Chuyên gia cho rằng nên duy trì đọc sách thường xuyên, như tập thể dục, để rèn luyện khả năng tập trung, giữ não bộ minh mẫn.
Dịp đầu năm, tạp chí điện tử Slate có bài viết về việc đọc sách của nhà nghiên cứu Abdullah Shihipar – thạc sĩ ngành sức khỏe cộng đồng của đại học Brown, Mỹ. Anh từng hợp tác nhiều hãng báo uy tín như New York Times, Washington Post, The Nation, The Atlantic và CNN; xuất hiện trên các kênh truyền hình lớn để thảo luận các vấn đề xã hội.
Dưới đây là quan điểm của Abdullah Shihipar về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sức khỏe con người, cũng như cách anh chia thời gian duy trì thói quen:
“Tôi biết mình nên dành nhiều thời gian đọc sách hơn. Giờ đây, kệ sách toàn những cuốn tôi chưa từng mở ra. Thi thoảng, tôi đến thư viện và mang về một chồng tác phẩm với tâm thế đầy tham vọng nhưng chỉ vài tuần sau, tôi trả lại tất cả mà chưa hề giở trang nào. Từ rất lâu, tôi muốn có thêm thì giờ đọc sách. Nhưng mỗi ngày trôi qua, bản thân ưu tiên lắm chuyện khác như công việc, mạng xã hội. Trước khi nhớ ra, tôi đã lên giường đi ngủ và không đọc bất kỳ quyển hay bài báo dài nào.
Nhiều năm qua, ngày càng ít người Mỹ nói rằng họ đọc sách vì sở thích. Theo nghiên cứu của World Economic Forum năm 2022, dân Mỹ dành khoảng 23 phút mỗi ngày để đọc vào năm 2004, nhưng con số này giảm còn 16 phút năm 2019. Chính phủ liên bang cho biết có 54,6% dân số đọc ít nhất một quyển sách vào năm 2011 và tỷ lệ này còn 48,5% trong năm 2022. Sự sụt giảm thời gian kéo theo những báo động của các nhà giáo dục từ bậc tiểu học đến đại học, vì họ phát hiện học sinh gặp khó khăn với kỹ năng đọc hiểu cơ bản. Điều này càng làm trầm trọng thêm vấn đề biết chữ ở Mỹ, khi ít nhất 130 triệu dân có trình độ đọc dưới mức lớp sáu (thường từ 11 đến 12 tuổi).
Chân dung tác giả Abdullah Shihipar. Ảnh: Nick Dentamaro
Đọc sách hay không có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống mỗi cá nhân hoặc toàn xã hội. Chẳng hạn, nghiên cứu về người cao tuổi của tổ chức RTI International năm 2006 cho biết những người duy trì thói quen đọc (từ một đến năm quyển trong ba tháng) hiểu các chương trình bảo hiểm người từ 65 tuổi trở lên tại Mỹ – Medicare – tốt hơn, cũng như trang bị kỹ kiến thức cần thiết để tận dụng. Mối liên hệ này vẫn còn tồn tại sau khi tính đến trình độ học vấn mỗi người. Một số báo cáo khác chỉ ra việc đọc giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức, tăng cường trí nhớ ở người già. Ở trẻ em, đọc sách giúp các em có nhận thức tốt, sức khỏe tinh thần ổn định giai đoạn vị thành niên.
Nhìn chung, hoạt động này liên quan mức độ sống thọ của con người. Năm 2016, một dự án học thuật của đại học Yale (Mỹ) chỉ ra người hay đọc có tỷ lệ tử vong thấp hơn 20% so với người không đọc. ‘Lợi ích sống còn’ sẽ hiệu quả hơn nếu đọc sách, thay vì tạp chí hay báo. Nghiên cứu cũng xem xét nhiều yếu tố khác gồm sắc tộc, tuổi tác, trình độ học vấn, bệnh đi kèm và thu nhập cá nhân; cũng như một số thói quen lành mạnh như chạy bộ, thiền định, ăn rau củ. Đọc sách không phải thần dược, nhưng chúng rõ ràng có ích.
