Tác phẩm 18+ “Poor Things” – Emma Stone đóng chính – dõi theo quá trình trưởng thành của cô gái được tạo ra theo cách trái tự nhiên.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trong số các tác phẩm sáng giá ở giải Oscar năm nay, Poor Things gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Dự án của đạo diễn Yorgos Lanthimos nhận 11 đề cử của Viện Hàn lâm cùng nhiều lời tán dương, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng phim mô tả quá đà các cảnh sex. Trong đó, diễn viên Emma Stone – hóa thân một cô gái điếm – khỏa thân ở nhiều phân cảnh làm tình với các đồng nghiệp nam.
Bella (nhân vật của Stone) vốn được trao sự sống từ thử nghiệm kỳ lạ của nhà
khoa học lập dị Godwin (Willem Dafoe đóng). Ông tạo ra cô bằng cách lắp não của một đứa trẻ chưa được sinh ra vào cơ thể của một phụ nữ đã qua đời. Do đó, Bella có hình dáng người trưởng thành nhưng đầu óc như trẻ con.
Dù được Godwin nuôi dạy cẩn thận trong nhiều năm, Bella ngày càng tò mò về thế giới bên ngoài. Cuối cùng, nàng bỏ đi cùng một tay luật sư tên Duncan (Mark Ruffalo). Cả hai trải qua những tháng ngày vui vẻ khắp châu Âu, cùng lúc Bella bắt đầu trải nghiệm xác thịt với gã người tình. Tuy nhiên, bất đồng nổ ra giữa hai người và kết cục là Bella chọn một nhà thổ ở Paris (Pháp) để nương náu.
Sau những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao như The Lobster (2015), The Killing of a Sacred Deer (2017) hay The Favourite (2018), Yorgos Lanthimos nổi lên như một nhà làm phim tạo dựng được phong cách độc đáo. Tác phẩm của ông thường mượn chuyện phi lý để khám phá các chủ đề về xã hội và mặt tối của bản chất con người. Đằng sau tiếng cười theo kiểu hài đen, Lanthimos đi sâu vào sự phức tạp của các mối quan hệ, quá trình trưởng thành của con người dưới tác động của các chuẩn mực xã hội.
Trong Poor Things, Lanthimos đưa khán giả vào bối cảnh thành phố London (Anh) thời Victoria thế kỷ 19, nhưng điểm xuyết những yếu tố siêu thực như các cỗ xe ngựa và sinh vật kỳ dị trên đường phố. Ở thế giới đó, có một nhà khoa học điên như Godwin với những thử nghiệm kỳ dị, mang một số nét giống câu chuyện về Frankenstein.
Trong phim, Bella lần lượt trải qua những cảm xúc: Ngây thơ như em bé, nghịch ngợm như nhi đồng, nổi loạn khi bước vào giai đoạn thiếu nữ, rồi nhanh chóng thành một phụ nữ. Tình dục là một trong những cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của Bella. Khi bắt đầu có tính dục, con người nảy sinh ham muốn và rồi bị ham muốn chi phối quyết định. Tuy vậy, Poor Things không phải bộ phim nghiên cứu sâu về tính dục, mà đó chỉ là một yếu tố trên hành trình trưởng thành của nhân vật. Thông qua những cuộc gặp gỡ với đủ hạng người, Bella – đại diện cho con người nguyên thủy theo kiểu “nhân chi sơ” – bắt đầu thấu hiểu về thế giới.
Từ tiền đề của phim, Lanthimos đặt ra những câu hỏi thú vị về sự phát triển của
con người. Sẽ thế nào nếu một người có cơ thể hoàn chỉnh trước khi tâm trí phát
triển theo kịp? Bản chất của con người là xấu hay tốt? Giữa tự nhiên và giáo dục, điều gì sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến con người?
Nửa sau của phim thậm chí đào sâu hơn về các vấn đề xã hội, bản dạng con
người cũng như vai trò và góc nhìn dành cho nữ giới. Lanthimos liên tục đem đến những câu thoại giàu triết lý, có lúc thách thức, có lúc mang cho khán giả góc nhìn mới về những vấn đề xã hội. Sự trái khoáy của phim là khi Bella phát triển cái nhìn toàn diện nhất về thế giới trong giai đoạn làm gái điếm, một nghề nghiệp do cô tự chọn.
