Nhiều tác giả trong nước cho rằng khó viết tiểu thuyết lịch sử do phải cân bằng giữa sự thật và hư cấu, sáng tạo của văn học.
Ý kiến được Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng đưa ra ở hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ năm, bàn về thành tựu và xu thế của nền văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay, diễn ra ngày 27/11 ở Hà Nội.
Ông Hùng cho biết khâm phục tinh thần dũng cảm của các nhà văn theo đuổi đề tài này, bởi họ dùng góc nhìn cá nhân để viết lại những giá trị ăn sâu vào đời sống văn hóa dân tộc.
“Người viết tiểu thuyết lịch sử giống như đi trên dây: Một bên là sự thật lịch sử, một bên là hư cấu sáng tạo. Nếu nghiêng về trần thuật sự thật khách quan, họ không khác gì người chép sử. Nhưng nếu hư cấu quá tay, họ dễ bị khép vào giải thiêng, bôi nhọ”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng nói.
Nam Dao, tác giả được chú ý với tiểu thuyết lịch sử Gió lửa và Đất trời, từng nói: “Người viết tiểu thuyết lịch sử không phải là người kẻ lông mày cho xác chết, mà là một công việc khó khăn đòi hỏi sự dấn thân của nhà văn nhằm ‘phục sinh một hiện tại cần tháo gỡ hầu thoát khỏi những bế tắc và tiêu vong’. Và tiểu thuyết lịch sử, nói cho cùng, phải là máu cũng như nước mắt người viết”.
Tiểu thuyết lịch sử lên ngôi trên văn đàn Việt Nam sau thời Đổi mới. Các sáng tác về đề tài này của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thế Quang, Bùi Anh Tấn, Lưu Sơn Minh thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử một cách sâu sắc, toàn vẹn, sâu và đời hơn. Trong khi miêu tả, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người”. Tiểu thuyết chú tâm vào cái thường nhật, những góc khuất nội tâm, những trạng huống tâm lý phức tạp.
Bổ sung ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Hưng cho rằng tiểu thuyết lịch sử sau năm 1975 tràn đầy ý thức tự vấn, tinh thần phản biện lịch sử dân tộc. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Phan Vàng Anh phát hiện giai đoạn sau 1975, các nhà văn bắt đầu đưa góc nhìn của nữ giới vào những câu chuyện lịch sử. Theo bà, Võ Thị Hảo là nhà văn tiên phong khuynh hướng này, với Giàn thiêu, viết về sự kiện 76 cung nữ bị Thái hậu Ỷ Lan thiêu sống.
Trong Công chúa Đồng Xuân, Trần Thùy Mai lật lại vụ án của công chúa nổi tiếng triều Nguyễn, thể hiện góc nhìn thương cảm với nàng. Ở Từ Dụ Thái hậu, tác giả nói về những biến cố trong cuộc đời người đàn bà quyền lực của lịch sử.
Hay trong hai tiểu thuyết Vũ tịch và Hồ Dương, nhà văn trẻ Trường An đã khôi phục lại một giai đoạn lịch sử phức tạp từ nhà Tây Sơn đến thời Nguyễn Ánh, qua số phận của các nhân vật nữ.
Ngoài các tiểu thuyết lịch sử cho người lớn, nhiều cuốn hướng đến thiếu nhi được đón nhận như: Búp sen xanh (nhà văn Sơn Tùng), Sao Khuê lấp lánh (nhà văn Nguyễn Đức Hiền), Sừng rượu thề (nhà văn Nghiêm Đa Văn).
Theo Tiến sĩ Lê Thị Hường, có thể xem mỗi cuốn tiểu thuyết lịch sử là một cuộc đối thoại giữa hôm qua và hôm nay, là sự đan xen các mặt đối lập vốn có trong cuộc đời như thiện và ác, dục vọng và kìm nén, đam mê và cuồng bạo, hào nhoáng và phù du, chân thật và man trá: “Những khuôn mặt đời ấy hiện ra sinh động trên nền bức tranh sáng tối của các vương triều. Nhân vật lịch sử được nhìn từ cái nhìn phản tư, giải mờ”.
Giới chuyên môn kỳ vọng trong tinh thần dân chủ, bối cảnh hậu hiện đại, các tiểu thuyết gia đương đại có thể giải mã và đối thoại với lịch sử bằng quan điểm cá nhân. Không còn minh họa cho chính trị, không bị hối thúc bởi hoàn cảnh chiến tranh, các tiểu thuyết gia trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống” (theo quan điểm của Milan Kundera).
Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ năm do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học Trung ương, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức. Sự kiện nhằm cung cấp cái nhìn tổng quát, chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam qua 50 năm, xu thế sáng tác trong thời đại mới. Các diễn giả đóng góp 43 tham luận, xoay quanh các chủ đề liên quan tiểu thuyết, thơ ca, lý luận phê bình văn học.
Ngoài các thành tựu, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế của nền văn học hiện đại như: Thiếu tương xứng giữa lượng và chất, tác phẩm xuất bản nhiều hơn nhưng còn khiêm tốn về chất lượng, việc tiếp thu, ảnh hưởng văn học thế giới. Các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải pháp phát triển văn học như: Quan tâm, đầu tư vào những người cầm bút, tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, đẩy mạnh sự phát triển của lý luận, phê bình văn học vì lý luận, phê bình.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-viet-tieu-thuyet-lich-su-nhu-di-tren-day-4821556.html