Thời đi học, Chu Hùng có biệt danh Hùng Râu vì vẻ ngoài bặm trợn, nhưng ông thường bị trêu vì mau nước mắt.
Nghệ sĩ Chu Hùng qua đời ngày 7/2 ở tuổi 68, tại Hà Nội, sau thời gian dài bệnh nặng. Ngày giáp Tết, nghệ sĩ Minh Vượng – bạn học của ông ở khoa Kịch nói, Trường Nghệ thuật Hà Nội khóa 1974-1978 – ngậm ngùi nhớ kỷ niệm xưa. Chu Hùng thời đi học hay trêu chọc các bạn nhưng mau nước mắt.
“Ngày ở Văn Miếu, Hùng hay trèo vắt vẻo trên cây sung, ném quả xuống cho các bạn gái. Ngày ấy, mỗi lần tiêm chủng, bạn hay trốn kỹ, có tìm ra lại nước mắt ngắn nước mắt dài, cả lớp liền cười râu tóc vậy mà nhát. Cả lớp sẽ nhớ về bạn, người hay trêu chọc các bạn và cũng là người hay khóc nhất”, Minh Vượng hồi tưởng.
Nghệ sĩ Thu Hương – vợ nghệ sĩ Hồng Sơn – gửi lời tiễn biệt: “Vĩnh biệt anh, người anh, người bạn cùng khóa, người tinh nghịch nhất lớp kịch, chuyên gia trêu chọc bạn bè và các em trong lớp. Ở nơi xa lắm, anh không còn đau vì bệnh tật nữa”.
Với thế hệ đàn em, đàn cháu, ông luôn tình cảm, ân cần. Thanh Hương từng có thời gian cùng công tác với ông ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Cô nhớ ông là người nhẹ nhàng, lãng mạn, khác với ngoại hình bụi bặm và phóng khoáng. Sau khi nghỉ hưu, ông thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi han cô.
Nghệ sĩ trải qua hai đời vợ, vợ thứ hai của ông là nghệ sĩ Kim Thu. Ông có một con trai riêng và một con chung với bà. Vợ ông không theo nghề, chuyển sang buôn bán để chăm lo gia đình. Những lúc ở nhà, Chu Hùng thích nấu ăn cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa. Ông có sở thích thêu tranh chữ thập để rèn tính kiên trì. Ông từng thêu bức “bát mã” trong sáu tháng.
Trong công việc, ông cần mẫn, nghiêm túc với nghề. Có thời gian, ông ít xuất hiện trên truyền hình vì không tìm được phim ưng ý. Những lúc không diễn xuất, ông vẫn ở nhà xem kịch bản, đến các lớp võ thuật điện ảnh để trau dồi.
Nghệ sĩ Danh Thái, đóng chung tuyến phản diện với ông trong nhiều phim, nhớ nghệ sĩ cẩn thận, luôn tập luyện, bàn bạc kỹ với đạo diễn, đồng nghiệp trước khi quay. Năm 1999, khi cả hai bị ngã khi cùng quay cảnh hành động mạo hiểm trong phim Chuyên án trở lại trần gian, nghệ sĩ Chu Hùng không để ý bản thân mà lập tức hỏi han, chăm sóc đàn em.
Trong sự nghiệp, ông ghi dấu với hàng loạt vai phản diện có số phận trắc trở, điển hình là Bắc Đại Bàng (Nước mắt của mẹ) và Thế Chột (Người phán xử). Trong nhiều phân đoạn của Người phán xử, nghệ sĩ khắc họa nhân vật lạnh lùng, thâm trầm, đặc biệt là trong những cảnh đối đầu với Phan Quân (nghệ sĩ Hoàng Dũng đóng). Ở nước mắt của mẹ, ông khiến khán giả xúc động khi đóng gã giang hồ giết người không ghê tay nhưng hiếu thuận với mẹ già. Ngoài ra, nghệ sĩ còn ghi dấu với vai Quang (Bí mật tam giác vàng), Tám Râu (Đất và người).
Ở mạng điện ảnh, ông tham gia hai dự án lớn là Đông Dương (đạo diễn Pháp đạo diễn Régis Wargnier) và Mùa hè chiều thẳng đứng (Trần Anh Hùng). Đóng cùng ông trong cả hai phim, nghệ sĩ Như Quỳnh nhớ bạn diễn là người tận tụy, hết lòng với nghề.
Trong Đông Dương, tác phẩm thắng giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, Chu Hùng đóng vai chồng của Sao (Như Quỳnh), cố trốn khỏi trạm khai thác đá của thực dân Pháp để tìm kiếm tương lai. Hai nhân vật trải qua nhiều cảnh chạy trốn, leo đèo Hải Vân, chạy trên sườn núi dốc ở Quảng Ninh.
Với Mùa hè chiều thẳng đứng, Chu Hùng vào vai nhiếp ảnh gia Quốc – chồng Sương (Như Quỳnh), nhưng luôn nhung nhớ người phụ nữ khác và có con riêng. Cả hai chủ yếu diễn các cảnh tâm lý.
Nghệ sĩ Như Quỳnh nhận xét Chu Hùng diễn sâu, bằng nội tâm, gan ruột chứ không phải bằng ngoại hình. Ông thể hiện tâm trạng nhân vật qua từng ánh mắt, nét mặt. Theo bà, đa số nhân vật xã hội đen trên phim Việt bặm trợn, hung hăng nhưng nghệ sĩ Chu Hùng lại tạo dấu ấn riêng với phong cách lạnh lùng, ít lời, để lại dấu ấn với khán giả.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nghe-si-chu-hung-trong-ky-uc-nguoi-o-lai-4710215.html