Che Guevara duy trì viết nhật ký đến dòng cuối cùng trước khi bị bắt, bị xử tử ở Bolivia, chi tiết được nhắc lại trong “Nhật ký Che Guevara”.
NXB Văn học và Hanoi Books vừa ra mắt sách Nhật ký Che Guevara – những ngày tháng cuối cùng, dày 372 trang. Tác phẩm được những người làm sách ở Việt Nam biên soạn theo nhiều nguồn tài liệu về cuộc đời của nhà lãnh đạo cách mạng Che Guevara.
Thần tượng của một thời đại
Che Guevara ghi dấu với hình ảnh một nhà lãnh đạo cách mạng phong thái lãng tử, mang vẻ đẹp của đàn ông Nam Mỹ, đội mũ beret và chiếc áo khoác da quen thuộc. Ông là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất trong thế kỷ 20, và là biểu tượng nổi tiếng của văn hóa đại chúng về sự phản kháng và tinh thần đấu tranh.
Sinh ngày 14/6/1928 tại Argentina, là một trong những đồng chí của lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Che Guevara còn được biết đến là một bác sĩ, nhà văn, nhà ngoại giao và nhà lý luận quân sự. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Cuba và Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Cuba. Khi đang ở đỉnh cao của quyền lực, Che Guevara từ bỏ tất cả đế dấn thân vào một cuộc chiến đấu mới.
Những ngày tháng cuối cùng, Che đã chuẩn bị kế hoạch cho tương lai của mình ở nước ngoài. Ông loan báo các kế hoạch này vào ngày 12/2/1965 khi đọc diễn văn ở Dar es Salaam, thủ đô của Tanzania. Trong bài diễn văn, Che nói: “Tôi tin rằng có thể lập một mặt trận tranh đấu chung chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới”.
Sau những ngày chiến đấu tại Bolivia của Che Guevara, cuối cùng ông bị bắt và bị xử tử vào ngày 9/10/1967. Nhà văn, nhà triết học Pháp Jean Paul Sartre gọi Che Guevara là anh hùng đương đại vĩ đại nhất và ông trở thành một huyền thoại, một biểu tượng về sự dấn thân, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng với sự lãng mạn. Tên tuổi của ông không chỉ được nhắc đến trong các cuốn sách lịch sử, mà còn đậm nét trong nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật, cũng như hiện diện ở trong cuộc sống đời thường.
Cuốn sách biên soạn Nhật ký Che Guevara – những ngày tháng cuối gồm bốn phần chính: Phân tích và dẫn truyện, Tóm tắt các sự kiện chủ yếu trong các tháng, Nhật ký của Che Guevara, Những hình ảnh về đội du kích quân.
Phần một lý giải nguyên nhân vì sao Che quyết định đến Châu Phi và sau đó đến Bolivia với nhiệt huyết và lý tưởng vì một sự nghiệp cách mạng. Phần này cũng cung cấp những thông tin về chính phủ Bolivia và quan điểm chính trị của những người lãnh đạo Bolivia thời đó để giải thích vì sao Che Guevara bị xử bắn một cách bi thảm. Ngoài ra, phần này còn đề cập một số chi tiết về những đồng chí cùng sát cánh chiến đấu với Che Guevara khi ông ở Bolivia, trong đó có nữ chiến sĩ du kích nổi tiếng với tên gọi Tania. Đó là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, được coi là một điệp viên của Đông Đức và đã yêu Che Guevara.
Tania khoảng 27 tuổi, xinh đẹp, tóc vàng, mắt xanh, mặt trái xoan và sống ở Bolivia dưới cái tên Laura Gutierrez Bauer. Sự quan trọng của cô đối với Che được hiểu qua cách biểu lộ phản ứng của ông khi nàng bị lộ: “Mọi việc chứng tỏ rằng Tania đã bị lộ, như thế có nghĩa là công việc của bao nhiêu năm chăm chỉ và kiên nhẫn đã tiêu tan”. Tania trở thành một huyền thoại tương tự như Che Guevara và tên tuổi của cô cũng đi vào nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật.
Phần một còn giải thích cụ thể cho nguyên nhân thất bại của Che Guevara ở Bolivia. “Cách giải thích đơn giản nhất là Che đã không tuân theo lý thuyết Chiến tranh du kích của chính ông, cả trên cấp độ quân sự lẫn chính trị”, nhận định được nêu trong sách.
Phần hai của cuốn sách cung cấp những mốc thời gian của các sự kiện trong những ngày tháng cuối đời của Che Guevara, nhằm giúp độc giả có một niên biểu để theo dõi.
Khi Che Guevara viết về bản thân
Phần ba – phần chính của cuốn sách, gồm những dòng nhật ký do chính Che Guevara để lại trong những tháng ngày chiến đấu ở Bolivia. Trước đó Che Guevara đã có một cuốn nhật ký sau này cũng nổi tiếng, là cuốn The Motorcycle Diaries: A Journey Around South America (Nhật ký mô tô: Chuyến đi vòng quanh Nam Mỹ) kể về chuyến đi bằng môtô xuyên lục địa Nam Mỹ vào năm 1951, kéo dài chín tháng, với đoạn đường dài 8.000 km.
