Ngôi nhà 105 tuổi của “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy trở thành bối cảnh chính trong phim lấy cảm hứng từ cuộc đời nhân vật.
Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết ban đầu, êkíp dự tính dựng cảnh biệt thự gia đình nhân vật chính tại Đồng Nai. Tuy nhiên, trước khi bấm máy, bối cảnh được xếp vào khu vực quy hoạch đô thị, không thể quay. Sau đó, anh được đại diện gia đình “công tử Bạc Liêu” cho phép ghi hình tại nhà ông ở đường Điện Biên Phủ, TP Bạc Liêu. Địa điểm diễn ra nhiều phân đoạn quan trọng trong phim, như cảnh gia đình Hội đồng Lịnh (nghệ sĩ Thành Lộc đóng) tâm sự, cao trào mâu thuẫn giữa cha con Ba Hơn (Song Luân).
Để phù hợp đường dây kịch bản, êkíp bố trí lại không gian, nội thất dinh thự, khắc họa lối sống thượng lưu của miền Tây đầu thế kỷ 20. Đoàn phim chịu áp lực do ngôi nhà trưng bày nhiều đồ cổ đắt đỏ, hầu hết được sắp xếp cố định suốt hơn 100 năm qua. Họ đặt tiêu chí phải giữ được giá trị mỹ thuật lẫn lịch sử của di tích. Giám đốc sáng tạo Thủy Nguyễn cân nhắc từng món phụ kiện về tính thẩm mỹ, đảm bảo tinh thần “tân cổ giao duyên” của giai đoạn giao thoa Việt – Pháp.
Thành Lộc cho biết việc quay phim ở nhà “công tử Bạc Liêu” là trải nghiệm khó quên của anh. Trong phân đoạn Ba Hơn muốn hợp tác với đối thủ của cha để kinh doanh ngân hàng, ông Hội đồng Lịnh nổi giận, đập chén xuống bàn ăn, hất ngã ghế. “Cảnh này được tôi ứng biến, không có trong kịch bản. Khi ghế ngã, tôi sợ toát mồ hôi, nghĩ thầm chắc phải đền cho người ta. May mắn, đồ đạc trong nhà không bị tổn hại gì”, anh nói.
Nhà “công tử Bạc Liêu” (tên thật là Trần Trinh Huy) mang kiến trúc phương Tây, được kỹ sư Pháp xây dựng từ năm 1917, hoàn thành năm 1919. Dinh thự trưng bày nhiều kỷ vật gắn liền “Hắc công tử”, như ôtô được ông Trần Trinh Trạch – cha ông – mua năm 1930 để đón con trai du học từ Pháp về, máy nghe nhạc, điện thoại bàn. Công trình đến nay được bảo tồn khá nguyên vẹn, là điểm đến hấp dẫn ở địa phương.
Phim xoay quanh nhân vật Ba Hơn – thiếu gia từ Pháp trở về nhà sau thời gian du học. Anh tiếp thu nhiều kiến thức, được cấp loạt chứng nhận như kỹ năng lái máy bay, đấm bốc. Tuy nhiên, tư tưởng “Tây học” của anh xung đột với quan điểm truyền thống của cha. Ông kỳ vọng Ba Hơn tiếp quản ngân hàng của cha, song anh chỉ xem nơi đây là công cụ kiếm tiền mua chiếc máy bay anh ao ước. Cao trào là khi Ba Hơn gặp một sự cố, đẩy sản nghiệp của gia tộc đến bờ vực đóng cửa.
Tác phẩm phát huy điểm mạnh ở phần hình ảnh, tuy nhiên kịch bản kém cao trào. Chuyện tình giữa Ba Hơn và mỹ nhân Bảy Loan còn hời hợt, chỉ được thể hiện qua vài phân cảnh đối đáp. Cách đạo diễn giải quyết khúc mắc của các nhân vật còn qua loa, chủ yếu để truyền tải thông điệp về tình cha con. Sau hai tuần ra rạp, phim đạt 35 tỷ đồng, theo Box Office Việt Nam, được đánh giá khó thu hồi vốn.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dinh-thu-105-tuoi-len-phim-cong-tu-bac-lieu-4830744.html