Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói dành cả đời để suy ngẫm và mất hai tiếng viết bài “Như có bác trong ngày đại thắng”.
Những ngày tháng 4, căn nhà tập thể trên phố Vạn Bảo (Hà Nội) của nhạc sĩ Phạm Tuyên rộn ràng hơn. Nhiều cá nhân, tổ chức, các em nhỏ đến tri ân ông viết bài ca lịch sử. Dù sức khỏe yếu, nhạc sĩ cố gắng gặp từng người, mỉm cười khi nghe họ bày tỏ tình cảm với bài hát.
Sau nửa thế kỷ, nhạc phẩm được nhiều người thuộc làu và yêu thích. Dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, những câu hát quen thuộc xuất hiện ở nhiều chương trình. Ở TP HCM, hình ảnh người dân ngân nga ca khúc ở nhà ga metro, các chiến sĩ đứng hát trong mưa hay khối diễu binh Trung Quốc hô vang “Việt Nam! Hồ Chí Minh” khiến nhiều người xúc động.
Khối diễu binh quân đội Trung Quốc hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”
Chiến sĩ quân đội Trung Quốc hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” khi tham gia diễu binh qua các tuyến đường quận 1, trong buổi tổng duyệt lễ kỷ niệm 30/4. Video: Đỗ Nam – Minh Trịnh – Tuấn Việt
Ở tuổi 95, trí nhớ nhạc sĩ suy giảm. Con gái ông, nhà báo Phạm Hồng Tuyến, giúp bố lưu lại ký ức về tác phẩm. Ngày 28/4/1975, khi nghe tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom tập kích sân bay Tân Sơn Nhất thành công, nhạc sĩ xúc động vì dự cảm ngày chiến thắng đang gần kề. Buổi đêm, vì không muốn làm ảnh hưởng giấc ngủ của vợ con, ông ra hành lang suy ngẫm.
Bản chép tay “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Thanh Thảo
Trong hồi ký, nhà giáo Phạm Ánh Tuyết, vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhớ lại: “Đêm hôm ấy, tôi thấy anh trên tay cầm mẩu giấy và chiếc bút chì ra đứng đầu cầu thang, nơi đó có một bóng đèn chiếu sáng, ngoài trời lâm thâm mưa. Anh cứ đứng đó ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài Như có Bác trong ngày đại thắng. Cả cuộc đời gắn bó với nhân dân, với đất nước, sống với lý tưởng cao đẹp, một cuộc đời không ngừng phấn đấu vươn lên, khổ đau và hy vọng để bây giờ có thể hát lên: ‘Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông!”. Bà Phạm Ánh Tuyết nói bài hát “được sinh ra từ khoảnh khắc đó cộng với cả cuộc đời anh”. Ông, cũng như mọi người Việt Nam, đã mơ về chiến thắng ấy trong nhiều thập niên.
* Bản thu đầu tiên của bài Như có Bác trong ngày đại thắng, nghệ sĩ Tuyết Thanh, Đặng Hùng hát cùng dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam
Ngày 30/4/1975, nhà báo Trần Lâm (Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó), gọi điện và hỏi nhạc sĩ: “Bây giờ đến ngày giải phóng rồi, anh có tác phẩm nào không, tôi đưa lên Đài”. Thế là ca khúc được giao nghệ sĩ Tuyết Thanh, Đặng Hùng lĩnh xướng, nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy dàn nhạc.
Bà Tuyết Thanh cho biết: “Khi đến điệp khúc ‘Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh’, trong tôi hiện về những hình ảnh của phố Khâm Thiên tan hoang sau trận bom hủy diệt, là hình ảnh những người bạn tuổi đôi mươi xung phong ra trận và mãi mãi không trở về, là hình ảnh quê hương miền Nam tươi đẹp với những người mẹ, người chị mừng vui chào đón ngày thống nhất. Trong đời tôi chưa bao giờ lại hát và tham gia buổi ghi âm nào cảm động đến thế”.
Từ 17h30′ đến 24h’ ngày 30/4, ca khúc được phát liên tục cùng bản tin chiến thắng. Cả bài chưa đầy 10 câu, giai điệu, ca từ đều dễ nhớ, dễ thuộc. Ngay sau hôm, từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai ai cũng véo von. Quanh khu vực Bờ Hồ (Hà Nội), đoàn quân nhạc chơi khúc ca không ngừng nghỉ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận xét: “Bài hát như một tiếng reo vui của mọi tầng lớp người ở mọi lứa tuổi. Giai điệu và lời ca đều rất giản dị”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên ở tuổi 95. Ảnh: Gia đình cung cấp
10 năm sau, nhạc sĩ được tặng Huân chương Lao động hạng ba nhờ nhạc phẩm. Trong cuốn sổ tay chép nhạc của mình, ông đề một dòng chú thích trang nghiêm. Huân chương lao động thường trao cho quá trình cống hiến lâu dài, nhưng khi ấy lại được tặng cho việc sáng tác một bài hát. Dù không có tiền hoặc hiện vật giá trị, cả gia đình nhạc sĩ vẫn hạnh phúc vì ý nghĩa tinh thần.
Do khúc nhạc thường được phát ở phần kết nhiều chương trình, hội nghị, nhiều bạn bè của nhạc sĩ từng gọi vui là ca khúc “xách túi ra về”. Ông hay kể với con gái câu đùa của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao: “Bài của nhà tôi (Tiến quân ca) với bài của anh Tuyên là được hát nhiều nhất đấy. Bài nhà tôi, tất cả phải đứng lên. Còn bài của anh thì tất cả xách túi ra về”.
Tác phẩm được đặt Như có Bác trong ngày đại thắng, nhưng nhiều người thường nhầm câu mở đầu Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng là tên. Nhà báo Hồng Tuyến nói: “Bố tôi chưa bao giờ phật lòng vì điều đó. Với ông, được nghe mọi người hát đã là một niềm hạnh phúc”.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhu-co-bac-trong-ngay-dai-thang-khuc-ca-ngay-30-4-4880016.html