Cuốn nhật ký do Che Guevara viết vào những ngày tháng cuối cùng của đời ông, sau này khi xuất bản được mang tên gọi The Bolivian Diary of Ernesto Che Guevara (Nhật ký ở Bolivia của Che Guevara).
Là người có thói quen ghi chép, Che để lại khá nhiều bản thảo, giấy tờ, sau này được tập hợp lại và xuất bản với những tên gọi khác nhau, trong đó có cả những tác phẩm nhật ký viết trong thời kỳ ông chiến đấu ở Châu Phi, hay khi hoạt động chính trị ở Cuba. Song cuốn nhật ký cuối cùng của Che Guevara luôn chiếm một vị trí quan trọng, không chỉ vì nói về những sự kiện lịch sử, miêu tả tỉ mỉ cuộc chiến tranh du kích, mà còn thể hiện tinh thần chiến đấu, lòng dũng cảm và lý tưởng của ông trong những ngày tháng cuối đời.
Nhật ký đề cập đến những chuyện tưởng chừng như rất vụn vặt, nhưng qua đó độc giả có thể hình dung những ngày tháng gian khổ và khó khăn của Che Guevara và đồng đội khi chiến đấu ở rừng già Bolivia.
Sách có đoạn: “Rolando, Alejandro và Pombo tiếp tục công việc xây dựng hang, công việc rất khó khăn. Pacho và tôi đi ra ngoài để kiểm tra những con đường do Miguel làm. Những con đường trên nền đá cứng không đáng để tiếp tục. Đường vào hang khá đẹp và khó tìm. Hôm nay chúng tôi giết được hai con rắn cùng một con khác của ngày hôm qua. Có vẻ như ở đây có khá nhiều rắn.
Tuma, Arturo, Rubio và Antonio đi săn, còn Braulio và Nato làm nhiệm vụ canh gác ở trại khác. Họ đến báo rằng, Loro bị ngã ngựa và thông báo về sự xuất hiện của Monje. Marcos, Miguel và Benigno đi để sửa lại con đường trên nền đất cứng nhưng họ không quay lại suốt đêm”.
Nhưng những khó khăn gian khổ hay nguy hiểm chỉ là chuyện nhỏ nếu như so với những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến và cả những rạn nứt to lớn trong nội bộ quân du kích, từ những lãnh đạo cao cấp đến những chiến sĩ. Những tranh cãi, thậm chí dẫn đến đánh nhau, đe dọa khiến cho tinh thần của nhiều người trở nên chán nản. Sau đó là những cái chết do tai nạn trong rừng, do bị bắn khi chiến đấu, hay do kiệt sức vì đói khát, mất máu càng khiến cho những ngày tháng cuối cùng của Che Guevara trở nên nặng nề và căng thẳng.
Che Guevara vẫn duy trì việc viết nhật ký đều đặn và cho đến những dòng chữ cuối cùng, vẫn không có một lời than vãn hay thất vọng về những điều bản thân ông đã làm, đã quyết định. Những dòng chữ cuối cùng cho biết ông được tắm lần đầu sau sáu tháng, rằng bệnh hen suyễn của ông đang tái phát và thuốc đã hết. Nhưng không có một dòng chữ nào về việc mất niềm tin hay tuyệt vọng, dù xung quanh Che Guevara đã mất rất nhiều đồng đội.
Trước khi dấn thân vào những tháng ngày chiến đấu ở Châu Phi và Bolivia, Che Guevara là một con người đang nắm quyền lực cao ở Cuba và có đủ điều kiện để có một cuộc sống không thiếu thốn về vật chất, đi lại thoải mái bằng ôtô, máy bay, có thể đến nhiều nơi trên thế giới với sự đón tiếp long trọng, nay bước vào một hoàn cảnh sống khác hẳn và vui vẻ đón nhận cuộc sống ấy với mối hiểm nguy đến tính mạng luôn thường trực.
Lòng nhiệt tình cách mạng, lý tưởng mà Che Guevara đeo đuổi và sự dũng cảm dám dấn thân, bỏ lại những ánh hào quang khiến Che Guevara trở thành một thần tượng, một người anh hùng vĩ đại trong con mắt của số đông quần chúng.
Tiểu thuyết gia người Argentina Ariel Dorfman viết: “Đối với những con người không bao giờ theo bước Che, bị chìm đắm trong thế giới đầy hoài nghi yếm thế, sự tự tư tự lợi và nền công nghiệp tiêu thụ điên cuồng này, còn có gì hấp dẫn hơn thái độ khinh bạc của Che đối với những tiện nghi vật chất và những ham muốn tầm thường. Có thể nói rằng, đó là phẩm chất riêng biệt độc đáo của Che và không thể có bản sao thứ hai của ông trong thế giới này, đây là điều khiến ông trở nên cực kỳ quyến rũ”.
Hà Thanh Vân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhat-ky-che-guevara-ngay-thang-cuoi-cung-4707752.html