Trên thực tế, chúng ta có thể xem đây không chỉ hoạt động giải trí, còn là bài tập trí óc. Tương tự tập luyện cơ bắp, não bộ cũng cần được thử thách thường xuyên, rèn luyện sự tập trung. Không phải lúc nào chúng ta cũng muốn vận động – đôi khi không có thời gian – nhưng nhiều người có thể thúc đẩy bản thân luyện tập vì hiểu điều đó tốt cho sức khỏe và tinh thần. Chúng ta biết ngay cả những buổi tập cardio ngắn hay nâng tạ đều mang lại lợi ích lâu dài, nếu được duy trì.
Thói quen đọc sách có thể cải thiện chất lượng sống, trau dồi sự minh mẫn và trí nhớ của con người. Ảnh: Pexels/ Cottonbro Studio
Tôi quyết định áp dụng khuôn khổ tập luyện trong một tuần. Tôi đặt mục tiêu đọc sách 30 phút hàng ngày, chia thành hai đợt 15 phút mỗi sáng và tối. Bản thân có thể đọc lâu hơn nếu muốn nhưng phải đảm bảo tối thiểu thời gian đó. Ngoài ra, tôi chọn đọc sách giấy để tránh xao nhãng. Maryanne Wolf – nhà thần kinh học tại đại học California kiêm tác giả quyển Reader, Come Home: The Reading Brain in a Digital World, cho rằng công nghệ tác động khả năng xử lý thông tin chậm rãi, sâu sắc. Theo bà, việc đọc trên mạng hiện nay chủ yếu là lướt xem thay vì thực sự đọc. Thói quen đó khiến con người mất dần thứ bà gọi là ‘sự kiên nhẫn nhận thức’: Khả năng đọc tập trung và chuyên sâu. Ngoài việc tìm niềm vui đọc sách, tôi muốn rèn luyện kỹ năng kiên trì về mặt nhận thức.
Có nhiều điều tôi chú ý trong một tuần ‘tập thể dục’. Trước hết, phương pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc vượt qua giai đoạn khó khăn khi bắt đầu tiếp cận một quyển sách mới. Tôi cảm thấy bước khởi đầu đòi hỏi nhiều sự tập trung, đầu tư hơn lúc hoàn thành nửa quyển, khi đó tôi đã quen nhân vật, chủ đề và văn phong của tác giả. Chuyện giới hạn thời lượng, cố gắng không làm việc riêng trong lúc thưởng thức con chữ giúp tôi tập trung hơn. Tôi cũng ít bận tâm mình nghiền ngẫm tác phẩm đến đâu. Cuối ngày, việc dành thời gian với sách thực sự khiến tôi thỏa mãn. Có những ngày tôi thậm chí đọc vượt mức 30 phút, tranh thủ nhiều thời điểm trong ngày.
Cũng giống như các vận động viên thường nói “nhập tâm” khi tập luyện, dành thời gian đọc sách giúp tôi tạm ngắt kết nối với thế giới xung quanh, đắm chìm vào tác phẩm. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng đạt được trạng thái đó, có những lúc vô thức dùng điện thoại hoặc laptop. Ngay khi nhớ ra mục tiêu, tôi lập tức đặt các thiết bị sang một bên và tiếp tục đọc, như người chạy bộ nghỉ giữa giờ, để kéo dài tổng thời lượng đọc thêm một hoặc hai phút. (Nhìn lại, việc cài chế độ không làm phiền cho điện thoại có thể hữu ích).
Những năm tới, chúng ta có thể sẽ bị bủa vây bởi nhiều tin tức và thông tin mang tính kích thích hơn, khiến việc duy trì các kỹ năng như tập trung, xử lý thông tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đọc sách mỗi ngày, dù chỉ một ít, là cách tốt nhất để giữ não bộ sắc bén. Hãy cùng tôi biến hoạt động này thành một phần trong thói quen hàng ngày: Đánh răng, ăn uống lành mạnh, tập thể dục và đọc sách thật nhiều”.
Phương Thảo (theo Slate)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/da-den-luc-xem-doc-sach-nhu-tap-the-duc-4846330.html