“Ma da” – phim Việt Hương đóng chính – gợi nỗi sợ từ câu chuyện người mẹ đơn thân làm nghề vớt xác ở miệt vườn Cà Mau.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm do đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng (phim Ống kính sát nhân, Song song) thực hiện, kịch bản lấy cảm hứng từ giai thoại tâm linh ở vùng sông nước. Phim xoay quanh bà Lệ (Việt Hương), người chuyên vớt thi thể ở rừng ngập mặn Năm Căn, Cà Mau. Sau khi chồng qua đời, bà một mình nuôi con gái – bé Nhung (Dạ Chúc) – ăn học.
Những vụ mất tích bí ẩn lần lượt xảy ra, khiến người dân trong vùng truyền tai nhau về câu chuyện “ma da kéo giò”. Mặc nhiều người ngăn cản vì công việc nguy hiểm, bà Lệ vẫn tiếp tục đi tìm các xác người đuối nước. Một lần, Nhung nhặt được một con búp bê kỳ lạ, trở thành mục tiêu của thế lực quỷ dị. Quá trình nhân vật chính đơn độc đi tìm con hé lộ nhiều tình tiết về “ma da” – vốn là linh hồn của một cô gái bị phụ bạc.
Thời lượng 95 phút, tác phẩm gây ấn tượng ở phần bối cảnh. Từ những cảnh mở màn, phim dẫn dắt người xem vào không gian rừng ngập mặn âm u, tĩnh mịch bằng các cú fly-cam. Vốn có thế mạnh trong dòng thriller (ly kỳ, hồi hộp), đạo diễn khơi gợi nỗi sợ với giai điệu bài hát ru, hình ảnh ác quỷ xuất hiện thấp thoáng. Để gây tò mò, tạo hình “ma da” được giấu từ đầu, chỉ lộ diện giữa phim. Không khí mờ ảo được thiết lập với những cảnh quay đêm giữa rừng đước, như phân đoạn cái chết của một người đánh cá.
Khâu thiết kế mỹ thuật, hóa trang cũng là một trong những điểm cộng của phim. Dù không đi sâu vào các tình tiết về đời sống miệt vườn, tác phẩm gợi cảm giác chân thật qua hình tượng nhân vật. Bà Lệ mang làn da sạm đen, mái tóc xơ xác của người chuyên ngụp lặn dưới dòng nước phèn, mặc chiếc áo sờn cũ. Đạo diễn có lúc quay cận cảnh bé Nhung mang đôi dép nhựa sứt quai, hoặc khắc họa cuộc sống khắc khổ của hai mẹ con qua căn chòi ven sông.
Diễn xuất góp phần vào sức hút của phim, nổi bật là vai chính của Việt Hương. Trước tác phẩm, diễn viên 48 tuổi chủ yếu quen mặt qua sân khấu kịch, truyền hình, hoặc một số vai phim rạp như Nhà có 5 nàng tiên, Vu quy đại náo. Từ bỏ sở trường diễn hài, chị đi sâu vào bi kịch tâm lý bằng biểu cảm gương mặt, ánh mắt. Diễn viên nghiên cứu kỹ thuật nhập vai, tìm tư liệu bằng cách trò chuyện với nhiều người làm nghề vớt xác tại địa phương. Trong phim, mỗi lần tìm các nạn nhân đuối nước, bà Lệ thả vật cản xuống nước để phán đoán dòng chảy. Xong việc, bà quấn khăn tang, khấn vái cho người đã khuất như một cách chia sẻ với kiếp sống bất hạnh của họ.
Ở nửa sau phim, lối diễn của chị tạo được cao trào về cảm xúc, thể hiện qua nỗi bất lực, đau đáu của bà Lệ khi con mất tích. Xem suất ngày 16/8, diễn viên Gia Bảo đánh giá bà Lệ là vai hay nhất của Việt Hương trên màn ảnh rộng bởi thể hiện khả năng diễn đa dạng về tâm lý. Dàn nhân vật phụ – như nghệ sĩ Trung Dân (vai bác sĩ ở địa phương), Minh Đức (vú nuôi), bé Dạ Chúc chủ yếu góp vai trò kết nối mạch truyện.
Nghệ sĩ Thành Lộc và ca sĩ Cẩm Ly – hai gương mặt được quan tâm trước đó – xuất hiện với vài phân cảnh ngắn, lời thoại hạn chế. Thành Lộc hóa thân thầy pháp tên Lương, hỗ trợ bà Lệ đi tìm con gái khi cô bé bị thế lực bí ẩn bắt đi. Cẩm Ly đóng bà Lài – người mẹ gặp biến cố khi con trai qua đời vì đuối nước. Sau khi tác phẩm công chiếu, nhiều khán giả bày tỏ thất vọng vì hai tên tuổi họ yêu thích thiếu “đất” diễn. Hôm 17/8, đại diện êkíp – nhà sản xuất Nhất Trung – xin lỗi hai diễn viên, giải thích trong quá trình hậu kỳ buộc cắt bớt nhiều cảnh quay Thành Lộc, Cẩm Ly dành nhiều tâm sức.
Tác phẩm mắc lỗi ở kịch bản mỏng, đặc biệt ở một phần ba cuối phim. Biên kịch sắp đặt một tình tiết khiến câu chuyện xoay chiều để gây bất ngờ, tăng thêm tính bi kịch cho phần kết. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng cú “twist” này gây hụt hẫng vì thiếu các chi tiết làm nền trước đó, dù có thể tạo cảm giác day dứt cho người xem.
Đạo diễn cho biết chọn cái kết không có hậu để giúp phim giữ được nỗi sợ đến phút cuối. Theo kịch bản, việc nhân vật chính đối đầu “ma da” – một linh hồn hung ác – là sai lầm, do đó phải trả giá. “Trên thế giới, nhiều đạo diễn cùng thể loại vẫn chọn cách giải quyết câu chuyện như thế, quan trọng là tác phẩm có tạo được cảm xúc cho người xem hay không. Điều đó giúp dòng phim kinh dị đa dạng hơn”, đạo diễn lý giải.
Phim cũng bị chê ở khâu lạm dụng “jumpscare” (hù dọa đột ngột bằng âm thanh). Lucas Luân Nguyễn – blogger điện ảnh ở TP HCM – cho rằng nếu tiết chế thủ pháp này, phim sẽ được đánh giá cao hơn ở góc độ chuyên môn. Tác phẩm còn mắc “sạn” ở một số cảnh lồng tiếng nhân vật chưa khớp khẩu hình, lời thoại thiếu tự nhiên.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/ma-da-722