Thi Trần – nhà sản xuất “Bên trong vỏ kén vàng” – cho biết gặp khó khăn về tài chính và thách thức khi êkíp chỉ có bốn người.
Sau thành công tại Cannes 2023, êkíp Bên trong vỏ kén vàng được nhiều liên hoan phim quốc tế mời tham dự, giới thiệu phim. Đầu tháng 2, qua nhà phân phối Kino Lorper, tác phẩm sẽ công chiếu tại Mỹ, Canada.
Dịp này, Thi Trần (35 tuổi) – nhà sản xuất phim – nói về khó khăn, thách thức và cách êkíp đón nhận lời khen chê.
– Anh và êkíp ‘Bên trong vỏ kén vàng’ trải qua năm 2023 thế nào?
– 2023 là năm đặc biệt ý nghĩa và thành công với riêng tôi, đạo diễn Phạm Thiên Ân lẫn êkíp. Chúng tôi hoàn thành khâu quay dựng và gửi phim đến Cannes lần 76. Ban đầu, cả nhóm chỉ kỳ vọng được chọn trình chiếu, không ngờ có thể cạnh tranh hạng mục Director’ Fortnight và thắng Camera D’or (dành cho phim đầu tay xuất sắc).
Rất hạnh phúc khi lần đầu bước lên thảm đỏ một liên hoan phim danh giá và tham gia buổi gala. Tôi tin cả êkíp, khán giả Việt và nhà làm phim trong nước cũng có chung cảm xúc ấy, tự hào về phim Việt ở thị trường quốc tế.
Ngay sau khi nhận giải, chúng tôi nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ khán giả, nhà phê bình, đội ngũ làm phim, thậm chí lời chúc của Cục điện ảnh Việt Nam. Mọi người như vỡ òa, không thể quên khoảnh khắc đẹp. Chúng tôi đã làm được.
Sau Cannes, êkíp “bắt tay” các nhà phân phối bản địa, chiếu phim tại Pháp (tháng 10/2023) lẫn thị trường Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), nhận phản hồi tích cực.
Tiếp đó, Bên trong vỏ kén vàng được xướng tên ở nhiều liên hoan phim quốc tế như: Best Asian Feature film (tại Singapore International film Festival); Best film (Pingyao International Film Festival); Best Director (Bucharest International Film Festival); Young Cinema Award (Asia Pacific Screen Awards)…
Đội ngũ tiếp tục đưa phim về Việt Nam nhằm đáp lại sự yêu thương, chờ đợi của khán giả quê nhà. May mắn, dự án được các nhà làm phim, phê bình ủng hộ và các rạp trong nước đề nghị phân phối.
Tới giờ, chúng tôi vẫn chưa tin tác phẩm của có thể thành công, công chiếu rộng rãi như vậy.
– ‘Bên trong vỏ kén vàng’ nhận nhiều ý kiến trái chiều, kén người xem. Một bộ phận khán giả nói phim quá dài, nhịp điệu chậm, tạo cảm giác nặng nề. Với vai trò nhà sản xuất, anh đón nhận khen chê ra sao?
– Khen chê, bình phẩm là bình thường và tôi khá thích quan điểm “không có phim nào dành cho mọi người”. Khi tác phẩm được chọn công chiếu đầu tiên tại Cannes, chúng tôi rất lo lắng, sợ nhà phê bình quốc tế, khán giả không chào đón. Ngay cả đối tác phân phối tại Pháp cũng chung nỗi lo, nhưng sau đó mọi chuyện diễn ra tích cực, như tôi nói ở trên.
Tại Việt Nam, dự án thực sự kén khán giả. Tình tiết khá chậm – đậm phong cách của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Anh ấy muốn khán giả hòa mình vào nhân vật, thiên nhiên, cảm nhận không gian, thời gian…
Trong buổi giao lưu tôi góp mặt năm ngoái, một giảng viên phân tích rất hay: một bộ phận khán giả Việt dường như đang bị “Hollywood hóa”, họ quen với các dự án giải trí kiểu Hollywood, phim thương mại Việt và quen nhịp điệu nhanh. Do đó, dòng phim độc lập có tình tiết chậm thường khó tiếp cận người xem.
