Mạnh Quỳnh cho biết không gặp áp lực kinh tế cũng không phải lao vào guồng quay kiếm tiền nên có thể nghỉ hưu ba năm tới.
Từ tháng 8 đến nay, Mạnh Quỳnh liên tục đi về giữa Mỹ và Việt Nam để biểu diễn cũng như chuẩn bị ý tưởng ấp ủ cho liveshow đánh dấu chặng đường làm nghề. Dịp này, ca sĩ nói về cuộc sống và công việc ở tuổi 52.
– Thường về nước biểu diễn hàng năm, nhưng năm nay, tần suất trở về của anh dày hơn, vì sao vậy?
– Mỗi năm, tôi sắp xếp về Việt Nam đôi lần, chủ yếu xuất hiện ở các phòng trà, một số chương trình ca nhạc. Sau show vào tháng 8, tôi đã có kế hoạch ngừng về nước đến cuối năm để tập trung cho các công việc tại Mỹ. Nhiều nhà sản xuất mời làm giám khảo, chấm thi các show như Solo cùng Bolero, tôi phải từ chối do vướng lịch ở Mỹ.
Thế nhưng, tháng trước, nghe tin cơn bão số ba gây thiệt hại ở nhiều tỉnh phía Bắc, tôi và êkíp quyết định tiếp tục về làm hai đêm nhạc tại TP HCM và Hà Nội. Chúng tôi dùng tiền thu được làm kinh phí hoạt động từ thiện ở một số vùng tại Lào Cai, Yên Bái. Tôi đi cùng một số fan, bạn bè thân thiết. Chuyến đi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp.
Nhiều tổ chức, anh chị em nghệ sĩ đã làm những việc này rồi, tôi chỉ muốn góp một chút tấm lòng nhỏ san sẻ với mọi người. Khi xem những hình ảnh về thiên tai ở quê nhà, tôi sáng tác bài Lời nguyện cầu, gửi gắm ước mong bình an.
– Ở tuổi 52, anh theo đuổi mục tiêu gì trong nghề?
– Tôi tâm niệm khi không còn đủ sức hoặc hết duyên, có thể ngừng xuất hiện, nhưng một khi còn đứng trên sân khấu là không được xao lãng, phải đặt cái tâm vào từng câu hát. Tôi đề ra cho mình một cột mốc, đó là 55 tuổi sẽ nghỉ hưu. Vì thế tôi mong muốn có show kỷ niệm 30 năm ca hát thật hoành tráng vào năm sau.
Gần đây, ngoài dòng bolero sở trường, tôi hát thêm tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, được khán giả ủng hộ. Tôi cũng sáng tác một số bài nhạc trẻ, tạo thêm màu sắc mới.
Tôi không gặp áp lực kinh tế, chưa bao giờ lao vào guồng quay kiếm tiền. Ngoài ra, những năm qua, tôi tích lũy vừa đủ nên tương đối ổn định. Tôi xác định không để bản thân nghèo nhưng cũng không cần quá giàu. Ở Mỹ, ngoài thu nhập từ việc đi hát, tôi có một số khoản bảo hiểm để có thể an tâm lúc về già.
– Gần ba thập niên gắn với “kiếp cầm ca”, anh thấy mình được, mất điều gì?
– Tôi thấy được nhiều hơn mất. 21 tuổi, tôi sang Mỹ, vừa học vừa làm nghề điện tử. Khi ở Việt Nam, tôi đã học tiếng Anh vài năm nhưng ra nước ngoài thì không dùng được, phải ôn lại từ đầu. Thời gian ấy, tâm trạng rất nặng nề vì giao tiếp khó khăn, thiếu kết nối xã hội. Mùa đông, ở vùng mưa lạnh, tuyết rơi, tôi nhớ nhà vô cùng.
