Kiều Phong đại chiến quần hùng ở Tụ Huyền Trang được chọn là một trong cảnh bi tráng nhất trong truyện Kim Dung.
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh tiểu thuyết gia Kim Dung, nhiều khán giả tưởng nhớ nhà văn, đánh giá cao trí tưởng tượng, cách xây dựng hình tượng nhân vật trong tác phẩm của ông. Trang Sohu nhận xét trong 15 bộ tiểu thuyết, tác gia Trung Quốc khắc họa nhiều trường đoạn võ thuật đặc sắc. Dưới đây là những màn tỉ thí được fan kiếm hiệp thảo luận nhiều đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong các phim chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung.
Kiều Phong đại chiến ở Tụ Hiền Trang
Trong Thiên Long Bát Bộ, Tụ Hiền Trang là địa danh thuộc sở hữu của huynh đệ Du Ký và Du Câu, biệt hiệu Du Thị Song Hùng. Võ công của hai anh em không phải thuộc hàng đỉnh cao song Tụ Hiền Trang là nơi có danh tiếng ở võ lâm. Hai anh em hiếu khách, kết giao với nhiều kiếm khách.
Tại đại hội võ lâm diễn ra ở Tụ Hiền Trang, cao thủ của các môn phái bàn kế hoạch đối phó Kiều Phong – người bị cho gây ra cái chết của nhiều nhân sĩ. Dù biết nguy hiểm, Kiều Phong đến để tìm cách cứu A Châu. Chàng sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng, đơn độc chống quần hùng, suýt chết dưới đao kiếm của đối phương.
Nhiều khán giả cho rằng Tụ Hiền Trang là trận hoành tráng nhất trong cuộc đời Kiều Phong, cũng là trận hấp dẫn bậc nhất ở Thiên Long Bát Bộ. Trường đoạn lột tả sự cô độc của Kiều Phong khi bị cả giới giang hồ quay lưng, sự giãy giụa trong đấu tranh tâm lý của Kiều Phong khi phải ra tay với các cao thủ.
Đại chiến ở Cung Trùng Dương
Theo Sohu, trận Tiểu Long Nữ và Dương Quá (Thần điêu đại hiệp) quyết chiến với Kim Luân Pháp Vương, Đạt Nhĩ Ba, Hoắc Đô ở Cung Trùng Dương đậm chất bi hùng. Cả hai trọng thương, trúng kịch độc, cận kề cửa tử. Khi không tìm thấy hy vọng nào, họ nỗ lực bù đắp tiếc nuối trong quá khứ, quyết định thành hôn. Yếu tố bi và hỷ đối chọi khiến trường đoạn gây ấn tượng mạnh với khán giả.
Lệnh Hồ Xung đấu dâm tặc Điền Bá Quang
Ở tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung đối phó với Điền Bá Quang để cứu ni cô Nghi Lâm. Lúc đó, võ công của Lệnh Hồ Xung còn thua kém Điền Bá Quang, bị trúng 13 nhát dao, máu chảy đầm đìa.
Trong tình huống này, chàng phải dùng mưu mẹo mới có thể vượt mặt người giỏi võ hơn. Tình tiết nêu bật khí khái của Lệnh Hồ Xung khi bị đặt vào tình thế khó khăn đồng thời cho thấy “phần người” ở Điền Bá Quang, khi hắn làm đúng giao ước với Lệnh Hồ Xung, phải gọi Nghi Lâm là sư phụ khi thua cuộc.
Trên CCTV, nhà văn Kim Dung từng lý giải khi sáng tác truyện võ hiệp, “võ” chỉ là phần nổi bên ngoài, tinh thần của truyện nằm ở “hiệp”. “Hiệp” nghĩa là quên đi lợi ích của bản thân để giúp đỡ người khác, làm việc chính nghĩa. Tinh thần này tồn tại mãi mãi trong đời sống. Chỉ cần con người còn giao tiếp, chung sống với nhau, sự hiệp nghĩa còn tồn tại. Võ công chỉ là một phương thức để thể hiện chất hiệp nghĩa của tiểu thuyết.
Cứu Nhậm Doanh Doanh ở Thiếu Lâm Tự
Ở trận đấu với Điền Bá Quang, Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ) chỉ là chàng trai tầm thường trong võ lâm. Đến trận ở Thiếu Lâm Tự, chàng đã trở thành cao thủ thượng thừa, tới Thiếu Lâm Tự giải cứu người yêu – Nhậm Doanh Doanh. Đây là trận tỉ thí của các kỳ phùng địch thủ, gồm phương trượng Thiếu Lâm, chưởng môn Võ Đang, giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo, minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái, Lệnh Hồ Xung và Nhạc Bất Quần.
Trận đánh tạo sức hút nhờ cách miêu tả võ công, mưu kế của Kim Dung, khiến khán giả tò mò rốt cục ai tài ba hơn ai. Theo truyện, đại sư Phương Chứng cao tay hơn Nhậm Ngã Hành còn Nhậm Ngã Hành lợi hại hơn Tả Lãnh Thiền. Nhưng Nhậm Ngã Hành biết lợi dụng điểm yếu tính cách của Phương Chính nên thắng một trận. Còn Tả Lãnh Thiền thắng Nhậm Ngã Hành nhờ đấu kế.
Đại chiến ở Đỉnh Quang Minh
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Đỉnh Quang Minh là nơi trú ngụ của đệ tử Minh Giáo. Sáu chính phái gồm Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Lôn, Hoa Sơn, Nga Mi và Không Động đều coi Minh Giáo là ma giáo. Lục đại môn phái thống nhất hợp lực tấn công Đỉnh Quang Minh, khiến hàng loạt người mất mạng.
Trương Vô Kỵ ra mặt đàm phán, kêu gọi các bên ngừng đánh để giải quyết mâu thuẫn nhưng bất thành. Chàng đành xuất chiêu Cửu Dương Thần Công, Càn Khôn Đại Na Di để chống lại cao thủ của Lục đại môn phái. Trong lúc sơ ý, Trương Vô Kỵ bị cô nương Chu Chỉ Nhược của phái Nga Mi đâm trọng thương bằng kiếm Ỷ Thiên.
Theo Mtime, trận đấu lột tả lòng tham, lựa chọn của con người trước danh lợi. Nhiều âm mưu, mục đích “bất quang minh” ẩn náu trên Đỉnh Quang Minh.
Như Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/loat-tran-ti-thi-du-doi-trong-truyen-kim-dung-4724028.html