Bộ “Lịch sử văn minh thế giới” của học giả Will Durant được ra mắt bản tiếng Việt sau bảy năm biên soạn.
Bộ sách gồm 11 phần, mỗi phần có từ ba đến năm tập. Theo đơn vị thực hiện sách – Viện Giáo dục IRED, bộ sách biên soạn có sự tham gia của gần 10 dịch giả, như Phạm Viêm Phương, Mai Sơn, Phan Thanh Lưu, Huỳnh Ngọc Chiến, Bùi Xuân Linh.
Đại diện công ty xuất bản cho biết do tác phẩm có dung lượng lớn nên không phát hành theo thứ tự. Năm 2020, bảy cuốn đầu tiên được phát hành, trong đó gồm phần đầu Di sản Phương Đông (ba cuốn, do Huỳnh Ngọc Chiến dịch) và phần 11 Thời Đại Napoléon (bốn quyển, dịch giả Bùi Xuân Linh thực hiện). Tháng 11/2023, phần bốn Thời đại đức tin (năm tập, Phạm Viêm Phương chuyển ngữ) ra mắt độc giả.
Hôm 7/4, trong sự kiện ra mắt trọn bộ 45 quyển sách tại TP HCM, dịch giả Phạm Viêm Phương cho biết áp lực lớn nhất khi biên dịch là phải truyền tải trọn vẹn tinh thần tác giả. Trước khi là sử gia, Will Durant từng tốt nghiệp tiến sĩ triết học. Durant có nhiều suy nghĩ tiến bộ, như việc cho rằng lịch sử không chỉ bao gồm chiến tranh, diễn biến chính trị, tiểu sử của những vĩ nhân mà còn về sự hình thành và phát triển của các loại hình nghệ thuật.
Durant viết tác phẩm cho mọi đối tượng, chứ không dành riêng cho giới nghiên cứu, học thuật như các pho sử truyền thống. Tư tưởng “đưa tinh hoa đến công chúng” của tác giả xuất hiện từ tác phẩm đầu tay Triết học và các vấn đề xã hội (Philosophy and the Social Problem). Trong đó, tác giả cho rằng triết học xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống, nên cần dùng triết học để giải mã và giải quyết mâu thuẫn xã hội và nhân loại.
Để hoàn thiện bộ sách, vợ chồng tác giả Will và Ariel Durant dồn tâm sức, làm việc trong gần nửa thế kỷ (1929-1975) để tạo nên thể loại mới mà họ gọi là “lịch sử tích hợp”. Qua ngòi bút kể chuyện của mình, tác giả phân tích các yếu tố góp phần vào việc hình thành, phát triển và sự suy tàn của các nền văn minh. Đồng thời, bộ sách trình bày quan niệm về cách đọc và hiểu về lịch sử, ở khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, triết học, tôn giáo và sự trỗi dậy của thông tin đại chúng.
Giới chuyên môn cho rằng tác phẩm giúp độc giả tiếp cận lịch sử từ các góc độ đa dạng. Khách mời chương trình – nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung – cho biết tâm đắc tác phẩm vì tác giả nhìn lịch sử bằng lăng kính của triết học. “Durant viết lịch sử theo lối kể chuyện trong văn học, đọc lịch sử mà như thể đọc tiểu thuyết, dù những gì ông viết là sự thật lịch sử, chứ không phải hư cấu. Và có lẽ cũng vì chủ đích này mà ông đã đặt tên cho bộ sách là Story of Civilization (Câu chuyện văn minh)”, ông Giản Tư Trung nói.
Với tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, điểm thú vị ở sách nằm ở việc độc giả không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối theo thứ tự từng tập, mà có thể chọn đọc để tìm hiểu các giai đoạn lịch sử, nền văn minh mà mình quan tâm.
Còn dịch giả Phạm Viêm Phương cho rằng: “Nếu ví von lịch sử từ xưa cổ của các triều đại như những dòng sông trôi chảy xuyên suốt, thì toàn bộ nền văn minh của nhân loại là hai bên bờ sông vẫn luôn trường tồn. Đó là triết lý mà tác giả muốn gửi gắm đến nền văn minh của nhân loại.”
Will Durant (1885-1981) xuất bản sách đầu tay Philosophy and the Social Problem năm 1917. Quyển thứ hai viết về triết học The Story of Philosophy (1926) bán được hơn hai triệu bản trong gần 30 năm, chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng. Tác phẩm giúp ông có vốn để cùng vợ – Ariel Durant – đi du lịch, tìm tư liệu cho bộ Lịch sử Văn minh thế giới (The Story of Civilization). Bắt đầu từ phần thứ bảy Mở đầu thời đại của Lý Trí (1961), vợ ông – Ariel Durant (1898-1981) – trở thành đồng tác giả. Phần thứ 10 Rousseau và Cách mạng của hai vợ chồng được trao giải Pulitzer năm 1968.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ra-mat-tron-bo-45-quyen-lich-su-van-minh-the-gioi-4731735.html