ItalyPhan Đăng Hoàng, 23 tuổi, giới thiệu bộ sưu tập “Sonder”, lấy cảm hứng từ tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu tại Milan Fashion Week 2024.
Phan Đăng Hoàng ra bộ sưu tập tại hoạt động thuộc khuôn khổ sự kiện, dưới hình thức digital ngày 26/2, khai thác cảm hứng Á Đông kết hợp phương Tây.
Theo nhà mốt, Sonder mang nghĩa về sự phát hiện độc đáo trong cuộc sống riêng mỗi người. Bộ sưu tập thể hiện tình yêu của nhà thiết kế đối với phụ nữ, lấy cảm hứng từ các chủ đề, tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu.
“Các bức họa của tác giả không chỉ tôn vinh đường nét uyển chuyển, cảm xúc, mà còn gắn liền hành trình sáng tạo, nhiệt huyết với nghề. Tôi tìm thấy sự đồng điệu, muốn thể hiện qua sự kết hợp hội họa, thời trang”, nhà thiết kế nói.
Bộ sưu tập khắc họa hình tượng phụ nữ thông qua kỹ thuật giải cấu trúc, rã phom, draping, thêu đính, ứng dụng in hình 3D, vặn xoắn trên nền chất liệu như kate, cotton, twill, trong đó lụa chiếm chủ đạo với dụng ý tôn vinh dòng tranh lụa vốn gắn với tên tuổi của danh họa.
Phan Đăng Hoàng sử dụng sắc trắng, hồng phấn, cam ấm, xanh lam kết hợp đen, nâu – các màu đặc trưng trong tranh của Lê Thị Lựu cho bộ sưu tập. Nhà thiết kế còn phác thảo một số hình ảnh, họa tiết phong cảnh trong tranh của Lê Thị Lựu ở một số mẫu, thể hiện qua kỹ thuật in 3D. Ngoài ra, nhà thiết kế còn cập nhật Quiet Luxury (Sự sang trọng thầm lặng) – xu hướng chiếm lĩnh sàn runway quốc tế những năm gần đây.
Lê Thị Lựu (1911-1988) tại Thổ Khối, Bắc Ninh, bắt đầu theo đuổi con đường hội họa năm 14 tuổi. Bà được nhận vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1927, khi mới 16 tuổi, là nữ họa sĩ đầu tiên của trường. Năm 1930, bà trưng bày hai tranh sơn dầu trong cuộc triển lãm chung đầu tiên của trường: Chân dung ông Hai và Thiếu nhi vườn chuối. Năm 1932, bà tốt nghiệp thủ khoa. Bà giảng dạy tại các trường Trung học Bảo Hộ (Bưởi), Nữ sư phạm (Hàng Bài), Ðăng Ten (Ecole dentellière), Hồng Bàng (tư thục).
Đầu những năm 1940, Lê Thị Lựu sang Paris, Pháp cùng chồng là Ngô Thế Tân và một số nghệ sĩ như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm. Vào thập niên 1950, Lê Thị Lựu đắm mình trong cội nguồn văn hóa Việt Nam với loạt tác phẩm mực và bột màu trên lụa. Chủ đề yêu thích của họa sĩ là phụ nữ, trẻ em Việt Nam với khuôn mặt rạng rỡ, được thể hiện một cách chân thực. Bà nổi tiếng với tài kết hợp màu sắc, ánh sáng, nét vẽ tinh tế, dẫn dắt người xem đến không gian thanh bình, mềm mại và sang trọng.
Tranh của bà được giới thiệu tại nhiều phòng trưng bày ở Paris. Từ năm 1962, Lê Thị Lựu giảng dạy ở các trường Lycée Corot, Lycée Rodin Paris và Lycée d’Orsay. Từ năm 1971, bà về hưu, chuyển về sống ở miền Nam nước Pháp. Bà qua đời năm 1988. Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Nam Sơn – đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tham gia giảng dạy bộ môn Đồ họa và Trang trí – từng nói tên Lê Thị Lựu rất đặc biệt, vì nó bao gồm ba loại trái cây mang hương thơm và màu sắc dịu ngọt: lê, thị và lựu.
Phan Đăng Hoàng quê Nghệ An, được biết tới với loạt tranh chân dung nghệ sĩ Việt. Anh từng nhận học bổng tài năng chuyên ngành thiết kế thời trang của Đại học Nouva Accademia Di Belle Arti (NABA) năm 2018 và tốt nghiệp bằng xuất sắc. Theo BOF, NABA từng được bình chọn là top 20 trường thiết kế thời trang danh giá nhất thế giới.
Các thiết kế của anh thể hiện tinh thần giao thoa văn hóa Đông – Tây cùng nguồn năng lượng tích cực, trẻ trung. Thế mạnh của Đăng Hoàng là cách chơi màu trên cùng một trang phục. Đăng Hoàng từng giới thiệu các bộ sưu tập gồm A Dose Of Yoy, Quintessence (Tinh hoa), La Peinture (Bức họa). Năm 2023, anh lần lượt giới thiệu các bộ sưu tập Mirage, Sculpture tại Milan Fashion Week.
Tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour và siêu mẫu Naomi Campbell từng đến xem buổi giới thiệu Quintessence tổ chức tại Italy hồi tháng 9/2021. Một số tác phẩm của nhà thiết kế trẻ xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài, trong đó có Vogue Italy.
Tân Cao
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-mot-ra-bst-cam-hung-tu-tranh-cua-hoa-si-le-thi-luu-4715800.html