Bom tấn “Aquaman 2” có hình ảnh bắt mắt nhưng bị giới phê bình đánh giá thấp ở khâu kịch bản, chấm điểm dưới trung bình.
* Bài viết tiết lộ một phần bài viết
Aquaman and the Lost Kingdom (tên Việt: Aquaman và vương quốc thất lạc) tiếp nối phần một – ra mắt năm 2018, xoay quanh nhân vật chính Arthur Curry (Jason Momoa). Sau bảy năm trị vì biển cả, Arthur và Mera (Amber Heard) có một con trai. Phản diện Black Manta (Yahya Abdul-Mateen II) – từng bị Arthus hạ gục ở phần trước – muốn trừ khử anh để trả thù cho cái chết của cha. Black Manta có sức mạnh vượt trội nhờ sự hỗ trợ của cây Đinh ba đen, giúp giải phóng thế lực hắc ám.
Để đánh bại kẻ thù, Aquaman nhờ đến em trai cùng mẹ khác cha – Orm (Patrick Wilson), cựu vương của Atlantis, lúc này đang bị giam cầm ở một vương quốc khác. Hai người phải gạt bỏ hiềm khích để bảo vệ thế giới trước những thảm họa do Black Manta liên tiếp gây ra.
Tác phẩm phát huy lợi thế hình ảnh với khâu kỹ xảo được đầu tư. Ở phần một, đạo diễn James Wan từng vẽ nên một thế giới dưới lòng đại dương huyền ảo với quần thể động thực vật phong phú. Sang dự án mới, Atlantis tiếp tục gây ấn tượng cho khán giả, đặc biệt khi xem ở màn hình IMAX. Bảy vương quốc dưới lòng đại dương được thiết kế chi tiết, trong đó Atlantis hiện lên tráng lệ với lối kiến trúc cổ điển, mang hơi hướng thần thoại Hy Lạp. Khi thưởng thức ở định dạng 3D, phim tạo được hiệu ứng thị giác bằng chiều sâu, độ nổi của hình ảnh.
Những chủng tộc dưới đáy biển muôn hình vạn trạng. Khán giả được chiêm ngưỡng các thủy sinh vật phát sáng nhờ lân tinh, không khí sinh hoạt trong các khu chợ đêm, hay thế giới ngầm của giới tội phạm. Quy mô quân đội của đại đương, thiết bị vũ khí hiện đại được giới thiệu trong các cảnh chạm trán giữa phe Black Manta và Aquaman.
Thế giới mặt đất cũng được đạo diễn đầu tư ở khâu CGI. Trong phân đoạn xâm nhập một quần đảo tìm sào huyệt của Black Manta, Arthur và Orm chạm trán với bầy châu chấu, cây ăn thịt khổng lồ. Phe phản diện được trang bị các công nghệ vượt trội để khắc chế Aquaman, trong đó có loại vũ khí với các xúc tu bạch tuộc. Ở các phân cảnh giao chiến tại Necrus – vương quốc thất lạc, đạo diễn chọn góc quay rộng, mô tả không khí hùng tráng khi nhóm nhân vật đơn độc đấu lại hàng nghìn quân lính thây ma.
Kịch bản thiếu cao trào, mô típ cũ khiến tác phẩm tạo cảm giác dông dài. Khắc họa đề tài gia đình, đạo diễn chọn câu chuyện chính về hai anh em gạt bỏ mâu thuẫn vì lý tưởng chung, từ đấy hóa giải hiềm khích. Tuy nhiên, tình tiết này không mới, chủ yếu khiến khán giả liên tưởng đến mối quan hệ của đôi nhân vật nổi tiếng trong Marvel – Thor và Loki. Thông điệp về tình anh em cũng trở nên gượng gạo, khó tạo được đồng cảm ở người xem, bởi Arthur và Orm không sống với nhau từ nhỏ. Tạo hình của Patrick Wilson (50 tuổi) chưa thuyết phục khi vào vai em trai Aquaman, gương mặt trông già dặn hơn Jason Momoa – diễn viên kém sáu tuổi.
Suốt thời lượng hai giờ, phim thiếu các khoảnh khắc kịch tính, phản diện không tạo được cảm giác khó đối phó. Black Manta không thực sự mạnh, quyền năng của gã gắn liền với chiếc Đinh ba Đen và biến mất khi bị tách rời. Kết phim dễ đoán, đi vào lối mòn khi nhân vật nói các câu thoại triết lý để đánh thức sức mạnh tinh thần, từ đó tiêu diệt được “trùm cuối”.
Thông điệp về môi trường được cài cắm qua tình tiết Black Manta khai thác quặng Olrichalcum, tạo hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng dần, băng tan. Dù vậy, lối thể hiện của đạo diễn có phần gượng ép, chủ yếu để nâng tầm vóc, tạo tính thời sự cho kịch bản.
So với phần một, diễn xuất của dàn sao kém ấn tượng vì thiếu các phân cảnh đào sâu tâm lý nhân vật. Bên cạnh gánh nặng trị vì vương quốc, Arthur còn gặp áp lực khi lần đầu có con. Chi tiết này chỉ được khắc họa sơ sài qua vài câu tâm sự giữa Arthur và cha, còn lại trở thành các mảng miếng hài hước trong phim. Jason Momoa cũng thiếu các khoảnh khắc tạo được quãng lặng cảm xúc khi các phân cảnh về anh đa phần thể hiện sức mạnh đánh đấm hay những câu thoại gây cười. Sau ồn ào kiện tụng với Johnny Depp, Amber Heard góp mặt rải rác ở một số phân đoạn, dấu ấn không đậm nét bằng phần trước.
Trên Rotten Tomatoes, phim được chấm 37% điểm “cà chua thối” – thuộc hàng thấp nhất trong vũ trụ DC, xếp sau nhiều phim siêu anh hùng khác trong năm như Blue Beetle (78%), The Flash (63%), Shazam! Fury of the Gods (49%). Cây bút Peter Howell của trang The Star đánh giá tác phẩm là một trong những phim tệ nhất của năm, nhiều nhân vật xuất hiện nhạt nhòa, như mẹ của Aquaman (Nicole Kidman), vua Nereus (Dolph Lundgren). Tờ Newsday cho rằng phim là một bước lùi so với phần một. Dù vậy, tác phẩm nhận được số điểm 78% từ khán giả vì thỏa mãn được yếu tố giải trí.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/aquaman-and-the-lost-kingdom-672