Đọc “Thương vợ” của Tú Xương, nhiều độc giả hiện nay trách ông để bà Tú lam lũ nuôi chồng con còn bản thân chỉ biết ”làm thơ, học hành”.
Tú Xương được xem là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông từng được nhà văn Nguyễn Công Hoan suy tôn là bậc “thần thơ thánh chữ”. Ông có nhiều sáng tác mang giọng thơ mỉa mai, châm biếm, tố cáo xã hội bất công, thể hiện nỗi lòng thương dân.
Một số bài thơ của ông được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh như Vịnh khoa thi Hương (sách giáo khoa Ngữ Văn 8, tập hai), Thương vợ (sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập một). Trong đó Thương vợ là tác phẩm được nhiều thế hệ người đọc thuộc nằm lòng.
Tuy nhiên, một số trang cộng đồng trên mạng gần đây chia sẻ ý kiến của nhiều người cho rằng ông viết bài thơ giàu tình cảm song thực tế không đối xử tốt với vợ. Một fanpage có 2,2 triệu lượt người theo dõi đăng dòng trạng thái: ”Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo hết. Bà phải làm ăn bươn chải để ‘nuôi đủ năm con với một chồng’ trong khi Tú Xương không phải làm gì, chỉ ngồi đó viết thơ, học hành. Nhà rất khó khăn, nghèo đói nhưng ông lại phóng khoáng với bạn. Bạn đến chơi nhà thì giục vợ làm cơm thết đãi, nhà không có thịt thì bắt vợ đi mua chịu về đãi bạn”.
Bài thơ ‘Thương vợ’
Bài thơ ”Thương vợ”. Video: YouTube Study
Dưới bình luận, nhiều người giễu cợt Tú Xương ”nói một đằng làm một nẻo”, cho rằng nên đưa bài thơ ra khỏi sách giáo khoa. Ngược lại, một số khác phân tích nhà thơ mượn hình ảnh gia đình mình để phản ánh thực trạng xã hội phong kiến Việt Nam, khi phụ nữ phải chịu bao nỗi khổ, bị trói buộc bởi các khuôn phép.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn – Viện phó Viện Văn học – nhận định những ý kiến giễu cợt nhà thơ Tú Xương là không có căn cứ, thậm chí truyền tải nội dung phản cảm. Ông Nguyễn Hữu Sơn chỉ ra phong cách thơ Tú Xương mang tính trào phúng. Trong bài Thương vợ, Tú Xương chế giễu chính bản thân mình, tạo tiếng cười chua xót. Dù thi cử thất bại, nhà thơ không ngừng cố gắng, mong muốn thành tài để thay đổi cuộc sống.
Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm – nguyên tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới – cho rằng thơ là tiếng lòng của tác giả. Vì vậy, tác phẩm thể hiện tình cảm của Tú Xương dành cho vợ. ”Trường hợp không biết thực hư về cuộc đời ông, chúng ta chỉ nên nhìn vào đóng góp của nhà thơ, quý trọng những gì ông để lại cho văn chương Việt Nam”, ông Trần Đoàn Lâm nói.
Tác phẩm khắc họa bà Tú – một người nhẫn nại, chịu thương chịu khó lo cho chồng con, là hình mẫu điển hình của phụ nữ Việt Nam, đồng thời gửi gắm tình thương, sự trân trọng của tác giả. Bà tên thật là Phạm Thị Mẫn, hơn nhà thơ Tú Xương một tuổi, quê ở Hải Dương, thuộc dòng họ có nhiều người học hành, đỗ đạt. Chồng quyết tâm cho sự nghiệp thi cử, bà tần tảo gánh vác gia đình.
Mượn hình ảnh con cò, nhà thơ cho thấy cuộc đời vất vả của vợ. Quanh năm, bà ”lặn lội thân cò” để buôn bán ở mom sông, giành giật khách đến ”eo sèo mặt nước”. Hai câu ”một duyên hai nợ đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công” cho thấy bà Tú chấp nhận số phận, quên bản thân vì chồng con. Chứng kiến điều này, nhà thơ tự ”mắng” mình thi mãi không đỗ khiến vợ con phải khổ: ”Cha mẹ thói đời ăn ở bạc. Có chồng hờ hững cũng như không”. Trách bản thân, ông phê phán luôn ”thói đời” là tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến.
”Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Thương vợ được coi là bài thơ trữ tình trào phúng, mang phong cách nghệ thuật đậm sắc thái dân gian. Trong sách Giảng văn Văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Túy từng đưa ra giả thuyết tên bài thơ không phải do Tú Xương đặt, do ông qua đời trước khi thơ được in và xuất bản.
Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, sinh năm 1870 ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho nghèo, cha là cụ Trần Duy Nhuận làm chức Tự thừa ở dinh Đốc học Nam Định. Tú Xương mang khát vọng học hành thành đạt để có cuộc sống tốt. Ông thi hương từ năm 16 tuổi, kiên trì đeo đuổi tám khoa thi (các năm 1886, 1888, 1891, 1894, 1897, 1900, 1903, 1906) nhưng chỉ đỗ Tú tài thiên thủ, được lấy thêm cuối bảng vào năm 1894. Nhà thơ qua đời năm 1907 trên đường về quê ngoại ở huyện Mỹ Lộc.
Nhà thơ Tú Xương. Ảnh: Tranh của Trần Quang Trân
Sách Từ điển Văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ 19 cho biết Tú Xương sáng tác khá nhiều, chủ yếu là thơ Nôm, thường được chuyền tay qua bạn bè rồi phổ biến với công chúng. Tuy nhiên, thơ ông không được ghi chép lại nên thất lạc nhiều, hay bị lẫn với sáng tác của người khác. Hiện các nhà nghiên cứu tìm được trên 100 bài thơ Nôm của Tú Xương, viết bằng các thể loại thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát, phú.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-tho-tu-xuong-co-thuong-vo-4852393.html