Xuân Quỳnh truyền cho các con tính tự học, trau dồi tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp dù bà chỉ học đến lớp bốn.
Tác giả Lưu Tuấn Anh, 58 tuổi, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh kể lại những kỷ niệm về mẹ, ”dượng Lưu Quang Vũ” hay bố ruột – nghệ sĩ violin Lưu Tuấn trong sách Những ô cửa gió lộng. Ấn phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành hôm 28/8, kỷ niệm 36 năm ngày mất của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (29/8/1988-29/8/2024).
Dịp này, VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần do tòa soạn đặt.
Mẹ tôi là người rất trọng tri thức. Cả căn phòng của bà và dượng tôi gần như bốn bề toàn sách là sách, trông như một thư viện. Bà không ngừng khuyến khích các con đọc sách và học hành để mở mang hiểu biết. Ấy vậy mà mẹ tôi chỉ học hết có lớp 4.
Bà ngoại tôi mất sớm, ông ngoại chuyển vào Nam và cụ ngoại nuôi mẹ tôi lẫn bác Mai. Cụ chỉ có đủ tiền cho bác Mai tôi ra Hà Nội học. Hồi đó Hà Đông và Hà Nội là hai tỉnh riêng biệt và muốn học hành tử tế thì phải ra Hà Nội. Mẹ tôi dẫu thích được học cao nữa cũng không có cơ hội. Nhiều người, trong đó có cả tôi, vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra sự thật về học vấn của bà. Thật khó tin. Làm sao với trình độ chưa hết cấp 1 mà bà lại giỏi văn, giỏi thơ tới vậy? Mà làm sao bà lại biết nói tiếng Pháp và dịch được cả thơ tiếng Pháp.
Hóa ra mẹ tôi toàn tự học.
Vốn là người có khiếu về ngôn ngữ, bà trau dồi tiếng Việt bằng cách đọc sách văn học và thông qua công việc sáng tác. Trong văn nói, mẹ tôi diễn đạt rất mạch lạc, rõ ràng và không dài dòng. Bà nói về vấn đề gì bất kể là đơn giản hay phức tạp thì người nghe cũng hiểu ngay và ít khi bà phải giải thích lại. Còn về tiếng Pháp thì bà cũng học từ vựng và ngữ pháp qua sách và từ điển. Khi bà đọc sách tiếng Pháp, thường là sách văn học và thơ, thì cạnh bà luôn là cuốn từ điển tiếng Pháp Larousse to sụ, vừa dày vừa nặng như chồng giấy. Tôi vẫn nhớ cuốn từ điển ấy vì nó là cuốn to nhất và nặng nhất trong cả tập hợp sách của mẹ và dượng tôi.
Không dừng lại ở đó, mẹ tôi muốn nói được tiếng Pháp để có thể giao tiếp. Bà đi học một lớp tiếng Pháp trong thời gian khá dài. Rồi tôi ngỡ ngàng khi biết bà có một người bạn là nữ nhà văn Pháp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bà ấy tên là Frans Corrie, một phụ nữ đã lớn tuổi, tóc bạch kim và trông rất phúc hậu. Có lần bà Corrie đã tới căn phòng của mẹ và dượng tôi chơi và ăn trưa cùng với gia đình. Mẹ tôi ngồi bàn luận văn thơ say sưa với bà bạn bằng tiếng Pháp và dĩ nhiên là tôi chẳng hiểu gì. Nhưng tôi thực sự nể phục mẹ về lòng hiếu học và khả năng tự học của bà.
Sau khi đất nước thống nhất, khoảng năm 1977, có lần mẹ tôi bảo tôi:
”Tới thời của các con, không biết ngoại ngữ thì coi như mù chữ”.
”Ơ, con biết ngoại ngữ mà”.
Tôi tự tin đáp vì tôi đã học tiếng Nga mấy năm ở trường phổ thông rồi.
”Mẹ nghĩ ngoại ngữ của tương lai của thế giới không phải là tiếng Nga”.
”Vậy thì là tiếng Pháp, thứ tiếng mẹ đang học à?”.
”Không con, mà là tiếng Anh”.
”Nhưng mẹ đâu có biết tiếng Anh mà nhận định vậy?”.
”Ừ! Mẹ không biết nhưng mẹ chắc sẽ là như vậy”.
”Nhưng sao tiếng Anh lại quan trọng đến thế hả mẹ?”.
”Vì nó là cánh cửa mở vào kho tri thức của nhân loại”.
“Vậy thì…”.
”Các con phải học thôi”.
Đã có kế hoạch cho các con, mẹ tôi quyết thực hiện.
Năm 1978, bà tìm được một lớp tiếng Anh và bắt tôi và Kít (tên gọi ở nhà của Lưu Minh Vũ) đi học. Lớp học được tổ chức trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ gần Chợ Trời. Thầy giáo đã gần bảy mươi tuổi, tóc bạc phơ và rất hay cười. Đám học trò toàn là tụi thiếu niên tuổi tôi và Kít, trong đó có con của mấy người bạn trong giới văn thơ của mẹ tôi. Ngay ngày đầu đến là tôi và Kít đã va chạm với mấy bạn học mới. Kít tí nữa nhảy vào đấm nhau với một đứa khiến tôi phải ngăn. Rồi sau đó là những giờ học buồn chán kéo dài. Tôi và Kít liên tiếp nhận những điểm 2, 3, mặc dù ông thầy rất dễ tính. Thỉnh thoảng may lắm bọn tôi được điểm 4, 5. Mẹ tôi buồn lắm nhưng vẫn không từ bỏ hy vọng vào việc học của chúng tôi.
Lên cấp 3, tôi học sút đi trông thấy và mẹ tôi bắt đầu lo rằng tôi sẽ không đủ sức để thi vào đại học. Tôi mê kịch câm nên ghi tên thi tuyển vào làm diễn viên kịch câm Nhà hát Tuổi Trẻ. Mẹ tôi cố thuyết phục rằng con đường đó không dành cho tôi. Bà bảo nghệ thuật giúp con người ta phong phú về tâm hồn. Yêu nghệ thuật không nhất thiết phải theo đuổi nó như một nghề. Và hơn nữa môn kịch câm tuy được yêu thích thời đó có thể sẽ không có đất để tồn tại trong tương lai. Nhưng tôi không nghe. Bà phải nhờ chính thầy kịch câm của tôi là chú Lê Hùng khuyên bảo tôi mới từ bỏ ý định.
Nhưng câu hỏi định hướng cuộc đời cho tôi vẫn còn bỏ ngỏ.
Mẹ tôi tiếp tục thúc tôi học tiếng Anh. Bà tổ chức một lớp luyện tiếng Anh cho tôi với định hướng thi vào Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Tôi lại cố học, không phải vì thích mà vì chiều mẹ và cá nhân tôi cũng chẳng có định hướng gì. Bà bảo tôi học gì, thi trường nào thì tôi theo thôi.
Còn tiếp…
Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942, nổi tiếng với bài Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, tập thơ Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu nổi tiếng như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita…Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000, còn Xuân Quỳnh được truy tặng năm 2017.
Tác giả Lưu Tuấn Anh hiện là giám đốc sáng tạo cho một công ty truyền thông tại Hà Nội.
(Trích sách Những ô cửa gió lộng, NXB Kim Đồng)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-o-cua-gio-long-phan-mot-nha-tho-xuan-quynh-tu-hoc-4789099.html