Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từng bị cho là “điên rồ” khi nêu ý tưởng xây cầu thép bắc qua Sông Hồng.
Tác phẩm do kiến trúc sư Nguyễn Nga chủ biên, tập hợp 10 bài viết của các chuyên gia, như Cầu Long Biên – cây cầu nối Việt Nam với Pháp (Nguyễn Dy Niên), Cầu Long Biên và vai trò của Paul Doumer (Phan Trang), Dự án cải tạo cầu Long Biên (Nguyễn Nga). Bên cạnh đó, sách giới thiệu các sáng tác thơ, hội họa của nhiều tác giả về một trong những biểu tượng ở Hà Nội.
Cầu Long Biên (tên cũ là cầu Paul Doumer), được công ty Daydé & Pillé xây dựng từ năm 1898 đến 1902, đi vào sử dụng năm 1903. Đầu năm 1897, sau khi nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, ông Paul Doumer nhận ra việc cần thiết xây dựng một cây cầu lớn qua sông Hồng. Ý tưởng ban đầu của ông vốn được cho là điên rồ, bởi con sông quá lớn, lũ lụt thất thường. Tuy nhiên, thành phố cần cây cầu này để duy trì vị thế và các hoạt động thương mại.
Trong bài viết Dải đăng ten giăng giữa trời, nhà sử học Dương Trung Quốc viết: “Chiếc cầu thép dài 1.682 m gồm 19 nhịp với các trụ có độ sâu trung bình 30 m cắm sâu vào lòng đất ở trên bờ hay dưới lòng sông cộng thêm 900 m cầu dẫn ở bờ Nam nối vào ga Hàng Cỏ với dự toán 5,9 triệu franc đã được thi công trong gần bốn năm với thực chi là 6,2 triệu franc, được coi là kỷ lục”.
Kỷ lục đó có được nhờ lực lượng nhân công tài năng. Theo Toàn quyền Đông Dương, thế hệ công nhân kỹ thuật Việt đầu tiên xây cầu có vóc người nhỏ bé nhưng cần cù và tiếp thu nhanh. Họ có thể ở trong quả chuông áp lực được thả xuống sông để đào sâu 30 m dưới đáy, lắp ráp và tán đinh kết nối các tấm thép lớn trên cao.
Cầu Long Biên đi qua ba thế kỷ, là “nhân chứng” của hai cuộc chiến tranh, biểu tượng nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều này thôi thúc kiến trúc sư Nguyễn Nga dành 17 năm cho việc nghiên cứu về bảo tồn, phát triển cây cầu.
Trong bài Dự án tôn tạo cầu Long Biên và khu vực phụ cận, Nguyễn Nga đề xuất thay đổi kiến trúc thành hai tầng. ”Đường sắt đang chạy dọc trên 131 nhịp vòm cầu sẽ được cải tạo thành ‘Vườn treo’ như Con đường màu xanh – Chiếc cầu nghệ thuật ở Paris hay công viên High Line ở New York. Đây thực sự sẽ là nơi thư giãn và dạo chơi trên cao xuyên qua các phố cổ Hà Nội. Các vòm cầu hiện đang bị bịt kín và sẽ được phong tỏa, mở cửa tạo thành Khu trưng bày làng nghề thủ công mỹ nghệ”, chị nói.
Bà Nguyễn Nga 73 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ Quy hoạch đô thị ở Viện Quy hoạch Đô thị Paris (Pháp), cử nhân Viện Quản trị Kinh doanh châu Âu (1986). Bà đã thực hiện một số hoạt động tiên phong nhằm quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, như thành lập Ngôi nhà Nghệ thuật Hà Nội, triển lãm thư pháp Vũ hội chữ, biểu diễn Hội họa trên những cánh diều sáo Bắc Bộ.
Tháng 11/2023, Tổng cục Kho bạc Pháp chuyển cho UBND thành phố Hà Nội khoản tài trợ 700.000 euro (khoảng 18,5 tỷ đồng) để nghiên cứu khả thi nhằm cải tạo cầu Long Biên, di sản của thủ đô và biểu tượng của mối liên kết Việt – Pháp. Nghiên cứu do công ty tư vấn, kỹ thuật Pháp Artelia tiến hành. Đơn vị đang cùng nhiều cơ quan của Hà Nội thảo luận để đề xuất phương án phù hợp, nhằm hạn chế tác động của dự án đối với giao thông đường bộ, đường sắt qua cầu.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết: “Bước vào thời kỳ mới, với khát vọng đưa đất nước vươn mình phát triển, tôi tin rằng nhờ sự chung tay của các cá nhân và tổ chức, cây cầu sẽ tiếp tục chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ, khẳng định vị thế Việt Nam trong tương lai”.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sach-ve-lich-su-va-phuong-an-cai-tao-cau-long-bien-4800803.html