớn nhất Trung Quốc, các tác phẩm của bà có điểm bình chọn trung bình khoảng 7/10. Số lượng người nghiên cứu về Tàn Tuyết ở Trung Quốc ít hơn nhà văn Dư Hoa và Mạc Ngôn nhiều lần.
Trang 163 nhận định sách Tàn Tuyết kén người đọc trong nước do “phong cách cổ quái, ngôn ngữ huyền bí và đậm chất triết lý, khó nắm bắt”. Bạn thân của bà – nhà văn Hà Lập Vĩ – từng nói: “Trên thế giới chỉ có một người rưỡi có thể hiểu được Tàn Tuyết. Một người là chính bà, còn lại là anh trai bà, nhà triết học Đặng Tiểu Mang”.
Tàn Tuyết trải qua cuộc sống nhiều biến động, ảnh hưởng sâu sắc đến các trang viết của bà. Tác giả sinh năm 1953 ở Trường Sa, Hồ Nam, trong gia đình có năm anh chị em. Bố bà – ông Đặng Quân Hồng – từng là tổng biên tập tờ Nhật báo Hồ Nam. Năm 1957, do biến động về đời sống chính trị, bố bà bà bị cách chức, điều tra. Một mình Tàn Tuyết ở lại thành phố Trường Sa trong khi bốn anh chị em của bà phải về nông thôn sống.
Do hoàn cảnh, bà chỉ học hết tiểu học, sớm thành lao động chân tay. Bà có tám năm làm công nhân lắp máy, nhiều lần bị đồng nghiệp cô lập bởi tính cách bướng bỉnh. Trong một bài phỏng vấn, bà cho biết chưa từng oán trách số phận. Tuy nhiên, cuộc sống vất vả thời niên thiếu nhiều lần trở thành nguồn cảm hứng trong tác phẩm của bà.
Sau đó, bà bỏ công việc ở xưởng, kết hôn và cùng chồng mở tiệm may. Thời mới sáng tác, nghề may vẫn cho bà nguồn thu chính, còn viết lách chỉ là công việc làm thêm. Tiệm may nổi tiếng cũng giúp bà làm quen nhiều tác giả trong giới văn nhân thành phố Trường Sa.
Năm 1983, ở tuổi 30, Tàn Tuyết viết tiểu thuyết đầu tiên – Hoàng Nê Phố – nhưng bị tạp chí văn học ở Bắc Kinh, Thượng Hải, từ chối. Cuối cùng, Đinh Linh, tác giả Nhật ký của cô Sophia, người thành lập tạp chí văn học Trung Quốc, đã in tác phẩm năm 1986. Hoàng Nê Phố lập tức được giới phê bình chú ý bởi giọng văn, cấu trúc kỳ lạ.
Trang văn học QiMao giới thiệu tác phẩm miêu tả những con người, sự vật trên đường phố Hoàng Nê một cách lộn xộn, u ám. Suy nghĩ và cốt truyện của Tàn Tuyết vượt ra ngoài khuôn khổ của tiểu thuyết truyền thống, mang đến cho người đọc trải nghiệm đặc biệt.
Đến nay, bà xuất bản khoảng 20 tiểu thuyết, tập truyện ngắn, nổi bật là các cuốn Phố Ngũ Hương, Mây cũ trôi về, Những chuyện tình thế kỷ mới. Giới phê bình nhận xét văn chương Tàn Tuyết phản ánh ý thức nữ quyền mạnh mẽ. Trong sách của bà, các nhân vật nữ sống giữa xã hội nhiều biến động, là nạn nhân của định kiến, lạc lối giữa dòng đời.
Phố Ngũ Hương kể về một mối gian tình, với nhân vật cô X. Nhưng tình tiết vụ tằng tịu chỉ là thứ yếu so với những màn thảo luận và suy diễn, đơm đặt đặc sắc của những người xung quanh. Qua đó, tác giả đào sâu hơn khía cạnh tinh thần, về những ẩn ức liên quan tâm lý tình dục của một bộ phận con người.
Những chuyện tình thế kỷ mới xoay quanh một vùng giả tưởng, nơi có những cô gái từng là công nhân, giờ “bán hoa” ở suối nước nóng.
Nhà văn Mã Duyệt Nhiên – thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển – từng gọi bà là “Kafka của Trung Quốc”. Tàn Tuyết nói bà đọc nhiều tác phẩm của nhà văn gốc Do Thái và ảnh hưởng ông từ những năm 1980, từng viết phân tích cuốn Lâu đài của Kafka. Tàn Tuyết nói trong bài phỏng vấn trên Sina: “Tiểu thuyết của ông ‘như một mũi tên nhọn đâm vào tim’, nhưng lại khơi dậy trong tôi niềm khao khát sinh tồn tiềm ẩn và vô tận”.
Giống Kafka, trang văn Tàn Tuyết cũng đậm màu sắc triết học. Anh trai bà từng kể ở tuổi 16, bà say mê các cuốn sách của Marx, Engels và Lenin. Họ thường trao đổi qua thư về các vấn đề biện chứng. Đặng Tiểu Mang nói: “Không thể hiểu được văn chương Tàn Tuyết nếu không có một mức độ hiểu biết triết học nhất định, nhưng một khi đã hiểu, người đọc sẽ bước vào mức độ cao hơn của việc khám phá tinh thần con người”.
China News nhận xét văn chương Tàn Tuyết “tự do và sáng tạo”: “Bà thoát khỏi xiềng xích của văn học truyền thống bằng một thái độ dũng cảm, mang tính cá nhân hóa cao, cộng hưởng với sự hiểu biết về triết học và văn học”. Trong bài phỏng vấn với China Writers, tác giả nói: “Tôi là một nhà văn, một triết gia và một nhà phê bình văn học. Văn học của tôi là sự thể nghiệm, gần như sáng tạo một thể loại mới”.
Ở quốc tế, Tàn Tuyết là tên tuổi nổi bật, từng đoạt giải thưởng Sách dịch xuất sắc của Mỹ và hai lần vào danh sách rút gọn của giải Booker Quốc tế. Bà có gần 90 tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Thụy Điển, Italy, Việt Nam. Tiểu thuyết của Tàn Tuyết cũng được đưa vào giảng dạy ở nhiều đại học nổi tiếng như Harvard, Columbia (Mỹ), Tokyo, Kogakuin (Nhật).
Tàn Tuyết sống khép kín ở Vân Nam, Trung Quốc. Bà ít xuất hiện trước công chúng hoặc tham gia các hoạt động giao lưu văn học. Trần Tiểu Chân – biên tập viên gắn bó nhà văn – cho biết bà sống kỷ luật. Mỗi ngày, bà dậy lúc 7h, đọc và viết cả ba buổi sáng, chiều, tối, tổng cộng năm tiếng. Trước khi đi ngủ, bà học tiếng Anh. Giống như Murakami, Tàn Tuyết yêu thích chạy bộ. Theo bà, chạy bộ giúp tiêu tan cảm xúc mệt mỏi, tiêu cực, phát triển khả năng sáng tạo.
Trang Sina bình luận: “Bà chưa bao giờ bị giải thưởng làm phiền. Ở một góc yên tĩnh của Tây Song Bản Nạp, bà sống bình yên, lánh xa sự hối hả và nhộn nhịp của thế giới bên ngoài”.
Hà Thu (theo Sina, 163, China Writers, China News)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tan-tuyet-kafka-cua-trung-quoc-4801862.html