Đạo diễn Nhật Akira Kurosawa đào sâu nỗi đau của những gia đình có người thiệt mạng trong vụ nổ bom nguyên tử tại Nagasaki, ở phim “Rhapsody in August”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Liên hoan phim Cannes 2024 chọn cảnh phim Rhapsody in August (1991) của đạo diễn Akira Kurosawa làm poster năm nay. Tác phẩm hoàn thành trong những năm tháng cuối đời của Kurosawa, khi ông bước sang tuổi 80. Trong thời điểm mà nhiều người nghĩ đến việc nghỉ hưu, nghệ sĩ thử thách bản thân với một đề tài phức tạp: Con người ở thời kỳ hậu chiến.
Bộ phim đặt trong bối cảnh 45 năm sau sự kiện Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945. Nội dung xoay quanh bốn người cháu đến ở cùng bà Kane (Sachiko Murase đóng), người có chồng là giáo viên qua đời do bom nguyên tử. Trong lúc đó, những người con của bà tận hưởng chuyến nghỉ mát ở Hawaii sau lời mời của Suzujiro, anh trai Kane, di cư sang Mỹ nhiều năm trước. Trong những ngày tháng cuối đời, Suzujiro có nguyện vọng gặp lại bà Kane trước khi mất.
Dù muốn gặp lại anh ruột, Kane chần chừ và bối rối trước đề nghị của ông Suzujiro vì những tổn thương trong quá khứ người Mỹ đã gây ra với chồng bà. Nhận thấy mâu thuẫn chưa được hàn gắn, con của Suzujiro – Clark (Richard Gere) – bay tới Nhật để gặp bà Kane và gửi lời xin lỗi.
Tác phẩm mô tả cách con người đối mặt quá khứ, lồng ghép thông điệp về hòa bình. Đạo diễn Akira Kurosawa khởi đầu bộ phim bằng việc đưa ra những xung đột thế hệ, đặt bà Kane vào tình huống phải ở với cháu khi cha mẹ chúng xa nhà. Trong khi bà Kane được khắc họa với hình tượng người phụ nữ Nhật Bản truyền thống, đối mặt và thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, cháu của bà thuộc thế hệ hậu chiến, chỉ biết về vụ ném bom nguyên tử qua sách báo. Cha mẹ chúng thậm chí còn cố gắng lảng tránh chủ đề này để không làm tổn thương người họ hàng mang quốc tịch Mỹ, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư làm giàu từ cánh đồng dứa ở Hawaii.
Thông qua nhiều câu chuyện kỳ lạ Kane kể, những người cháu nhận ra dư chấn của bom nguyên tử tác động đến bà dù cuộc chiến xảy ra từ lâu. Các cháu của Kane không khỏi tò mò, lên đường khám phá giai đoạn lịch sử ở Nagasaki, về người ông qua đời trong vụ nổ và chính người bà của mình.
Sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản mang lại sự hồi sinh cho Nagasaki về mặt kinh tế, cơ sở hạ tầng, đồng thời cải thiện đời sống người dân. Việc du nhập văn hóa khiến giới trẻ theo đuổi lối sống hiện đại, bắt nhịp với phương Tây. Tuy nhiên, những điều này không thể che đi vết thương của con người. Nỗi đau quá khứ vẫn hiện diện và tác động đến những nạn nhân như bà Kane.
Ký ức khiến bà luôn ám ảnh với nước Mỹ, cho đến khi gặp Clark, một người sinh ra ở thời kỳ hậu chiến. Clark xuất hiện tại nhà Kane vào ngày kỷ niệm 45 năm sau vụ thả bom, cũng là ngày giỗ chồng bà. Anh cảm thấy áy náy và hối tiếc trước những hậu quả mà đất nước của mình gây ra cho Nhật Bản. Về phía Kane, bà không trách cứ Clark mà trân trọng sự hiện diện của anh. Chiến tranh cướp đi người chồng của bà, nhưng nhiều năm sau, cuộc đời “bồi thường” cho Kane một cuộc gặp gỡ đáng nhớ.
Akira Kurosawa thể hiện tài kể chuyện qua những chi tiết ẩn dụ: Người cháu trai cố gắng sửa lại cây đàn organ hỏng của ông nội, như ẩn ý cho sự khắc phục và làm dịu những dư chấn của cuộc chiến từ thế hệ trẻ. Thời điểm Clark gặp bà Kane cũng là lúc cây đàn đã được sửa chữa.
Đạo diễn còn thể hiện cách ông tư duy hình ảnh. Ở cảnh bà Kane nhớ lại cột khói hình nấm sau khi quả bom được thả xuống, Kurosawa biến suy nghĩ của nhân vật trở thành hình ảnh con mắt khổng lồ bay lơ lửng trên trời, tạo ra hiệu ứng thị giác ấn tượng. Đó là cách Kurosawa phô bày nỗi kinh hoàng của quả bom, dù không mô tả chi tiết vụ nổ diễn ra như thế nào.
Một trong những trường đoạn được coi là biểu tượng của tác phẩm là khi bà Kane tưởng tượng mình trong ngày quả bom thả xuống Nagasaki cách đây 45 năm. Trong cảnh này, nhân vật cầm trên tay chiếc ô băng qua cánh đồng trong cơn bão, tìm kiếm người chồng. Cơn giông quá lớn khiến chiếc ô bật ngược ra sau, tạo hình ảnh kiên cường của phụ nữ, không ngại “đạp sóng rẽ gió” trước biến cố thời cuộc.
Ban tổ chức Cannes cho biết tác phẩm góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh và giúp mọi người không lãng quên lịch sử. “Trong thế giới mong manh luôn đặt câu hỏi về sự khác biệt, Liên hoan phim Cannes tái khẳng định một niềm tin: Điện ảnh là nơi tôn nghiêm cho tính thể hiện và tinh thần lan tỏa”, đại diện chương trình nói.
Akira Kurosawa được xem đạo diễn bậc thầy của điện ảnh Nhật Bản và thế giới khi từng thực hiện nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao như Rashōmon (1950), Seven Samurai (1954), Yojimbo (1961), Ran (1985). Một số nhà phê bình cho rằng Rhapsody in August có cốt truyện đơn giản hơn những bộ phim trước của ông, song tác phẩm vẫn mang nhiều suy ngẫm cho khán giả, nhắc nhở người xem về tác động của bom nguyên tử.
Trung Đàm
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/rhapsody-in-august-704