Khi giao tiếp, mỗi người nên tối ưu thông điệp truyền tải vì não bộ có thể khó tiếp nhận thông tin phức tạp, theo “Đơn giản mà nói”.
Tác giả sách – ông Ben Guttmann, người Mỹ – là doanh nhân, nhà giáo dục, từng điều hành công ty tư vấn Digital Natives Group trong 10 năm. Hiện ông là giảng viên khoa Marketing tại Đại học Baruch, trực thuộc Đại học Thành phố New York. Nhiều bài viết của ông được đăng trên New York Times, Wall Street Journal, Publisher Weekly.
Suốt sự nghiệp, tác giả nhận thấy những người giỏi giao tiếp đều cấu trúc thông điệp của họ theo cách đơn giản. Tuy nhiên, vấn đề là bộ não con người thường có xu hướng phức tạp hóa mọi thứ. Để hiểu thêm về điều này, Ben Guttmann biên soạn cuốn sách Đơn giản mà nói (Simply Put) giới thiệu năm nguyên tắc gợi ý cách giúp bạn đọc tạo ra thông điệp súc tích khi giao tiếp.
Con người thường có xu hướng mất kiên nhẫn vì phải lắng nghe một bài thuyết trình dài dòng, hoặc chán nản khi xem quảng cáo nhiều chữ mà không thể hiểu nhà cung cấp muốn nói gì. Theo ước tính của Guttmann, con người tiếp nhận 11 triệu bit (đơn vị thông tin của máy tính) mỗi giây thông qua các giác quan, nhưng phần não bộ có ý thức chỉ có khả năng xử lý khoảng 0,0004% trong số đó. Chúng ta chỉ để ý đến những thông tin gắn liền với mục tiêu, đồng thời vô thức lọc bỏ những thứ không quan trọng.
Tác giả viết: “Chúng ta cứ nghĩ loài người rất thông minh, nhưng rốt cuộc chúng ta lại không nhận thức được phần lớn thế giới xung quanh, không nhớ được phần lớn những cái mình có thể nhận thức, thậm chí không biết những thứ chúng ta cho là mình biết”.
Ben Guttmann đưa nhiều bằng chứng từ nhiều lĩnh vực để cho thấy con người bẩm sinh đã có khuynh hướng thiên về những thứ dễ nhận biết và dễ xử lý. Khả năng chú ý của con người có giới hạn nên họ thường không thể nhớ những thứ phức tạp, thậm chí khiến não bộ kém tập trung. Không chỉ vậy, những thiên kiến có thể tác động đến quá trình truyền tải và tiếp nhận. Lúc này, một thông điệp đơn giản sẽ nổi bật vì chúng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ phản ứng. Khi tiếp xúc với một thông điệp hoặc khái niệm dễ tiếp thu, chúng ta có xu hướng nghĩ là nó đúng, từ đó tin tưởng và lựa chọn nó.
Điển hình, thông điệp “1.000 bài hát trong túi của bạn” (1.000 Songs in Your Pocket) giúp Apple cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc với iPod. Chiến dịch “Cứ làm đi” (Just Do It) của Nike, giúp truyền động lực vận động thể thao cho khách hàng.
Ở phần hai của sách, Ben Guttmann tập trung vào năm nguyên tắc giúp độc giả tạo ra thông điệp đơn giản, gồm: Hữu ích, tập trung, nổi bật, đồng cảm và tối giản. Ông đưa ra nhiều hướng dẫn, lời khuyên để áp dụng chúng vào thực tế: Tập trung vào lợi ích thay vì đặc tính sản phẩm; sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, giàu hình ảnh; luyện tập cách loại bỏ thông tin không cần thiết.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa dữ liệu cũng là nội dung được tác giả quan tâm. Quá nhiều dữ liệu sẽ khiến chúng ta bối rối và không biết thông tin nào mới là cốt lõi. Do đó, Guttmann gợi ý về cách trình bày, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện nội dung cốt lõi.
Việc đơn giản hóa không chỉ là chiến lược giao tiếp mà còn là “kỹ năng sống còn” của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng tạo ra một thông điệp sâu sắc đòi hỏi sự tinh tế, nỗ lực và thấu hiểu tâm lý người nhận. Tác giả khuyến khích mỗi người nên rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong mọi khía cạnh của cuộc sống, như trả lời email, chia sẻ ý tưởng trong cuộc họp hay thuyết phục khách hàng.
Tác giả viết: “Nền tảng của việc giao tiếp hiệu quả là những hiểu biết chung, là mặt bằng chung về ngôn ngữ, giá trị và trải nghiệm giữa người truyền tải và người nhận. Chỉ khi thật lòng đồng cảm với người nhận thông điệp, chúng ta mới có thể thật sự kết nối với họ”.
Theo trang The Unmistakable Creative, Đơn giản mà nói là cuốn sách cần thiết cho những ai muốn nâng cao kỹ năng giao tiếp. Jessalin Lam, đồng tác giả của cuốn The Visibility Mindset, nhận xét: “Simply Put cần thiết cho các nhà lãnh đạo học cách trở thành người giao tiếp hiệu quả”.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/don-gian-ma-noi-bi-quyet-giao-tiep-4834361.html