“Nhàn đàm giáo dục” của tác giả Phan Chánh Dưỡng xoay quanh kinh nghiệm riêng của ông trong lĩnh vực giảng dạy, phát hành đầu tháng 7.
Sau Ký ức theo dòng đời xuất bản năm 2022, tác giả Phan Chánh Dưỡng cho ra mắt cuốn Nhàn đàm giáo dục, đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân và những kỳ vọng của ông cho lĩnh vực giáo dục.
Sách gồm bảy phần, trình bày quan điểm vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc xây dựng bản thân và cộng đồng. Phần phụ lục gồm 15 bài báo tuyển chọn từ năm 1981 đến năm 2004. “Tôi xin mạnh dạn ghi lại những gì tôi đã kinh qua, cả những gì từ cuộc sống bản thân tự học, và cả sự suy tư về dạy – học của ngành giáo dục hiện nay”, tác giả viết.
Ông Phan Chánh Dưỡng cho biết chú trọng các nền tảng đạo lý truyền thống Việt Nam, đồng thời đưa góc nhìn về kỷ nguyên công nghệ, trong đó phải thay đổi mục tiêu và phương pháp giảng dạy. Sách không đưa ra phát kiến lý thuyết, tuyên ngôn triết lý, mà phân tích mô hình giáo dục của một người coi việc học gắn liền với sự thăng tiến về phẩm giá, sống hài hòa và tìm được hạnh phúc. Đại diện nhà xuất bản nhận xét: “Độc giả có thể sẽ tìm thấy những luận điểm thú vị từ sách thông qua góc nhìn, chiêm nghiệm riêng của tác giả”.
Ngày 20/7, trong tọa đàm Kinh nghiệm giáo dục và phát triển – tổ chức tại TP HCM, tác giả Phan Chánh Dưỡng sẽ chia sẻ những mối lo ngại, đồng thời đối chiếu với văn hóa giáo dục trong thời đại của ông. Tác giả cũng gợi ý về động lực, nền tảng, hệ giá trị thăng tiến của cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh mới.
Ông Phan Chánh Dưỡng, 76 tuổi, sinh tại Cà Mau. Ông là nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý (Lawrence S.Ting). Trong lĩnh vực kinh tế và chính sách công, Phan Chánh Dưỡng được biết tới như một chuyên gia chủ chốt của “Nhóm thứ Sáu”, tham gia Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt – mang nhiều thành tựu phát triển cho TP HCM trong giai đoạn Đổi mới.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tac-gia-phan-chanh-duong-ra-mat-sach-ve-giao-duc-4771572.html