Hà NộiTrần Đình Hiến – người chuyển ngữ thành công nhiều sách của Mạc Ngôn như ”Đàn hương hình”, ”Báu vật của đời” – qua đời ở tuổi 92.
Ông qua đời vì bệnh tuổi già. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra hôm 20/2.
Dịch giả là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc, từng hoạt động ngoại giao ở đất nước này nên có nền tảng vững chắc khi bắt đầu công việc dịch thuật. Với vốn hiểu biết lớn, ông thường tham gia các buổi nói chuyện, giúp giới văn chương Việt Nam nắm bắt sâu hơn về văn học Trung Quốc.
Sinh thời, ông từng nói: “Tôi thích quan điểm sáng tác của Mạc Ngôn: văn học là nơi để nhà văn bộc lộ mình một cách trung thực nhất và phản ánh chính xác nhất thời đại”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: ”Ông có nghệ thuật dịch tốt, thể hiện qua cách chọn tác giả, tác phẩm và chuyển ngữ làm sao để gây tác động đến bạn đọc Việt”.
Nhà thơ Nguyễn Trung Sơn – hội viên Hội Nhà văn Hà Nội – nhận định Trần Đình Hiến là một dịch giả giỏi, có kiến thức uyên thâm ở các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn học. “Nhờ ông, bạn đọc trong nước có dịp tiếp cận những tác phẩm nổi tiếng của Mạc Ngôn”, tác giả nói. Có dịp đi công tác cùng cố dịch giả cách đây vài năm, nhà thơ Nguyễn Trung Sơn nhận thấy ông là người hiền lành, cởi mở, dễ gần.
Ông Trần Đình Hiến tại buổi sinh hoạt chuyên đề đầu tiên của Hội nhà văn Hà Nội năm 2013. Ảnh: Đạt Ma
Dịch giả Trần Đình Hiến sinh năm 1933, quê ở Đình Chu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Năm 1964-1966, ông học nghiên cứu sinh Hán ngữ Cổ đại ở Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, Trung Quốc. Giai đoạn 1967-1983, dịch giả công tác trong Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Thời trẻ, ông dịch hơn 30 đầu sách nhưng chỉ được biết đến khi chuyển ngữ cuốn Đàn hương hình của Mạc Ngôn – nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel Văn học năm 2012.
Sinh thời, ông Trần Đình Hiến coi việc dịch thuật không vất vả, xem đây là cách giải trí và rèn luyện trí tuệ. Song để chuyển ngữ được ý tứ của các tác giả Mạc Ngôn, Lão Xá, ông phải nắm bắt sâu về văn hóa Trung Quốc. Ông dịch thành công nhiều sáng tác của Mạc Ngôn như Báu vật của đời, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, 41 truyện tầm phào. Ngoài ra, ông chuyển ngữ sách của các tác giả nổi tiếng khác như Cây không gió (Lý Nhuệ), Tôtem Sói (Khương Nhung).
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dich-gia-tran-dinh-hien-qua-doi-4853043.html