Nhà văn Australia Gerald Murnane – tên tuổi được kỳ vọng thắng giải Nobel 2024 – chưa bao giờ đi máy bay hoặc rời khỏi đất nước, sáng tác bằng trí tưởng tượng.
Trong số những tên tuổi được được kỳ vọng thắng Nobel Văn học năm nay, Gerald Murnane tác giả xếp sau cây bút người Trung Quốc Tàn Tuyết. Dù giải thưởng 2024 thuộc về Han Kang của Hàn Quốc, Murnane vẫn nhận được sự quan tâm trong làng văn học.
Gerald Murnane, 85 tuổi, được The New York Times mô tả là “tác giả đương đại viết tiểu thuyết tiếng Anh mà ít người biết tới”. Ông có 15 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, hồi ký, thơ, truyện ngắn và một tập hợp bài luận.
Trong bài viết Reading Gerald Murnane, học giả Mỹ Nicholas Birns đánh giá văn chương của ông được viết theo phong cách hiện thực pha trộn giả tưởng, đậm chất cá nhân. Murnane tập trung khai thác thế giới nội tâm, khám phá suy nghĩ, ký ức và ám ảnh sâu kín của nhân vật. Các tác phẩm của nhà văn chứa đựng những yếu tố siêu thực, không theo logic thông thường. ABC News nhận xét tác giả kết hợp sự kiện có thật về cuộc đời mình với câu chuyện hư cấu, để người đọc tự suy nghĩ và khám phá các chi tiết.
Tamarisk Row (1974) là ví dụ điển hình cho phong cách này. Cuốn sách lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của tác giả, kể về Clement Killeaton lớn lên ở thị trấn Bassett ngay sau Thế chiến thứ hai. Cậu có người cha nghiện cờ bạc và người mẹ mộ đạo. Clement dành phần lớn thời gian trong khu vườn của mình, nơi cậu tưởng tượng thành một trường đua ngựa và sử dụng bi ve để tạo ra các cuộc đua giả tưởng.
Murnane được biết đến nhiều hơn qua The Plains (1982). Tác phẩm kể về nhà làm phim trẻ với những nỗ lực làm ra một tác phẩm chủ đề lịch sử, văn hóa tại một vùng đất hư cấu. Cuốn sách là sự kết hợp giữa phong cảnh, ký ức, tình yêu và nghệ thuật.
Inland (2013) nói về tội lỗi, sự khao khát và hối tiếc. Tiểu thuyết viết dưới dạng lá thư từ một nhà văn gửi cho biên tập viên tạp chí để kể những trải nghiệm về cuộc sống, quang cảnh bên ngoài và ký ức về người bạn thời thơ ấu, “cô gái từ phố Bendigo”. Tác giả dùng ngôn ngữ để khám phá những góc khuất của tâm hồn con người, đặt ra câu hỏi về cuộc sống và ý nghĩa của sự tồn tại. Theo Giramondo Publishing, tác phẩm đánh dấu cột mốc quan trọng trong văn học nước này.
Cuốn Border Distriscts (2017) được viết khi tác giả về già. Trong giai đoạn này, văn chương của ông có xu hướng hoài niệm, đề cập đến ranh giới giữa sự sống và cái chết. Sách được viết sau khi nhà văn chuyển từ Melbourne đến Goroke. Nhân vật trong truyện là một người đàn ông cũng có hoàn cảnh tương tự, từ một thủ đô chuyển đến thị trấn xa xôi vùng biên giới, nơi ông sống những năm cuối đời. Tại đây ông suy ngẫm về những thành tựu của mình, nhân vật lập ra một danh sách ghi lại những gì ông chứng kiến, trải nghiệm tại thị trấn. Ở phần cuối, tiểu thuyết gia trích dẫn lời nhà thơ Shelley: “Cuộc sống/ Giống như một mái vòm bằng kính nhiều màu/ Làm vấy bẩn ánh sáng trắng của vĩnh hằng”.
Murnane kết thúc sự nghiệp văn chương bằng Last Letter to a Reader (2021), bản tập hợp những bài tự đánh giá về sáng tác của ông theo thứ tự. Nhà văn suy ngẫm về mối liên hệ giữa sách, ý tưởng và trải nghiệm sống đã định hình nên tác phẩm của ông.
The New York Times mô tả sách của Murnane là “suy ngẫm theo kiểu tiểu luận”, tiểu thuyết tập trung chia sẻ suy nghĩ hơn là kể chuyện. Tác giả lồng ghép chi tiết trong những sáng tác với nhau, điều này có thể khiến người đọc mới cảm thấy khó hiểu. Ngay cả những người yêu thích Murnane cũng thừa nhận có đoạn trong sách của ông khá khô khan. Tuy nhiên, họ cho rằng đó là đặc trưng phong cách nhà văn.
Học giả Nicholas Birns cho biết Murnane là nhà văn rất Australia nhưng cũng không Australia. Mặc dù các sáng tác của ông thường đề cập đến đất nước, phong cảnh, con người và văn hóa nơi này, cách tác giả viết lại khác biệt so với các cây bút trong nước. Ông kết hợp những yếu tố văn học hiện đại trên thế giới, tạo nên phong cách riêng, không bị giới hạn trong khuôn khổ văn học quốc gia.
Gerald Murnane còn gây chú ý với lối sống ẩn dật, được ABC News nhận định có tính cách lập dị. Khác các tác giả đi khám phá nhiều nơi để tìm cảm hứng sáng tác, ông chưa bao giờ đi máy bay hoặc rời khỏi đất nước, hiếm khi đi du lịch và nghe đài, xem tivi không quá 20 phút mỗi ngày. Trên ABC News, tiểu thuyết gia cho biết: “Đối với tôi, thế giới quá lớn để khám phá hết trong một đời người, vì vậy tôi gắn bó với Victoria”.
Nhà văn chuyển từ Melbourne đến thị trấn nhỏ Goroke ở phía tây Victoria để sống với con trai vào năm 2009, sau khi vợ ông – bà Catherine – qua đời. Tại đây, sự nghiệp văn chương của Murnane như được hồi sinh. Thị trấn là nơi ông cho ra đời tám cuốn sách. Tác giả nói: “Sự quan tâm của tôi đối với nơi này một phần là do nó phù hợp với cuộc sống của tôi”.
Nói về Border Distriscts – cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp – nhà văn cho biết: “Khi viết nó, tôi cảm thấy không còn gì để viết nữa”.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa tác giả đã ngừng viết hoàn toàn. Murnane lưu giữ những ghi chép và bản thảo chưa công bố trong chiếc tủ được đặt tên Niên đại, Văn học và Đối cực, sẽ chỉ được công khai sau khi ông cùng anh trai và chị gái qua đời. “Độc giả quan tâm đều có thể tìm hiểu những gì tôi đã ghi lại. Tất cả suy nghĩ, đánh giá của tôi đều ở trong kho lưu trữ”, Murnane nói với ABC News.
Không đi khám phá nhiều và ít trải nghiệm cá nhân, tác giả đã tận dụng trí tưởng tượng để sáng tạo những tác phẩm hư cấu.
Gerald Murnane từng đoạt giải văn học thường niên do Patrick White sáng lập, Giải thưởng Văn học của Thủ tướng Australia và Giải Văn học Melbourne cùng nhiều giải thưởng khác.
Châu Anh (theo ABC News, The Guardian)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-doi-an-dat-cua-nha-van-gerald-murnane-4802938.html