Phim “Bí mật cây cầu cũ” (Tây Ban Nha) phát sóng trong nước từ năm 2017 đến nay, hiện chiếu đến tập 1.870 nhưng chưa kết thúc.
Series có tổng 2.324 tập, mỗi tập dài 55 phút. Với lịch chiếu năm buổi mỗi tuần, tác phẩm mất khoảng một năm nữa mới kết thúc. Đài Truyền hình Việt Nam – đơn vị mua bản quyền – không công bố rating (chỉ số đo độ thu hút khán giả).
Với khung giờ 13h45 từ thứ hai đến thứ sáu, phim chủ yếu thu hút khán giả trung niên, cao tuổi. Bà Hồng Vân, 73 tuổi, Hà Nội, là một trong số nhiều fan của Bí mật cây cầu cũ từ những ngày đầu. “Tác phẩm dài nhưng được chia thành nhiều mùa, mỗi mùa khoảng nửa năm đến hơn một năm, xoay quanh các nhân vật khác nhau, nội dung dễ hiểu. Dàn diễn viên đẹp, diễn hay, trang phục bắt mắt”, bà Vân cho biết.
Tuy nhiên, trên một số diễn đàn về phim ảnh, những khán giả mới biết đến phim cho rằng không muốn theo dõi vì thời lượng quá dài. Số khác cho biết họ xem phim từ khi còn là sinh viên, chưa lập gia đình, không ngờ nay đã có con mà series vẫn tiếp tục. Bí mật cây cầu cũ ra mắt khán giả trong nước từ ngày 1/4/2017 trên sóng VTV2. Sau 200 tập đầu, phim chuyển sang phát sóng trên VTV3, với tên gọi mới là Phía sau một tình yêu.
Tác phẩm có tên gốc El secreto de Puente Viejo, lấy bối cảnh nông thôn Tây Ban Nha thế kỷ 20. Nhân vật chính là Pepa Balmes, cô gái trẻ thông minh, xinh đẹp. Khi làm việc cho một gia đình giàu có, cô đem lòng yêu ông chủ rồi có thai, bị vợ ông ta hãm hại, cướp mất đứa trẻ. Sau biến cố, Pepa Balmes làm lại cuộc đời nhưng lại tiếp tục vướng vào lưới tình với chàng quý tộc Tristan, bị mẹ anh ra sức ngăn cấm. Họ cùng nhau vượt qua nhiều rào cản xã hội để bảo vệ tình yêu.
Theo trang Espinof, kịch bản gồm 105.000 trang, do Aurora Guerra, Miguel Peidro, Benjamín Zafra, José Antonio López, Susana Prieto cùng viết. Aurora Guerra, Pablo Guerrero, Alberto Pernet, Luis Santamaría, David Montoya đồng đạo diễn. Êkíp huy động khoảng 800 diễn viên chính phụ, 24.000 diễn viên quần chúng, với 2.100 ngày ghi hình. Nhóm sản xuất gồm 160 người, quay 40.000 cảnh, làm việc tỉ mỉ, chính xác mỗi ngày.
Series “làm mưa làm gió” ở Tây Ban Nha khi phát sóng giai đoạn 2011-2020. Theo trang Cinemaina, rating phim đạt mức 35%, cao kỷ lục trong khung giờ buổi chiều ở nước này. Lượng khán giả trung bình là 1,7 triệu người mỗi tập, với nhiều phản hồi tích cực.
Phim giành nhiều giải thưởng trong nước cho các diễn viên, hình ảnh, âm nhạc, bán bản quyền cho 50 quốc gia. Năm 2016, Mexico đã chuyển thể một phiên bản khác.
Các phim nghìn tập từng có thời lên ngôi trên thế giới và ở Việt Nam. Chúng được giới chuyên môn phân loại là soap opera (phim truyền hình dài tập). Series đầu tiên là Painted Dreams, ra mắt ở Mỹ năm 1930. Ban đầu, các chương trình này phát trên radio, sau này mới lên sóng truyền hình. Soap Opera dịch nôm na là “kịch xà phòng” bởi hồi đầu, các hãng xà phòng tài trợ làm phim, nhắm đến đối tượng khán giả nữ giới, các bà nội trợ.
Soap Opera đạt được thời hoàng kim khoảng những năm 1950 đến cuối thập niên 1990, do công nghệ kỹ thuật số chưa bùng nổ, cũng như các hình thức giải trí ngoài tivi chưa đa dạng. Chúng hấp dẫn bởi sự phức tạp, bất ngờ với tuyến truyện như những bài toán đố. Các tuyến truyện phát triển chồng chéo, luôn để ngỏ để có thể kéo dài trong nhiều năm. Phim thường xuyên có những bước ngoặt bất ngờ khiến người xem ngạc nhiên hoặc những pha kịch tính lâm ly liên quan trực tiếp số phận nhân vật.
Trong nước phim nghìn tập nổi tiếng nhất là Cô dâu 8 tuổi của Ấn Độ, chiếu giai đoạn 2014-2017, với 1138 tập. Thời lượng một tập ở Việt Nam gấp đôi Ấn Độ, có giai đoạn phát hai tập mỗi ngày. Ở quê nhà, phim mất tám năm mới kết thúc (2008-2016). Hai phim Đài Loan là Đời sống chợ đêm (820 tập) và Khi người ta yêu (771 tập) cũng được khán giả Việt yêu thích những năm 2010.
Tuy nhiên, thể loại này ngày một lạc lõng khi công nghệ phát triển, xã hội có nhiều thay đổi. Nhiều tờ báo Mỹ nhận xét soap opera “chết dần chết mòn” từ những năm 2010.
Theo trang The Week của Mỹ, các bộ phim kéo dài cả năm trở nên lỗi thời. Số lượng phụ nữ nội trợ giảm, dẫn đến ít người có nhu cầu xem phim vào khung giờ ban ngày. Trước kia, các hãng đồ gia dụng, thực phẩm, đầu tư tiền làm “kịch xà phòng” để quảng cáo. Giờ họ có nhiều cách bớt tốn kém hơn để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tạp chí Time nhận định khán giả ngày nay có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn là theo dõi các bộ phim hư cấu quá dài dòng. Sự phát triển của mạng xã hội, các chương trình truyền hình thực tế, lôi kéo sự chú ý của người xem vào những ngôi sao như gia đình Kim Kardashian, hơn là các nhân vật trong một câu chuyện không có thật.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phim-bi-mat-cay-cau-cu-phat-song-gan-2-000-tap-chua-het-4789653.html