“Bảy chuyện kể Gothic” của Isak Dinesen giúp độc giả hiểu về văn học Gothic – phong cách phát triển mạnh ở châu Âu cuối thời kỳ Trung cổ.
Độc giả trong nước từng biết đến nhà văn Đan Mạch Karen Blixen qua tác phẩm Out of Africa (Châu Phi nghìn trùng) – được chuyển thể thành bộ phim kinh điển cùng tên. Hồi cuối tháng 5, bà trở lại với người đọc Việt qua cuốn Seven Gothic Tales (Bảy chuyện kể Gothic), cùng bút danh khác là Isak Dinesen.
Phát triển tại châu Âu từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16, nghệ thuật Gothic nổi bật nhất trong kiến trúc, đồng thời có nhiều ảnh hưởng đến hội họa, điêu khắc, nghệ thuật thủ công và sau đó là văn học. Từ “Gothic” ban đầu có nghĩa là “man rợ, hỗn loạn, quái dị”, thường được sử dụng với hàm ý coi thường. Các nhà phê bình ở châu Âu từng cảm thấy thứ nghệ thuật thời Trung cổ này thiếu sự tinh tế và khác biệt với những nghệ thuật đương thời về tính thẩm mỹ. Về sau định kiến này mới thay đổi.
Nghệ thuật Gothic ảnh hưởng sâu sắc văn học, là nguồn cảm hứng dài lâu cho văn chương bởi tính chất tâm linh, kỳ bí, rùng rợn, thường xoay quanh các đề tài về những lâu đài cổ bí ẩn, ma quái, quái vật, và các sự kiện siêu nhiên, những con người kỳ dị. Văn học Gothic phát triển vào thế kỷ 18 ở Anh, sau đó lan rộng sang các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Bảy chuyện kể Gothic xuất bản năm 1934, là tác phẩm đầu tiên Isak Dinesen viết bằng tiếng Anh, nhanh chóng được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ phong cách viết tiêu biểu cho dòng văn học Gothic. Tạp chí The Atlantic đánh giá đây là “cuốn sách đầu tay của một trong những tác giả xuất sắc và độc đáo của thời đại chúng ta, là một tác phẩm kinh điển hiện đại”.
Bảy truyện Những con đường vòng quanh Pisa, Lão hiệp sĩ, Con khỉ, Trận lụt tại Norderney, Bữa tối tại Elsinore, Những kẻ sống trong mơ, Thi nhân đều mang yếu tố Gothic cổ điển, diễn ra trong các bối cảnh mang dáng dấp lịch sử hoặc tưởng tượng. Hệ thống nhân vật phức tạp và tình huống kịch tính của sách gợi nhắc phong cách viết của các nhà văn kinh điển như Johann Wolfgang von Goethe, E. T. A. Hoffmann và Edgar Allan Poe.
Không gian trong sách trải dài từ tu viện Ba Lan, quán ăn tại Tuscany, đống cỏ khô ở Nordeney sắp bị nhấn chìm trong trận lũ lụt dữ dội đến đêm thiêu đốt ở bờ biển châu Phi giữa Lamu và Zanzíbar. Những câu chuyện kể của Isak Dinesen dẫn đến những ảo giác sai lệch, mang hàm ý về sự thay đổi, biến ảo của cuộc sống. Độc giả có cảm giác giống như một cuộc đi bộ xuyên qua một mê cung, nơi đường dây câu chuyện tạo ra những khúc cua gấp, dẫn con người vào ngõ cụt và những góc tối, cho đến khi cuối cùng con người xuất hiện ở phía bên kia với bộ dạng không thể chắc chắn về những nơi đã đi hay điểm đã đến.
Có điều gì đó nguyên sơ trong những câu chuyện kể của Isak Dinesen, đưa người đọc quay trở lại với hình ảnh mụ phù thủy bên đống lửa, hay người hát rong thời Trung cổ trong một hội chợ nông thôn, hoặc những câu chuyện cổ tích mà trẻ nhỏ được đọc trước khi đi ngủ. Câu chuyện này hòa câu chuyện khác như vào những cõi mộng.
Việc chọn theo khuynh hướng văn học Gothic của Isak Dinesen có lẽ bắt nguồn từ xuất thân , nền giáo dục mà bà được hưởng cùng với những làn sóng va đập của đời sống vào thế giới phù hoa đang dần lụi tàn. Theo một nghĩa nào đó, Isak Dinesen viết Bảy câu chuyện Gothic để ca ngợi quá khứ và cũng để chôn vùi nó. Những câu chuyện này là một khúc bi ca đối với thế giới mà Isak Dinesen sinh ra và cuối cùng đã đi đến hồi kết: Thế giới quý tộc phong kiến châu Âu trước Thế chiến I. Sau đó, thế giới này đã tan vỡ và phần còn sót lại đã phải thay đổi cho phù hợp với thời đại mới. Mặt khác, môi trường sống ở một đất nước Bắc Âu lạnh lẽo, là xứ sở của những truyền thuyết, huyền thoại cũng là một nguyên nhân để tạo gợi cảm hứng cho những sáng tác.
Tên thật của bà là Karen Christence Dinesen. Trong quãng đời sáng tác của mình, ngoài bút danh Isak Dinesen được sử dụng ở các nước nói tiếng Anh. Bà Karen Blixen còn được biết đến với bút danh Tania Blixen, được sử dụng ở các nước nói tiếng Đức và một số bút danh như Osceola và Pierre Andrézel. Bà sinh ngày 17/4/1885 trong gia đình quý tộc ở Đan Mạch và được hưởng một nền giáo dục tốt ngay từ khi còn nhỏ.
Isak Dinesen và người anh họ của mình, nam tước Bror Blixen-Finecke yêu nhau, tuyên bố đính hôn vào ngày 23/12/1912, trước sự ngạc nhiên của hai bên gia đình. Trước những khó khăn mà cả hai gặp phải khi định cư ở Đan Mạch, gia đình đề nghị họ nên chuyển ra nước ngoài sinh sống. Với tư cách là những người da trắng tiên phong đến vùng đất châu Phi, họ điều hành một trang trại cà phê được mua bằng tiền do gia đình giúp đỡ và đầu tư.
Biến cố cuộc đời như ly dị chồng, tình nhân qua đời vì tai nạn máy bay khiến bà suy sụp tinh thần. Việc trồng cà phê thất bại do quản lý yếu kém, hạn hán và giá cà phê giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu buộc Isak Dinesen phải bán lại trang trại, trở về Đan Mạch vào tháng 8/1931 để sống với mẹ trong ngôi nhà của gia đình tại Rungstedlund.
Sau khi trở về Đan Mạch, Isak Dinesen dấn thân vào sự nghiệp viết lách. Nhưng bà không bao giờ tự nhận mình là nhà văn. Khi trả lời phỏng vấn nhà báo Bent Mohn trên tờ The New York Times cho mục Điểm sách vào ngày 3/11/1957, Isak Dinesen nói: “Tôi không phải là một tiểu thuyết gia, thậm chí thật sự không phải là nhà văn. Tôi là một người kể chuyện. Một người bạn đã nói về tôi rằng tôi nghĩ mọi nỗi buồn đều có thể chịu đựng được nếu bạn lồng ghép chúng vào một câu chuyện hoặc kể một câu chuyện về chúng. Đối với tôi lời giải thích về cuộc sống dường như là giai điệu của nó, khuôn mẫu của nó. Và tôi cảm thấy trong cuộc sống một sự tưởng tượng vô tận”.
Hà Thanh Vân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/coi-mong-trong-bay-chuyen-ke-gothic-4757991.html