Hà NộiĐạo diễn Nguyễn Hữu Phần của phim “Ma làng” qua đời ở tuổi 77 vì bệnh ung thư, sáng 22/5.
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết được người nhà ông và học trò báo tin. Lần gần nhất bà gặp ông là một tháng trước, tại nhà của đạo diễn trên phố Hàng Đào. Khi ấy, ông sức khỏe yếu nhưng vẫn trò chuyện bình thường. Hai người động viên nhau cố gắng giữ gìn sức khỏe.
Theo bà Trịnh Thanh Nhã, Nguyễn Hữu Phần là một trong những đạo diễn thành danh, cùng lứa Vũ Châu, Khải Hưng. “Ông thành công cả ở mảng điện ảnh và truyền hình. Dù là trai phố cổ Hà Nội, ông có hiểu biết sâu sắc về nông thôn, sáng tạo nhiều thước phim sinh động về đề tài này”, bà Thanh Nhã nói.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, ông trở thành giáo viên dạy văn nhưng bắt đầu yêu thích công việc làm phim. Năm 1979, ông cùng Khải Hưng, Đỗ Minh Tuấn, Vũ Châu trở thành sinh viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh.
Ông bỏ nghề giáo, về xưởng phim hưởng lương của người lao động không bằng cấp. Sau một thời gian, ông được giao làm thư ký đạo diễn, rồi phó đạo diễn và được cử đi học lớp đạo diễn khóa một của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh.
Thập niên 1980, ông là phó đạo diễn cho các phim Biệt động Sài Gòn, Sơn ca trong thành phố. Đến năm 1990, ông làm bộ phim truyện nhựa đầu tiên Chiếc bình tiền kiếp, và sau đó là Em còn nhớ hay em đã quên, Giọt lệ Hạ Long. Cuối năm 1995, đạo diễn Khải Hưng lập ra chương trình Văn nghệ chủ nhật, ông được mời cộng tác làm phim Lẽ nào em đã quên. Hai năm sau, khi Hãng phim truyền hình Việt Nam chính thức thành lập, ông mới được vào biên chế của hãng.
Nguyễn Hữu Phần nổi tiếng qua các phim Đất và người (kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường), Ma làng, Gió làng Kình. Trong phim của ông, các mâu thuẫn gia đình, dòng họ, làng xóm, được khắc họa tinh tế. Những năm 2000, các phim của ông được nhiều khán giả yêu thích, góp phần mang đến cái nhìn mới về nông thôn thời hiện đại. Ông tạo ra nhiều nhân vật điển hình, được khán giả nhớ đến như Chu Văn Quềnh (Hán Văn Tình đóng, phim Đất và người), ông Tòng (Bùi Bài Bình đóng, phim Ma làng).
Các nhân vật của ông được khắc họa với cả mặt tốt và mặt xấu. Ông từng cho biết khi phim vẫn còn trong thời gian hậu kỳ, nhiều người hỏi ông có lo tác phẩm không được duyệt không, vì có lồng ghép yếu tố chính trị. Ông nói: “Lâu nay, người ta quen nhìn nhân vật trên phim là đại diện cho một lực lượng nào đó. Vì thế, khi đề cập đến ông Bí thư Đảng ủy xã hay Chủ tịch xã, họ cho rằng đấy là sự đả kích mâu thuẫn trong chính quyền. Chúng ta phải hiểu rằng, trong xã hội cũng có những kẻ lợi dụng quyền lực vì mục đích cá nhân và chúng ta cần đánh vào những nhân vật ấy”.
Thời làm phó đạo diễn của bộ phim điện ảnh Tội lỗi cuối cùng khoảng năm 1980 ông quen biết Trịnh Công Sơn. Sau lần đó, ông tìm gặp lại Trịnh Công Sơn, ngỏ ý sản xuất phim dựa trên cuộc đời nhạc sĩ. Năm 1990, ông nộp kịch bản nhưng bị Hãng Phim truyện Việt Nam từ chối. Hai năm sau, ông cùng một số người bạn tự sản xuất phim Em còn nhớ hay em đã quên, giành bốn giải Bông Sen Bạc.
Năm 1994, ông về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, thực hiện nhiều phim như Những mảnh đời của Huệ, Đất và người (kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường), Ma làng, Gió làng Kình. Trong phim của ông, các mâu thuẫn gia đình, dòng họ, làng xóm, được khắc họa tinh tế. Ông tạo ra nhiều nhân vật điển hình, được khán giả nhớ đến như Chu Văn Quềnh (Hán Văn Tình đóng, phim Đất và người), ông Tòng (Bùi Bài Bình đóng, phim Ma làng).
Sau khi nghỉ hưu, ông và đồng nghiệp từng thành lập công ty giải trí, sản xuất game show. Ngoài làm đạo diễn, ông còn là giảng viên Đại học Sân khấu – Điện ảnh, từng ở trong Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dao-dien-ma-lang-qua-doi-4749266.html