“Cưới ma giải hạn” lấy câu chuyện cuộc hôn nhân kỳ lạ để gửi thông điệp phá bỏ định kiến về người đồng tính.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trailer ‘The Red Envelope’ (Cưới ma giải hạn)
Trích đoạn trailer “The Red Envelope” (tên tiếng Việt là “Cưới ma giải hạn”), ra rạp trong nước ngày 11/4, dán nhãn 18+ (dành cho khán giả đủ 18 tuổi trở lên). Theo Box Office Vietnam, phim hiện thu gần 21 tỷ đồng. Video: GDH
Tác phẩm do Chayanop Boonprakob đạo diễn, làm lại từ bộ phim của Đài Loan Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà năm 2023. Nội dung kể về Menn (Billkin Putthipong) – thanh niên từng trộm vặt trở thành “tay trong” cho cảnh sát. Một ngày, anh nhặt được phong bao đỏ dùng trong phong tục âm hôn, buộc anh phải cưới hồn ma Titi (PP Krit) – vừa qua đời trong vụ tai nạn bí ẩn.
Menn miễn cưỡng làm quen với Titi để tránh vận xui, còn Titi muốn người bạn giúp điều tra cái chết của anh. Từ chỗ đối đầu, cả hai trở thành cộng sự, cùng truy tìm sự thật và hóa giải tổn thương.
So với bản gốc, Cưới ma giải hạn chọn lối kể nhẹ nhàng, hài hước và gần gũi hơn, phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ. Phim có tiết tấu nhanh, lời thoại dí dỏm, lồng ghép các yếu tố văn hóa bản địa của Thái Lan, giúp câu chuyện trở nên sinh động và dễ tiếp cận.
Biên kịch không đẩy mối quan hệ giữa hai nhân vật theo hướng tình cảm lãng mạn mà khắc họa thành mối quan hệ tri kỷ, để cả hai thay đổi và chữa lành cho nhau. Menn học cách thấu hiểu người khác, còn Titi cũng tìm được sự giải thoát cho riêng mình. Tạp chí Koktail (Thái Lan) bình luận: “Tác phẩm phản chiếu tinh thần thời đại. Phim mang chút màu sắc phi lý để biên kịch cho thấy sự sáng tạo trong việc xử lý tình huống”.
Sao nam Billkin Putthipong (phải) và PP Krit tạo nên nhiều tình huống hài hước trong phim “Cưới ma giải hạn”. Ảnh: GDH
Bên cạnh yếu tố giải trí, tác phẩm phản ánh vấn đề xã hội, nhất là xung đột trong gia đình có người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Hai bản phim đều dành thời lượng khắc họa tuyến nhân vật người cha nghiêm khắc, nóng nảy. Đến khi mất con, họ mới hiểu điều quan trọng nhất là con mình được sống hạnh phúc. Một trong những cảnh phim xúc động nhất là lúc người cha bật khóc, hối hận về hành động trong quá khứ. Trái lại, người bà yêu thương và đấu tranh vì hạnh phúc của Titi. Phim cũng cho thấy sự thay đổi trong tư duy xã hội hiện đại, khi tình yêu đồng giới dần được chấp nhận.
Sau Gia tài của ngoại (2024), Billkin Putthipong ghi điểm với màn hóa thân trong vai Menn. Diễn xuất của Billkin được khán giả đánh giá cao vì sự duyên dáng, đáng yêu và khả năng truyền tải cung bậc cảm xúc của nhân vật trong quá trình phá vỡ rào cản định kiến. Mặt khác, PP Krit còn thiếu tự nhiên trong một số phân đoạn cần chiều sâu tâm lý. Cả hai từng hợp tác trong nhiều dự án song sự tương tác của họ chưa gây nhiều ấn tượng như Hứa Quang Hán và Lâm Bách Hoành.
Phim giữ tinh thần hài hước của bản gốc, được điều chỉnh phù hợp với văn hóa Thái Lan. Ảnh: GHD
Không chỉ có hai nhân vật chính, tuyến phụ của phim mang đến nét tính cách riêng. Cảnh sát Jekoi (Koi Aratchaporn) đại diện cho hình ảnh người phụ nữ chịu nhiều bất công trong công việc. Tình tiết xoay quanh người yêu cũ của Titi cũng được mở rộng so với bản gốc, không chỉ để gây bất ngờ, mà còn đào sâu tính cách của Titi.
Dù cân bằng giữa yếu tố giải trí và thông điệp xã hội, một số ý kiến cho rằng dự án khó vượt qua “cái bóng” của nguyên tác Đài Loan. Câu chuyện phá án trong bản remake còn mờ nhạt và thiếu chiều sâu.
Thu Giang
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/the-red-envelope-799