Vài năm nay, phim độc lập trong nước khá phát triển. Rất nhiều sân chơi dành cho nhà làm phim trẻ như thi phim ngắn CJ, Gặp gỡ mùa thu… Việt Nam cũng vừa thành lập Liên hoan phim quốc tế HIFF tại TP HCM.
– Anh và êkíp gặp khó khăn gì suốt quá trình quay dựng phim?
– Chúng tôi gặp nhiều thách thức khi êkíp chỉ có bốn người gồm: đạo điễn Phạm Thiên Ân, Huỳnh Hiền (vợ Ân kiêm thiết kế sản xuất), Hưng Dinh (DOP) và tôi – sản xuất chính.
Trong quá trình hoàn thiện kịch bản và khảo sát bối cảnh, êkíp được một số bạn bè cùng quê – cũng mê điện ảnh – hỗ trợ. Tuy nhiên khi bắt tay sản xuất, chúng tôi nhận ra đoàn phim chỉ bốn người là không đủ, cần lực lượng đông đảo hơn.
Cái khó là kinh phí, tài chính hạn hẹp. Chúng tôi quyết định tìm sự hỗ trợ từ các nhóm làm phim khác, may mắn có Zorba. Họ hứng khỏi, nhiệt tình khi nghe êkíp nói về phim, kế hoạch sản xuất.
– Anh học hỏi được gì sau lần đưa phim đến Cannes?
– Sau hành trình “kỳ diệu” tại Cannes, tôi nhận thấy điện ảnh thế giới rất to lớn. Chúng tôi học được cách phân tích thị hiếu khán giả, kỹ thuật quay dựng, chọn lọc chủ đề, lên ý tưởng kịch bản, kết hợp đội nhóm, casing diễn viên… Bên cạnh đó cải thiện khâu giao tiếp với truyền thông, đối tác phân phối, nhà tài trợ và lắng nghe khán giả nhiều hơn.
Những năm gần đây, điện ảnh Việt bùng nổ về doanh số, hút khán giả, tuy nhiên để cạnh tranh với quốc tế, chúng ta cần học hỏi nhiều và nỗ lực hơn nữa.
– Theo anh, với những nhà làm phim độc lập, khó khăn nhất họ phải đối mặt là gì?
– Là nhà sản xuất non trẻ và may mắn thành công với Bên trong vỏ kén vàng, tôi không dám chia sẻ nhiều. Tuy nhiên theo trải nghiệm bản thân, tôi nhận thấy khó khăn nhất với phim độc lập ở Việt Nam là chưa được đầu tư xứng đáng, các nhà làm phim chưa có nhiều đất diễn.
Tài chính là yếu tố quan trọng, thường phim độc lập khó được quan tâm và đầu tư, do đó, các nhà làm phim như chúng tôi không đủ kinh phí để phát triển.
– Yếu tố quan trọng nhất giúp một dự án phim độc lập thành công?
– Để sản xuất thành công phim độc lập, bạn cần có người đồng hành, một êkíp hết lòng. Tôi cho rằng, con người là yếu tố quyết định.
Tôi, Phạm Thiên Ân, Huỳnh Hiền và Hưng Dinh may mắn lớn lên cùng nhau ở Lâm Đồng, xuống TP HCM học rồi cùng làm việc. Bốn chúng tôi bén duyên với điện ảnh, sản xuất phim ngắn như The Mute 2018, Stay awake be ready 2019…, thắng giải ở nhiều liên hoan phim ngắn quốc tế, tiếp đó là Bên trong vỏ kén vàng.
Gắn bó với nhau đủ lâu, cả nhóm hiểu tính cách, thế mạnh từng người, chung chí hướng và được nhiều bạn giúp đỡ.
– Dự án tiếp theo của anh?
– Bốn anh em tiếp tục làm phim, cộng tác với nhau. Tuy nhiên, cả nhóm cần thêm thời gian lên ý tưởng, khảo sát bối cảnh phim tiếp theo.
Dự án tiếp theo, chúng tôi mong có thể kêu gọi đầu tư từ các quỹ điện ảnh quốc tế, những nhà đầu tư trong nước.
Thi Quân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-san-xuat-thi-tran-ekip-ben-trong-vo-ken-vang-gap-nhieu-thach-thuc-4709848.html