Với hoàn cảnh lớn lên khác lạ của mình, Bella gần như miễn nhiễm các quy ước xã hội nên không thấy công việc này đáng khinh như nhiều người nghĩ. Trong mạch phim, giai đoạn này là một bước chuyển quan trọng để Bella hiểu hơn về những cách hành xử của con người. Và nhà thổ, nơi có đủ mọi hạng người, trở thành nơi chốn tuyệt vời để cô trải nghiệm điều đó.
Ở một phần ba cuối, đạo diễn thu xếp một cái kết khá gọn gàng cho một bộ phim đã bày ra rất nhiều vấn đề và không hề dễ khép lại. Ông cho người xem thỏa trí tò mò khi hé mở về cuộc sống trước kia của người phụ nữ từng mang thân xác của Bella, cũng như thân phận thật của cô. Hai tuyến truyện quá khứ và hiện tại giao nhau ở một cái kết đề cao sự độc lập và quyền lựa chọn theo đuổi hạnh phúc của phụ nữ trong xã hội.
Cũng như The Favourite, Yorgos Lanthimos thực hiện một số cảnh với ống kính
góc cực rộng (fisheye) làm uốn cong hình. Các phân đoạn này góp phần thể hiện ý tưởng của phim về một thế giới méo mó, dị dạng như chính cuộc đời Bella. Sự
chuyển đổi giữa thước phim đen trắng và có màu minh họa cho tình tiết cô gái bước khỏi ngôi nhà của Godwin để bước ra thế giới bên ngoài.
Khâu thiết kế bối cảnh và kỹ xảo cũng góp phần vào không khí tác phẩm khi tạo ra những thành phố pha trộn giữa kiến trúc đời thực và kỳ ảo. Ngoài ra, một bối
cảnh quan trọng và được chăm chút nhất phim là nhà thổ ở Paris. Nhóm thiết kế
mang đến chất hài đen ở phân cảnh này, với một ngôi nhà thoạt trông như khách
sạn. Nhưng nếu nhìn kỹ, khán giả có thể thấy các ẩn ý về tình dục qua tấm cửa sổ hình bộ phận nhạy cảm của nam giới.
Tái hợp đạo diễn Yorgos Lanthimos sau The Favourite, Emma Stone nhận vai diễn có thể xem là để đời trong sự nghiệp. Thách thức của minh tinh là phải mang đến một Bella từ thời thơ ấu đến trưởng thành. Biên độ diễn xuất, gồm lời nói, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể của Stone thay đổi phức tạp qua từng cảnh phim. Ở một nhân vật có hoàn cảnh phi lý, không có thật ngoài đời, diễn viên phải thể hiện sao cho thật hợp lý với người xem. Chưa kể vai Bella còn đòi hỏi đan xen một số yếu tố hài kịch cơ thể lẫn các trường đoạn tâm lý chính kịch.
Đối với các cảnh khỏa thân và làm tình, Emma Stone cho rằng đó là một phần cần thiết của vai diễn, theo Business Insider. Stone nói nhân vật Bella khám phá cơ thể bản thân trước khi biết về các quy tắc xã hội, thế nên cô hoàn toàn tự do và không xấu hổ với bản thân. Theo nghệ sĩ, cách Bella tìm hiểu tình dục cũng chỉ giống như việc cô khám phá ra thức ăn, triết học, việc du lịch hay các điệu nhảy.
Hầu hết giới phê bình tán dương Emma Stone và nhận định diễn viên sẽ có
tượng vàng Oscar thứ hai trong sự nghiệp. So với vai diễn từng giúp cô chiến
thắng trong La La Land cách đây bảy năm, nhân vật lần này đòi hỏi nhiều hơn cả về mặt tâm lý lẫn thể chất.
Trước khi được đề cử ở giải thưởng của Viện Hàn lâm, tác phẩm từng giành hai giải điện ảnh lớn là Sư Tử Vàng ở Liên hoan phim Venice (Italy) và Quả Cầu Vàng cho Phim âm nhạc hoặc hài kịch hay nhất.
Ân Nguyễn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/poor-things-682