“Ngày xưa có một chuyện tình” – phim chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh – lấy bối cảnh Phú Yên để tái hiện mối tình thập niên 1990.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết trước khi bấm máy, êkíp dành nhiều tháng khảo sát các bối cảnh, tìm những góc của miền Trung giữ lại được không khí đặc trưng của những năm 1990 đến đầu 2000. “Sau cùng, chúng tôi nhận ra chỉ có Phú Yên mới mang lại cảm giác hoài niệm đúng như tên phim”, anh nói.
Êkíp đầu tư khâu mỹ thuật để khắc họa cuộc sống nông thôn. Cảnh học sinh đạp xe đi học trong mùa lũ ghi hình tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa. Đạo diễn chọn những ngôi làng đồng nhất về mặt kiến trúc, khắc họa đại cảnh nhóm nhân vật vui đùa bên ruộng lúa chín, dưới ánh hoàng hôn. Trường tiểu học An Ninh Ðông (huyện Tuy An) là nơi diễn ra câu chuyện thời niên thiếu của bộ ba Vinh (Thanh Tú đóng), Miền (Mona Bảo Tiên), Phúc (Hạo Khang).
Ngoài dàn dựng bối cảnh, đạo diễn cũng tận dụng các địa điểm còn nguyên sơ. Chẳng hạn, cảnh hẹn hò của Phúc và Miền được thực hiện ở suối Hàn, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Ðông Hòa. Đoàn phim phải di chuyển thiết bị, nhân sự trong nhiều địa điểm để hoàn thành bộ phim chỉ trong 35 ngày.
Trong ba diễn viên chính thời trưởng thành, Avin Lu là người duy nhất được mời đến casting nhờ từng tích lũy kinh nghiệm qua quá trình đóng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh. Diễn viên Ngọc Xuân từng góp mặt trong phim Giấc mơ của mẹ (2022), MV Vì sao sáng của ca sĩ Lam Trường. Đỗ Nhật Hoàng xuất thân là vũ công, từng tham gia vũ đoàn Bước Nhảy, chưa có nhiều kinh nghiệm đóng phim.
Truyện Ngày xưa có một chuyện tình phát hành năm 2016, xoay quanh cuộc đời các nhân vật Vinh, Phúc và Miền. Cả ba cùng lớn lên ở một thị trấn miền Trung, trải qua những kỷ niệm khó quên của thời cắp sách đến trường. Khi bước vào trung học, Vinh phát hiện cảm xúc bấy lâu dành cho Miền là tình yêu. Khi nhận ra bản thân cũng thích Miền, Phúc giữ im lặng vì tôn trọng tình bạn của cả ba.
Truyện từng bán hơn 100.000 bản, lọt vào top 10 tác phẩm best-seller của Nguyễn Nhật Ánh. So với nhiều sách cùng đề tài như Mắt biếc, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc, nhà văn đi vào các tình tiết khốc liệt hơn. Những vụng dại đầu đời được phát triển thành quan hệ yêu đương sâu sắc, trong đó có việc “ăn cơm trước kẻng”, nhân vật nữ chính có thai và phải làm mẹ đơn thân. Nhà xuất bản ban đầu dự tính gắn mác 16+ cho truyện, sau đó quyết định không giới hạn độ tuổi vì nhận định tác phẩm mang tính giáo dục cao.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/boi-canh-thap-nien-1990-cua-ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-4787794.html