Tác giả Đặng Hoàng Giang cho rằng mỗi người cần bồi đắp năng lực cảm thụ thiên nhiên, thay đổi cách tương tác với thế giới.
Tác phẩm phát hành trong tháng 10, nội dung gồm ba phần: Chúng ta đang thưởng thức thiên nhiên như thế nào và vì sao ta cần thay đổi, Làm giàu năng lực cảm thụ thiên nhiên và Thấy cái đẹp nơi trước kia ta không thấy.
Trong sách, đôi bạn Tò Mò và Suy Ngẫm đại diện cho những người trẻ ham học, yêu thiên nhiên. Qua những chuyến đi và cuộc trò chuyện, tác giả chỉ ra cách mọi người đang thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh và sinh vật. Ông cho rằng thị hiếu và quan điểm về cái đẹp đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới chúng ta đang sống.
Cuốn sách mở ra phương hướng mới để mỗi người phát triển khả năng rung động và kết nối. Quá trình khám phá của Tò Mò và Suy Ngẫm giúp người đọc thấu hiểu sự phức tạp và bí ẩn của âm thanh, mùi vị, tập tính của chuồn chuồn, nhện, bướm di cư, cảnh sắc đầm lầy, bãi cỏ, cánh đồng hoang, từ lúc nắng đến khi mưa giông.
Tác phẩm có đoạn: “Ta tương tác với thiên nhiên thông qua toàn bộ cơ thể của mình. Đi trong rừng, mắt ta thấy ánh nắng và bóng râm đan xen nhau, tai ta nghe tiếng lá lao xao, tiếng dế và ve xa gần, tiếng sấm ầm ì đằng chân trời, mũi ta ngửi mùi lá mục dưới chân, mùi hắc của bụi cây bên đường, ta cảm nhận giọt mồ hôi đang chảy xuống ngực, vỏ cây sần sùi trong lòng bàn tay, nhánh cây nhỏ quệt vào lưng, cơ chân ta căng lên khi ta bước xuống. Những chi tiết khác nhau của môi trường quanh ta nổi lên khỏi nền, trở thành tiền cảnh, khiến ta chú ý, rồi lại chìm xuống, nhường cho chi tiết khác”.
Theo tác giả, năng lực cảm thụ cần được bồi đắp, khơi gợi, thậm chí đào tạo. Điều này có ý nghĩa xã hội quan trọng hơn mọi khẩu hiệu kêu gọi bảo tồn, bởi dường như con người chỉ tâm huyết để gìn giữ và bảo vệ những điều khiến họ rung động. Tác giả đặt câu hỏi: Từ bao giờ thiên nhiên gắn với hiện tượng du lịch đại chúng, xuất hiện với sự phát triển của nhiếp ảnh và mạng xã hội? Từ bao giờ những đỉnh núi, bãi biển hay thảo nguyên trở thành phông nền phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách, thay vì được con người cảm nhận?
Cuốn sách mang nhiều quan điểm triết học, mỹ học, thế giới sinh vật, được truyền tải qua những cuộc trò chuyện giữa nhân vật Tò Mò và Suy Ngẫm. Từ đó, tác giả giúp khơi gợi cách cảm nhận: Thiên nhiên đẹp như nó vốn có, không phụ thuộc vào các quy chuẩn mà con người áp đặt.
“Từ nhiều thập kỷ trước, nhiều triết gia đã buồn bã nhận xét rằng chúng ta lũ lượt kéo nhau tới những chỗ xa xôi để nhìn những cảnh hoành tráng như tìm tới tranh treo trong phòng triển lãm mà bỏ qua và coi thường những dòng sông, cánh đồng hoang, đầm lầy than bùn hay ao hồ hẻo lánh. Rung động thẩm mỹ của chúng ta nghèo nàn, như cậu đã nhận ra, vì nó chỉ mang tính bề mặt. Nhưng thiên nhiên không chỉ là màu sắc và đường nét. Một dòng sông hay một thung lũng có lịch sử, có đời sống, có vũ trụ riêng của nó”, Đặng Hoàng Giang viết.
>>> Trích sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”
Sách sử dụng khoảng hơn 100 tranh và ảnh chụp từ nhiều nguồn, trong đó có ảnh của tác giả, tranh minh họa của họa sĩ Trần Thu Ngân, ảnh của bạn đọc gửi về, mang đến cho độc giả trải nghiệm thị giác.
Giám đốc công ty sách Omega+ Trần Hoài Phương đánh giá: “Cuộc đối thoại giữa Tò Mò và Suy Ngẫm là quá trình đi dọc lịch sử, xem xét mối tương quan giữa thiên nhiên với bối cảnh xã hội và tư tưởng các thời đại, nhằm lần ra khởi nguồn của quan niệm về cái đẹp mà ngày nay người ta xem là hiển nhiên”.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp chương trình đào tạo Kỹ sư Tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức) và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Ông là nhà hoạt động xã hội và tác giả sách, quan tâm các chủ đề văn hóa và xã hội đương đại như môi trường, bất bình đẳng, chủ nghĩa tiêu dùng.
Tác giả từng phát hành một số cuốn sách gây chú ý với độc giả, gồm Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, Ác và Smartphone, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, Đại dương đen.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sach-ve-ve-dep-cua-canh-sac-tam-thuong-4802111.html