ScotlandGiáp tay 1.800 tuổi thuộc thời Đế chế La Mã được bảo tàng Scotland phục chế từ hơn 100 mảnh vỡ.
Trước đó, các mảnh ghép đều thuộc bộ sưu tập của bảo tàng hơn một thế kỷ. Một phần được được trưng bày tại đây suốt 25 năm, một phần được đặt tại Bảo tàng Trimontium.
Trên The Guardian, Bethan Bryan – chuyên viên phục hồi đồ cổ tại Bảo tàng Scotland – nói: “Đây vừa là thử thách khó khăn vừa là nỗ lực của tình yêu”. Bà cho biết thêm: “Việc nhìn chằm chằm vào những mảnh vỡ giống nhau suốt ba tuần sẽ khiến mắt và não bị tổn thương. Thế nhưng, cuối cùng mọi mảnh vỡ đều tìm thấy vị trí của chúng”.
Sau khi lắp ghép hoàn chỉnh, Bảo tàng Anh mượn cổ vật để trưng bày trong buổi triển lãm Legion: Life in the Roman Army từ ngày 1/2-23/6, xoay quanh chủ đề về cuộc sống của quân La Mã.
Năm 1906, James Curle – một nhà sưu tầm đồ cổ – đã tìm thấy các mảnh vỡ tại pháo đài Trimontium gần biên giới Scotland. Ban đầu, ông cho rằng chúng thuộc về tấm khiên bảo vệ ngực và vai của các chiến binh nhưng lại không tìm thấy bất kỳ sự liên kết. Năm 1990, các nhà khảo cổ xác định đó là công cụ bảo vệ cánh tay.
Sau khi khai quật, những mảnh kim loại đều được bảo quản tốt, một số mảnh còn giữ được phần dây da.
Giáp tay bảo vệ của các chiến binh La Mã được chế tác từ thế kỷ thứ hai. Loại thiết bị này được sản xuất từ các dải đồng thau xếp chồng lên nhau như vảy loài tatu. Các loại giáp tay thường làm bằng sắt nhưng với đồng thau, màu sắc nổi bật của nó sẽ thể hiện cấp bậc người lính.
Bên cạnh chức năng bảo vệ cánh tay giữ kiếm trong các trận chiến, thiết bị còn cản những cú đánh. Lớp đệm bên dưới cũng chịu tất cả phần lực tác động, giúp cánh tay được an toàn.
Trả lời phỏng vấn The Guardian, Tiến sĩ Fraster Hunter – người phụ trách mảng khảo cổ thời tiền sử và La Mã tại Bảo tàng Scotland – cho biết chiếc giáp này có thể thuộc về một người lính lê dương. Ông giải thích: “Chúng tôi biết vào thời điểm đó, lính lê dương đã có mặt tại đồn trú. Do sự hào nhoáng của chiếc giáp và nguyên liệu chế tác bằng đồng thau xa xỉ, chiếc giáp này có thể thuộc về một chỉ huy cấp cao”.
Ông nói vào khoảng 180 năm sau Công nguyên, người dân La Mã đối mặt với những biến động bất ổn tại Scotland: “Có một dẫn chứng văn học đề cập đến những kẻ man rợ đã tàn sát một vị chỉ huy và các quân lính của ông”.
Thời điểm ấy, chiếc giáp tay bị bỏ lại tại vị trí quan trọng trong pháo đài sau khi người dân rời khỏi Trimontium. “Đó có thể là nơi chỉ huy tóm tắt nhiệm vụ với cấp dưới. Nhưng có vẻ đây cũng là khu vực đang được sửa chữa, một xưởng sản xuất vũ khí chẳng hạn. Khi tòa nhà bị bỏ hoang, những vật dụng bị coi dư thừa đều phải vứt đi”, Fraster Hunter giải thích.
Phương Thảo (theo The Guardian)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phuc-che-giap-tay-la-ma-1-800-tuoi-4704021.html