Không ít sinh viên tại các trường top đầu của Mỹ nói khó có thể đọc hết một cuốn sách.
Nicholas Dames giảng dạy môn Văn học nhân học ở Đại học Columbia từ năm 1988. Ông nhận thấy ngày càng nhiều sinh viên thờ ơ với môn học bởi “căng thẳng khi nghĩ đến yêu cầu đọc sách”.
Các đồng nghiệp của Dames cũng gặp vấn đề tương tự. Thậm chí những sinh viên ở các trường ưu tú, thi tuyển gắt gao cũng sợ đọc sách.
Năm 2022, một sinh viên năm nhất đến văn phòng của Dames để chia sẻ về khó khăn khi phải hết cuốn sách trong một, hai tuần. Người này cho biết chưa từng đọc hết một cuốn sách ở trường cấp ba. Các giáo viên chỉ yêu cầu đọc một số đoạn trích, thơ hay các bài báo.
Điều này khiến Dames sửng sốt.
Ông dần hiểu điều gì đang xảy ra với các sinh viên. Không phải các em không muốn đọc mà là không biết đọc. Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông không yêu cầu học sinh đọc.
Năm 1979, Martha Maxwell, học giả có ảnh hưởng trong giới văn học, đưa ra nhận định mỗi thế hệ, tại một thời điểm nào đó các giáo viên đều phát hiện rằng học sinh không còn đọc tốt như mong đợi.
Dames thừa nhận tình trạng học sinh ngại đọc tồn tại nhiều năm. 20 năm trước, sinh viên của Dames dễ dàng hoàn thành yêu cầu đọc cuốn Kiêu hãnh và Định kiến hay Tội ác và Trừng phạt trong một tuần. Nhưng nay, người trẻ không thể làm điều đó. Không chỉ là tốc độ đọc, rất khó khăn để chú ý đến những chi tiết nhỏ và theo dõi cốt truyện chung.
Chưa có thống kê toàn diện về tình trạng này nhưng 33 giáo sư đại học khi được hỏi đều chia sẻ trải nghiệm tương tự.
Anthony Grafton, nhà sử học tại Đại học Princeton (Mỹ), nói sinh viên đến trường với vốn từ vựng hạn hẹp. Từng có những cá nhân đọc hiểu sâu, viết chữ đẹp nhưng điều đó dần trở nên hiếm hoi.
Jack Chen, giáo sư văn học Trung Quốc tại Đại học Virginia, nhận thấy sinh viên ngày nay không đủ kiên trì để đọc hết một tác phẩm dài hơn chục trang giấy.
Lý giải nguyên nhân, nhiều người cho rằng sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng xã hội khiến sách bị lãng quên. Năm 1976, khoảng 40% học sinh lớp 12 ở Mỹ đọc ít nhất 6 cuốn sách để giải trí. 11,5% không đọc cuốn nào. Đến năm 2022, tỷ lệ này đảo ngược.
Bên cạnh đó, học sinh trung học cơ sở và phổ thông dường như ít phải đọc sách trong lớp. Mike Szkolka, giáo viên, quản trị viên của một website về giáo dục ở Boston và New York, cho biết đoạn trích đã thay thế sách ở mọi cấp.
“Không có bài kiểm tra nào yêu cầu học sinh ngồi xuống và đọc hết một cuốn sách”, Mike nói.
Khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu EdWeek đối với 300 giáo viên dạy từ lớp 3 đến lớp 8, ghi nhận 17% chủ yếu dạy toàn bộ văn bản, 49% xen kẽ toàn bộ văn bản và đoạn trích, gần 25% nói sách không còn là trọng tâm trong chương trình giảng dạy.
Trước thực trạng trên, nhiều giảng viên đại học nói không còn lựa chọn nào ngoài việc giao ít bài đọc và hạ thấp kỳ vọng.
Giáo sư Victoria Kahn giảng dạy môn văn học tại Đại học UC Berkeley từ năm 1997. Bà từng giao sinh viên đọc 200 trang mỗi tuần nhưng giờ đây yêu cầu giảm hơn 50%. Các giảng viên khác của Đại học Columbia, những người lên chương trình giảng dạy Văn học nhân học, cũng cắt giảm lượng sách trong năm học mới.
Nhưng theo một số chuyên gia, việc nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho sinh viên bằng cách thu hẹp giáo trình, bỏ đi các tác phẩm kinh điển khó đạt hiệu quả như mong đợi. Qua hàng trăm năm, để hiểu được con người và đánh giá cao những thành tựu vĩ đại xuyên suốt lịch sử, thế hệ trẻ cần chăm chỉ đọc sách.
Nhà thần kinh học Maryanne Wolf nói thêm đọc sâu sẽ tăng tư duy phản biện, tự phản ánh – điều mà đọc trích dẫn, đọc lướt không thể làm được.
Minh Phương (Theo Atlantic)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhieu-nguoi-tre-my-so-doc-sach-4802905.html