Long AnNhà văn, dịch giả Mai Sơn qua đời ở tuổi 67 sau thời gian điều trị ung thư, rạng sáng 25/12.
Nhà thơ Trần Hoàng Nhân – đồng nghiệp thân thiết của Mai Sơn – cho biết được gia đình báo tin ông qua đời lúc 0h, vào đêm Giáng sinh. Hai năm qua, Mai Sơn từ TP HCM về Long An sống để điều trị bạo bệnh. Nhà thơ Hoàng Nhân nói lần gần nhất gặp nhau để nhờ đàn anh dịch sách, thấy ông vẫn hồng hào, yêu đời. “Tôi nhận ra ‘quá trễ để nói lời từ biệt’ – như tên một cuốn sách dịch của anh”, Hoàng Nhân nói.
Ông sinh năm 1956, từng tham gia viết văn, dịch thuật, viết điểm sách, có hơn 30 năm sống bằng nghề viết, dịch và biên tập sách báo. Ông xuất bản 12 tên sách thuộc nhiều thể loại văn xuôi, biên soạn, dịch thuật, trong đó có 101 triết gia (2007), Vật lạ ở trên đầu (tập truyện, 1997), Hư cấu (tập truyện, 2003), Vũ trụ trong một nguyên tử (2008), Câu chuyện triết học (2005). Ông từng tham dự Liên hoan văn học Á – Phi lần thứ nhất, năm 2007 tại Hàn Quốc.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đánh giá nhiều bài viết của Mai Sơn “đạt được sự chuẩn mực của sự quyến rũ của chữ”. Ông là một trong những người gợi ý cho Mai Sơn đặt tên một cuốn sách là Sự quyến rũ của chữ – ra mắt năm 2017.
Mai Sơn vốn đọc nhiều thể loại sách, từ những tác phẩm nước ngoài của các tác giả Albert Camus, Don DeLillo, G.W.F.Hegel đến trong nước như Hồ Anh Thái, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Quang Lập, Như Huy. Với những cây viết trẻ, anh tìm đọc để cảm nhận, tìm tòi ý tứ văn chương, hơi thở mới của thế hệ hiện đại, từ đó đưa ra những phân tích, suy ngẫm, nghiên cứu theo quan điểm riêng và chia sẻ những điều đó đến với mọi người.
Ông từng quan niệm: Thách thức của người dịch văn học là phải có tài năng huy động nhuần nhị lời ăn tiếng nói Việt vào bản chuyển ngữ. “Nhưng dịch gì đi nữa thì cũng không phải chỉ chăm chăm lo tát cạn phần ngôn ngữ. Khi bắt đầu dịch một tác phẩm của Cormac McCarthy chẳng hạn, bạn phải có cảm thức văn chương khác với khi tiếp cận một tiểu thuyết của Milan Kundera. Muốn vậy bạn phải đọc trước để tắm mình trong khí hậu của nó”, nhà văn từng nói.
Sinh thời, mơ ước lớn nhất của Mai Sơn là thấy giữa Sài Gòn vài địa chỉ, hội quán để mỗi cuối tuần, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, tìm đến cùng chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn học (thơ, văn xuôi, kịch bản, nghiên cứu – phê bình), cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn lớn trong và ngoài nước. Ông cũng muốn có thể truyền cảm hứng, tình yêu văn chương, con chữ và nhân rộng sự đọc hơn nữa.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-van-mai-son-qua-doi-4692956.html