Hà NộiNhà văn hóa Hữu Ngọc – được mệnh danh “người nối cầu văn hóa Việt Nam và thế giới” – qua đời ở tuổi 107.
Theo thông tin từ gia đình, ông qua đời vào 19h10 hôm 2/5, lễ viếng được tổ chức vào 13h ngày 5/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198, số 58 Trần Bình. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra lúc 14h cùng ngày. Thi hài ông được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận Giải thưởng Lớn nhờ những công trình nghiên cứu đồ sộ về Hà Nội, tại lễ trao giải “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” năm 2017. Ảnh: Hà Thu.
Năm 2020, ở tuổi 102, ông ra mắt cuốn Cảo thơm lần giở gồm hai quyển dày gần 1.000 trang, giới thiệu sự nghiệp của 180 danh nhân thế giới.
Tại buổi lễ gắn Huân chương Bắc Đẩu cho ông Hữu Ngọc ở Đại sứ quán Thụy Điển vào tháng 6/1997, đại sứ Thụy Điển Borje Lunggren từng phát biểu: “Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp người bắc cầu giữa các nền văn hóa như ông Hữu Ngọc – cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, rất tế nhị khi thâu nhận những nền văn hóa khác”.
Cùng năm 1997, ở lễ ra mắt cuốn Phác thảo chân dung Hà Nội của ông do Québec tài trợ, Sylvain, Bộ trưởng Bộ Quan hệ quốc tế về khối Pháp ngữ của Quebec, Canada, nhận định: “Ông Hữu Ngọc là một trong những học giả xuất sắc của Việt Nam. Ở ông, tôi xin chào không những một ký ức không bao giờ cạn, mà cả một con người có vốn văn hóa tế nhị, hình ảnh của Việt Nam”.
Năm 2007, ông giới thiệu cuốn Wandering through Vietnamese Culture (Lãng du trong Văn hóa Việt Nam). Dịp này, nhà báo Thái Lan Don Pathan nhận định: “Mặc dù Việt Nam bị đảo lộn trong mấy thập kỷ qua bởi những người khách nước ngoài, Hữu Ngọc đã thuyết phục độc giả là ở đất nước này có một nền văn hóa độc đáo không bao giờ mất”.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc (phải) bên vợ con trong bức ảnh chụp năm 1946. Ảnh: Tư liệu
Theo nhà sử học Phan Huy Lê, ông Hữu Ngọc là một nhà văn, một nhà báo nổi tiếng về những tác phẩm giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam và văn hóa trong nước ra quốc tế.
Nhà báo Nguyễn Như Mai, người bạn vong niên của ông Hữu Ngọc, cho biết năm nào, anh cũng đến nhà chúc thọ vào ngày sinh nhật ông, song năm nay ông không còn minh mẫn nhận ra người quen. Với nhà báo, ông là người thông tuệ, có trí nhớ siêu việt. Đời thường, ông sống giản dị, vui vẻ. Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, nhà văn hóa Hữu Ngọc cười nói: “Do gen đấy”.
Khi Quỹ Việt Nam – Thụy Điển và Quỹ Đan Mạch – Việt Nam do ông làm chủ tịch nhận được khoản tài trợ hàng chục tỷ đồng, ông tuyên bố: “Không xà xẻo một xu, phải dùng tiền ấy trợ giúp đến đúng địa chỉ”. Sau khi nghỉ công tác tại hai tổ chức, ông còn tích lũy được một khoản để lập Quỹ Văn hóa Hữu Ngọc, giúp nâng cao văn hóa đọc ở vùng sâu, vùng xa.
Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hàng Gai, Hà Nội, quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông thông thạo ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, đọc hiểu chữ Hán, là tác giả của hàng chục đầu sách về văn hóa Việt Nam, được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, ông dịch nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ảnh: Nguyễn Như Mai
Thời tuổi trẻ, ông từng dạy tiếng Anh ở Nam Định, sau đó đi bộ đội, phụ trách tờ báo L’Étincelle (Tia sáng) bằng tiếng Pháp với vai trò tổng biên tập kiêm phóng viên. Tia sáng là tờ báo đầu tiên sau cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng là tờ báo địch vận đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, ông còn làm tổng biên tập một số tờ báo đối ngoại như Việt Nam tiến bước (Anh – Pháp – Esperanto) và Nghiên cứu Việt Nam (Anh – Pháp).
Ông từng nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp), Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển), giải Mot d’or (Pháp), giải Vàng Sách Việt Nam 2006, giải Đồng Sách Việt Nam 2015, giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam 2017, giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam, giải Nhất toàn quốc 2015 về Thông tin Đối ngoại, giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2017, cuốn Việt Nam: Tradition and Change (NXB Đại học Ohio, 2017) được tổ chức Mỹ CHANCE (chuyên giới thiệu sách quốc tế) xếp hạng ưu – 4 sao.
Sinh thời, ông đã viết và biên soạn trên 30 cuốn sách, trong đó có nhiều tác phẩm về văn hóa Việt Nam và các nước gồm: Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, Mảnh trời Bắc Âu, Văn hóa Thụy Điển, Hồ sơ văn hóa Mỹ, Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam, Khám phá văn hóa Việt Nam.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-van-hoa-huu-ngoc-qua-doi-4881337.html