Phim “Đào, phở và piano” liên tục “cháy vé” khiến dịch vụ săn vé tăng, mức chênh từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng.
Ra rạp mùng Một Tết Nguyên đán (10/2), chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, tác phẩm bất ngờ tạo cơn sốt vé với khán giả. Sau hai tuần, phim được chiếu thêm ở các cụm rạp Cinestar, Beta Cinema. Beta Cinema có 18 rạp trên cả nước trong khi Cinestar có chín rạp. Cùng Trung tâm chiếu phim Quốc gia, hai hệ thống này chỉ bán vé trực tiếp, không thể đặt trước qua mạng.
Bà Mạc Thị Thủy – phụ trách phòng chiếu phim tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia – cho biết ngày 26/2, nhu cầu mua vé xem phim vẫn cao. “Hôm nay, Trung tâm chiếu hơn 30 suất, đều hết vé từ mấy ngày trước. Khán giả xếp hàng mua cho những ngày sau”.
Ngoài Hà Nội, mong muốn xem phim của khán giả nhiều tỉnh, thành khác cũng tăng. Ở TP HCM và Đà Nẵng dịp cuối tuần, hàng trăm khán giả xếp hàng ở các cụm rạp chiếu phim, chờ tới lượt. Tại Đà Nẵng ngày 24/2, khán giả đợi hàng tiếng đồng hồ dưới trời nắng nóng để có được suất vào rạp. Nhiều người mất ít nhất hơn một tiếng xếp hàng, khi đến lượt lại hết vé hoặc không chọn được chỗ đẹp, phải mua suất của ngày hôm sau.
Ở một số nơi, lượng người mua lớn khiến máy in gặp trục trặc, nhân viên phải viết thông tin vé cho khách ra giấy. Những hình ảnh này lan truyền trên mạng xã hội, đẩy sức “nóng” của phim.
Việc mua vé khó, suất chiếu ít khiến xuất hiện dịch vụ săn vé. Giá gốc là 50.000 đồng, một số rạp giới hạn mỗi người chỉ được mua khoảng bốn hoặc năm vé, muốn mua tiếp phải xếp hàng lại. Việc mua vé khó, suất chiếu ít khiến xuất hiện dịch vụ săn vé xuất hiện nhiều trong hội nhóm phim ảnh. Khán giả giao dịch mua bán với mức chênh lệch từ 30 đến 10.000 đồng
Đa số khán giả tìm đến dịch vụ là người đi làm, dân văn phòng, không có thời gian xếp hàng nhưng tò mò, muốn xem phim. Hương Giang, 34 tuổi, Hà Nội, cho biết muốn mua giúp người quen là Việt kiều mới về nước. Cô rao cần mua chỗ ngồi đẹp với mức mong muốn khoảng 150.000 đồng mỗi chiếc. Chỉ 10 phút sau khi đăng bài, Giang tìm được vé ưng ý.
Vũ Anh, 31 tuổi, Hà Nội, trả 200.000 đồng một cặp tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Theo khán giả này, giá bán lại không quá cao, chỉ tương đương giá gốc ở các rạp hiện đại hơn. “Một số tài khoản rao mỗi vé lên đến 300.000 đồng. Nhưng tôi nghĩ mức này khó bán”, Vũ Anh nói.
Người bán đa phần là dân nghiệp dư, học sinh, sinh viên hoặc những người dân nhà ở gần rạp. Ánh Thu (sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền), cho biết nhận mua hộ vé trong những ngày được nghỉ học dịp sau Tết. Mỗi chiếc, Thu lấy chênh lệch 30.000 đến 40.000 đồng, chủ yếu giao dịch trực tiếp tại rạp.
“Ban đầu, nhiều bạn bè, người quen nhờ tôi mua hộ. Tôi không lấy tiền công nhưng mọi người gửi thêm, nên nảy ra ý tưởng kinh doanh. Tôi thường đến xếp hàng sớm, tìm mua các hàng ghế đẹp, rao lại trong những hội kín”, Ánh Thu cho biết. Cô đôi lúc cũng gặp “tai nạn” vì đến lượt lại hết ghế đẹp, hoặc người mua đổi ý phút chót. Tuy nhiên, số lãi cô kiếm được đến nay vẫn nhiều hơn, khoảng hai triệu đồng trong 10 ngày. Cô nói công việc mang lại niềm vui, số vốn bỏ ra lại không quá lớn, ít rủi ro.
Khác với Ánh Thu, Khánh Ly – cựu sinh viên Đại học Thăng Long – không mua vé trước mà nhận đặt theo yêu cầu của khách hàng. Nhà Khánh Ly ở gần một rạp chiếu tại Thanh Xuân, Hà Nội.
Bà Mạc Thị Thủy cho biết nhiều khán giả từng mua phải vé giả qua mạng. Những trường hợp này, đơn vị không thể giải quyết, do không có mã vé chính thống.
Đào, phở và piano do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, kinh phí 20 tỷ đồng. Khởi quay năm ngoái, phim lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi mối tình của anh tự vệ Dân (Doãn Quốc Đam) và tiểu thư Hà thành Hương (Cao Thùy Linh). Tác phẩm khắc họa một thời bom đạn gian khổ, thiếu thốn, khi con người luôn đối diện cái chết nhưng lạc quan, yêu đời. Điểm sáng trong không khí ác liệt của chiến tranh là tình người, tình yêu đất nước. Dự án đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, hồi tháng 11 năm ngoái.
Giải thích về tên phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết “đào, phở, piano” có thể là ba khái niệm điển hình, gợi về hình ảnh, bản sắc Hà Nội. Nếu hoa đào nở vào mùa xuân gắn liền trong tâm thức người Hà Nội, phở vừa là món ăn ngon vừa gắn liền với đặc trưng ẩm thực của thủ đô. Còn tiếng piano, dù trong giai đoạn lịch sử, vẫn vẳng giai điệu từ các căn cửa sổ, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, đại diện cho vẻ đẹp cuộc sống.
Theo số liệu từ Box Office – trang tổng hợp, phân tích dữ liệu doanh thu phòng vé, đến ngày 26/2, phim đạt doanh thu 2,35 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện trang cho biết con số thống kê chưa hoàn toàn chính xác, do các rạp bán vé trực tiếp.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/no-ro-dich-vu-san-ve-dao-pho-va-piano-4715394.html