TP HCMNhiều tác giả cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là xu hướng dễ ứng dụng, nhưng sáng tạo của nghệ sĩ mới chạm trái tim khán giả.
Cục Bản quyền Tác giả phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), tối 20/4. Trong sự kiện, một số nhạc sĩ chia sẻ về khó khăn trước tình trạng xâm hại và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Nhạc sĩ Hoài An – khách mời chương trình – cho biết sự phát triển của AI kéo theo những bước phát triển mới trong âm nhạc, một người không biết về nhạc lý cũng có thể tạo ra một bài hát hoàn chỉnh nhờ prompt (đoạn văn bản hoặc câu lệnh được nhập vào hệ thống để kích hoạt và hướng dẫn AI thực hiện hành động hoặc tạo ra phản hồi cụ thể). Tuy nhiên, theo ông An, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo chỉ mang mục đích giải trí đối với những người muốn trải nghiệm hoặc không theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp. Còn khi đã là nghệ sĩ, họ phải đầu tư chất xám lẫn thời gian để viết nên ca khúc.
Nhạc sĩ nói: “Lĩnh vực âm nhạc và công nghệ song hành nhau. Các nhạc sĩ có thể tìm đến AI như công cụ cung cấp ý tưởng, từ đó có thể phát triển thêm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ việc sử dụng hoàn toàn AI để sáng tạo một bài hát chỉ mang tính chạy theo xu hướng. Khi khán giả nghe vài lần, họ sẽ cảm thấy nhàm chán”.
Nhu cầu sử dụng AI của con người trở nên phổ biến trong thời đại công nghệ. Khi làm giám khảo một số cuộc thi sáng tác bài hát trong nước, ông An nhận thấy khoảng 5-10% bài dự thi có sử dụng AI. Là nghệ sĩ theo nghề nhiều năm, ông dễ nhận thấy vì các quãng nhạc, ca từ luyến láy không theo thanh điệu tiếng Việt mà mang phong cách Âu Mỹ. Khi gặp những trường hợp như trên, hội đồng nghệ thuật sẽ thảo luận, phân tích để xét duyệt bài hát.
Cảm xúc là điều quan trọng làm nên thành công của tác phẩm, điều mà các ca khúc do AI sáng tác không thể thay thế. Âm nhạc là hình thức thể hiện góc nhìn, trải nghiệm của nghệ sĩ. Dù trí tuệ nhân tạo có thể mô phỏng cấu trúc, cách hòa âm, giai điệu, nó vẫn thiếu đi mặt cảm xúc, không thể truyền tải tâm tư, trăn trở mà nhạc sĩ muốn gửi gắm. “Khi lên sân khấu, ca sĩ không thể biểu diễn với AI mà cần có dàn nhạc, kỹ năng thanh nhạc. Dù công nghệ có tiên tiến, yếu tố con người là điều quan trọng để bạn tỏa sáng trên sân khấu”, ông An cho biết.
Nhạc sĩ Hoài An (trái) và Đức Trí thảo luận về chủ đề sở hữu trí tuệ trong sự kiện của Cục Bản quyền Tác giả, tối 20/4. Ảnh: Cường Tạ
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng – Cục trưởng Bản quyền Tác giả – nhận định nền công nghiệp âm nhạc đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh công nghệ cao, nhất là sự trỗi dậy của AI trong sáng tạo nội dung. Bên cạnh những cơ hội tiềm năng, AI cũng đặt ra những vấn đề về bản quyền, quyền tác giả và sự cạnh tranh không cân bằng giữa sản phẩm do con người sáng tạo và do AI tạo ra. Việc bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất trong kỷ nguyên số là bài toán cấp thiết, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Ngoài bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo, Cục Bản quyền tác giả kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực âm nhạc. Sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế toàn diện, kinh tế sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới. Tại TP HCM – nơi tổ chức chương trình, nghệ thuật là ngành công nghiệp văn hóa trọng yếu, các ban ngành hướng đến mục tiêu được công nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO.
Luật sư Phan Vũ Tuấn nói về nỗ lực của cơ quan nhà nước với các hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc
Luật sư Phan Vũ Tuấn nói về nỗ lực của Cục Bản quyền Tác giả để hạn chế các hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc. Video: Quế Chi
Chương trình kỷ niệm Ngày Sở hữu Trí tuệ thế giới 26/4, nhằm khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Năm nay, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mong muốn tôn vinh những đóng góp thay đổi tích cực cho xã hội, truyền cảm hứng thông qua âm nhạc.
Theo số liệu thống kê của WIPO về quy mô và tác động kinh tế của ngành công nghiệp sáng tạo (CCls) trên toàn cầu, lĩnh vực tạo ra khoảng 2,25 nghìn tỷ USD mỗi năm, sử dụng hơn 30 triệu lao động. Năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo đạt 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 29% so với năm 2017. Thu nhập của các nhà sáng tạo nội dung tăng 7,6% vào năm 2023.
Nhạc sĩ Hoài An tên đầy đủ là Võ Đại Hoài An, 48 tuổi. Ông sáng tác hơn 500 ca khúc, có nhiều bản hit thập niên 1990-2000 như Tình thơ, Nếu phôi pha ngày mai, Tình khúc vàng, Nếu mai rời xa. Hoài An còn làm giám đốc âm nhạc cho các game show Gương mặt thân quen, Vietnam Idol Kids, Ca sĩ giấu mặt, Mặt nạ ngôi sao.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dung-ai-viet-nhac-chi-la-chay-theo-xu-huong-4876562.html