Ca sĩ Cẩm Vân cho biết từng “liều mình” sửa một chữ trong ca khúc nhạc Trịnh trước mặt tác giả nhưng không bị ông giận.
Ôn kỷ niệm về nhạc sĩ nhân ngày giỗ thứ 23 của ông (1/4/2001-1/4/2024), Cẩm Vân cho biết sinh thời, Trịnh Công Sơn luôn kỹ tính về phần ca từ, nhất là với các ca sĩ chuyên nghiệp. Ông từng nói với Cẩm Vân có thể hát nhầm giai điệu nhưng đừng tự ý sửa lời. Nhớ lời dặn, chị luôn học kỹ ca khúc.
Một lần, Cẩm Vân thể hiện Xin cho tôi – sáng tác nổi tiếng trong tuyển tập ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn. Lời câu mở đầu trong bài hát là “Xin cho mây che đủ phận người”. Trước khi lên sân khấu, Cẩm Vân tập dượt nhiều lần song cảm thấy chưa hát được chữ “đủ” sao cho hay. “Tôi đành liều mình đổi sang ‘phủ’ để hợp chất giọng và cách luyến láy hơn. Vừa hát, tôi vừa nơm nớp quan sát thái độ nhạc sĩ đang ngồi bên dưới, may mắn ông không giận, chỉ nhìn tôi mỉm cười”, Cẩm Vân cho biết.
Giọng ca 65 tuổi cho biết nhạc Trịnh chiếm vị trí đặc biệt trong sự nghiệp hơn bốn thập niên ca hát của chị. Năm 1984, khi tham gia một đêm nhạc ở TP HCM, chị được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đề nghị hát một ca khúc nhạc Trịnh. Cẩm Vân nhẹ nhàng từ chối vì “em không thuộc bài nào của anh Sơn cả”. Trịnh Công Sơn – khi đó đang ngồi bên dưới – bèn ngỏ ý sẽ nhắc cho chị. Ca sĩ bèn thể hiện ca khúc Diễm xưa, còn tác giả đứng bên cạnh, thỉnh thoảng mớm lời với giọng nói ngà ngà say. Đó là lần đầu Cẩm Vân bén duyên với nhạc Trịnh, mở màn cho loạt bản thu thành công của chị sau này, như Sóng về đâu, Ru ta ngậm ngùi, Xin mặt trời ngủ yên.
Cẩm Vân gặp ông lần cuối năm 2001, tại tiệc sinh nhật lần thứ 62 của ông ở nhà riêng nhạc sĩ. Lúc đó, sức khỏe ông đã xuống dốc sau thời gian bạo bệnh, người gầy gò, ốm yếu. Dù vậy, gặp chị và một số bạn hữu, ông gượng dậy, ngồi lên ghế tiếp khách với phong thái lịch thiệp quen thuộc. Giữa cuộc trò chuyện, nhạc sĩ đề nghị: “Vân hát cho anh nghe đi”. Chị từ chối vì hôm đó giọng hơi khàn, không có nhạc đệm song ông vẫn nài nỉ. Cẩm Vân bèn thể hiện Sóng về đâu – ca khúc chị từng thu âm mà nhạc sĩ tâm đắc. Ra về, cả hai chia tay trong luyến tiếc.
Ca sĩ không ngờ chỉ hơn một tháng sau lần hội ngộ, nhạc sĩ qua đời. “Khi ấy, được người quen báo tin qua điện thoại, tôi ngỡ là trò đùa Cá tháng Tư. Gọi điện nhiều người khác để kiểm tra, tôi mới chấp nhận được sự thật anh đã vĩnh viễn ra đi”, ca sĩ nói.
Nhân ngày giỗ Trịnh, Cẩm Vân phát hành MV Hành hương trên đồi cao, do đạo diễn Tùng Phan thực hiện. Video được quay cuối năm ngoái, trong một lần về quê cha của Cẩm Vân ở Cao Bằng. Khi đặt chân lên những vùng đồi núi, thác nước hùng vĩ, chị chợt nhớ đến ca từ nhạc Trịnh: “Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống/ Người đi một mình, vực sâu gọi tên”. Chị chọn nhạc phẩm với ngụ ý vừa là sản phẩm ghi lại kỷ niệm lần thăm quê cha đất tổ, vừa là cuộc hành hương tìm về cội nguồn nhạc Trịnh. Ca sĩ giữ lại phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Bảo Phúc trong album Xin cho tôi (2004) với tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. Ông để lại hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình. Nhiều tên tuổi gắn liền nhạc của ông như: Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Quang Dũng, trong đó Khánh Ly là giọng hát biểu tượng.
Cẩm Vân tên đầy đủ là Hoàng Cẩm Vân, nổi tiếng từ thập niên 1980. Năm 1983, chị đoạt Huy chương vàng đơn ca Liên hoan Ca nhạc chuyên nghiệp TP HCM với Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn). Năm 1986, chị thi đơn ca quốc tế tại Dresden, Đức, đoạt giải đặc biệt với ca khúc Vì sao em chết (Thanh Trúc). Năm 1988, chị đoạt huy chương vàng dòng nhạc nhẹ của cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc. Từ năm 1997 đến 2007, nhiều ca khúc của chị lọt vào bảng xếp hạng âm nhạc Làn sóng xanh. Chị kết hôn với tay trống Khắc Triệu, có hai con gái, trong đó con út CeCe Trương đang nối nghiệp mẹ.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cam-van-toi-tung-tu-y-sua-loi-nhac-trinh-4728832.html