“Hành tinh khỉ: Vương quốc mới” được khen kỹ xảo ngang tầm “Avatar” cùng câu chuyện giàu cảm xúc về loài khỉ thống trị Trái đất.
* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Tác phẩm ra rạp từ ngày 10/5, nối tiếp câu chuyện của phần ba – Đại chiến hành tinh khỉ (2017). Kịch bản lấy bối cảnh vài trăm năm sau cái chết của Caesar, chú khỉ lãnh đạo đồng loại trong cuộc xung đột với lực lượng quân đội loài người. Thời điểm này, con người mắc loại virus lạ từ bệnh cúm khỉ, bị thui chột trí thông minh. Họ phải sống chui lủi trong bóng tối, chỉ số ít giữ được khả năng tư duy.
Các loài khỉ thống trị thế giới, chia thành nhiều tộc ở những lãnh địa riêng. Noa (Owen Teague) là tinh tinh trẻ sống bình yên cùng gia đình tại ngôi làng nhỏ. Một ngày, bộ tộc của cậu bị tay sai của Proximus Caesar (Kevin Durand) tấn công. Proximus là một tinh tinh chuyên bắt nhốt giống loài làm nô lệ, để phục vụ mưu đồ thống trị bằng công nghệ con người để lại. Trên đường giải cứu bộ lạc, Noa gặp cô gái Mae (Freya Allan), hiểu sâu hơn về nền văn minh loài người bị lãng quên nhiều thế kỷ trước.
Được đầu tư kinh phí 165 triệu USD, phần mới phát huy thế mạnh của các phim trước ở khâu hình ảnh. Qua bàn tay của đạo diễn Wes Ball, thế giới khỉ hiện lên sống động với nhiều nét sinh hoạt, tập quán. Từ đầu phim, tác phẩm phác họa không gian nguyên sơ của Trái đất hậu tận thế. Bóng dáng con người biến mất, các thành phố hiện đại trở thành đống đổ nát, tòa nhà chọc trời dần được thay thế bởi khu rừng rậm rạp. Bộ tộc của Noa an cư ở các trụ điện cũ, sống bằng nghề săn bắt, hái lượm như những thổ dân nguyên thủy.
Không chỉ phô diễn kỹ xảo bằng đại cảnh, đạo diễn ứng dụng công nghệ motion capture (nắm bắt chuyển động) để đi sâu vào các chuyển biến tâm lý nhân vật. Noa được giới thiệu là một tinh tinh thông minh, lương thiện với các phẩm chất của một lãnh đạo tương lai. Phim gây xúc động trong nhiều phân đoạn giàu chất bi tráng, như cảnh Noa lần đầu đối diện với mất mát, ánh mắt hừng hực quyết tâm báo thù.
Đối trọng với Noa, Proximus hiện lên là một nhà độc tài nhiều tham vọng. Nhân danh đại nghĩa với khẩu hiệu “Vì Caesar”, gã kéo quân cướp bóc khắp nơi. Nhân vật phản diện được xây dựng đa chiều: một kẻ lọc lõi, ham tìm hiểu, biết trọng dụng người tài nhưng cũng đầy máu lạnh, sẵn sàng giẫm đạp đồng loại.
Nhiều cây bút phê bình đánh giá Hành tinh khỉ có bước tiến về CGI, với nhiều hiệu ứng sánh ngang Avatar: The Way of Water (đạo diễn James Cameron). Trang Cinematic Reel nhận xét từ mở đầu đến cảnh hành động ở hồi thứ ba, tác phẩm không ngừng gây ấn tượng, đồng thời xứng đáng có đề cử Oscar về hiệu ứng hình ảnh. Tờ The Next Best Picture cho rằng phân đoạn đầu phim, khi Noa leo cây lấy trứng trên tổ chim đại bàng, là một trong những điểm sáng giúp tác phẩm vượt trội về kỹ xảo so với các phần trước. Phim cũng là bom tấn hiếm hoi gần đây được chấm điểm cao trên chuyên trang tổng hợp đánh giá Rotten Tomatoes, ở cả giới phê bình (86%) và khán giả (88%).
Thời lượng 144 phút, phim có kịch bản độc lập, ít tình tiết liên hệ các phần trước, giúp người xem lần đầu nhanh chóng nắm bắt câu chuyện. Hành trình trưởng thành của Noa diễn biến hợp lý nhờ nhiều tình tiết được cài cắm xuyên suốt phim. Ban đầu, chú tinh tinh non nớt, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, thứ duy nhất khiến cậu nổi bật là lòng quả cảm, tin vào lẽ phải. Trên đường đi cứu bộ tộc, cậu nhận ra con người và loài khỉ từng chung sống hòa bình, trước khi tham vọng đẩy họ vào thế một mất một còn.
Cuối phim, Noa vực dậy bản thân nhờ tin vào sức mạnh bên trong, qua hình ảnh ẩn dụ về chim đại bàng, từ đó trở thành người dẫn đầu tộc khỉ. Thông qua cuộc đấu giữa Noa và Proximus, tác phẩm gửi gắm thông điệp về tính phi nghĩa của những cuộc chiến áp bức, bóc lột.
Điểm yếu của tác phẩm chủ yếu ở hồi đầu còn dông dài, nhịp phim chậm để gợi mở câu chuyện, theo trang Digital Spy. Cuộc đấu giữa nhân vật chính và phản diện diễn ra khá qua loa dù ban đầu Proximus được khắc họa là kẻ không dễ đối phó. Một số tình tiết trong phim bị bỏ ngỏ – như câu chuyện về cô gái Mae – để tạo “đất” khai thác cho các phần sau về cuộc chiến giữa khỉ và loài người.
Planet of The Apes (Hành tinh khỉ) ra mắt lần đầu năm 1968, chuyển thể từ tiểu thuyết La Planète des singes của tác giả người Pháp Pierre Boulle. Theo Box Office Mojo, tác phẩm mang về hơn 33,3 triệu USD, kéo theo việc thực hiện bốn tập phim ăn theo. Loạt thứ hai được Tim Burton làm lại vào năm 2001 nhưng bị giới chuyên môn chê về chất lượng. Năm 2011, hãng phim 20th Century Fox khởi động lại dự án, mở đầu bằng tác phẩm Rise of The Planet of The Apes với nhiều đổi mới về nội dung lẫn kỹ thuật. Ba phần phim làm lại thu về gần 1,7 tỷ USD, trở thành thương hiệu điện ảnh nổi tiếng của Hollywood.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/hanh-tinh-khi-703