Tôi gửi đĩa hát đi nhiều hãng nhưng không ai nhận. Đến năm 1995, nhạc sĩ Lê Đức Cường phát hiện, giúp thu âm album đầu tay cùng chị Hương Lan. Nhờ nghề hát, tôi mới có sự yêu thương của khán giả, có nhiều sản phẩm âm nhạc. Đó là tài sản vô giá. Cái mất, có chăng là những khoảnh khắc bên gia đình, khi luôn đi xa, vắng nhà trong những khoảnh khắc sum vầy. 10 năm nay, tôi bù lại tiếc nuối đó bằng việc không nhận show vào Giáng sinh, năm mới.
– Giai đoạn nào anh cảm thấy khó khăn nhất trong nghề?
– Đó là sau khi Phi Nhung mất, tôi tổn thương vì bị đồn thổi nhiều điều không đáng, bị thêu dệt lợi dụng sự qua đời của bạn để quảng bá tên tuổi. Tôi từng mất ngủ vì thị phi, nhưng sau đó dần cải thiện.
Mẹ tụi nhỏ rất hiểu, thông cảm, thường xuyên an ủi chồng. Nhưng cô ấy không làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Vậy nên nhiều chuyện mình buộc phải tự vực dậy, tìm cách chữa lành bản thân. Những chuyện đã qua, tôi vẫn ghi nhớ, trân trọng. Nhưng người ở lại buộc phải tiếp tục sống. Bên Mỹ, mọi người sẽ dùng từ “move on” để nói về điều này. Ta không thể mãi dừng lại, chìm trong đau khổ.
– Những lúc không đi hát, một ngày của anh diễn ra thế nào?
– Tôi ở tiểu bang Washington, nơi rất ít người Việt sinh sống, nên không giao lưu nhiều với cộng đồng ca sĩ hải ngoại. Tôi gặp đồng nghiệp trong show, sân bay, trò chuyện vài câu rồi ai về nhà nấy.
Tôi sống lành mạnh, giản dị, dành nhiều thời gian chăm sóc cây cối, nhà cửa, lo cơm nước cho vợ con. Mỗi ngày, tôi đều tập hát trong phòng thu của gia đình. Ở tuổi 52, sức khỏe không còn được như thời thanh niên nên tôi chú trọng rèn luyện thể thao. Tôi không uống rượu, hút thuốc, ăn uống khoa học.
– Anh còn mong muốn điều gì trong cuộc sống?
– Tôi tự nhận mình là người cha tốt, luôn đặt con cái lên hàng đầu, chỉ mong nuôi dạy con thành người. Cậu lớn vừa vào đại học, theo ngành thương mại. Con út mới vào lớp 10. May mắn là hai con đều chăm chỉ, ngoan ngoãn, biết yêu thương và nghe lời bố mẹ. Các con chủ yếu chia sẻ với bố mẹ về công việc học hành, chưa thấy có dấu hiệu yêu đương (cười).
Lúc nhỏ, các con học piano nhưng đến hết cấp hai, hai cậu không còn đam mê nữa. Con sinh ra ở Mỹ, không rành tiếng Việt nên cũng ít đi nghe bố hát. Cả gia đình vẫn giữ một số nếp truyền thống ở Việt Nam, nhất là vào ngày Tết cổ truyền.
Mạnh Quỳnh tên thật Nguyễn Thanh Dũng, 52 tuổi, được khán giả yêu mến với chất giọng trữ tình, qua các ca khúc Vòng nhẫn cưới, Người phu kéo mo cau (Vinh Sử), Tình nghèo có nhau (Đài Phương Trang). Anh và Phi Nhung từng là cặp song ca ăn ý qua các ca khúc Nối lại tình xưa (Ngân Giang), Em về miệt thứ (Hà Phương), Kiếp cầm ca (Huỳnh Anh). Năm 2016, ca sĩ từng có chương trình kỷ niệm 20 năm tiếng hát Mạnh Quỳnh ở Nhà hát Hòa Bình (TP HCM).
Anh kết hôn với bà xã Cẩm Diệu, làm trong lĩnh vực tài chính, năm 2004. Những năm gần đây, Mạnh Quỳnh về nước làm giám khảo nhiều cuộc thi hát nhạc trữ tình.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/manh-quynh-toi-muon-nghi-hat-o-tuoi-55-4809596.html